Bùng nổ công nghệ mới - thách thức phát triển nhân lực số của Việt Nam
Việt Nam mất lợi thế về nhân lực giá rẻ, trong khi nhân lực chất lượng cao còn chưa được hình thành.
Các công nghệ thông minh và tự động hóa cao thay thế nhân lực phổ thông trong nhiều lĩnh vực, kèm theo đó thách thức không nhỏ về nhân lực số để có thể duy trì và vận hành.
- 19-12-2022Tiến tới thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử
- 19-12-2022Cảnh giác chiêu làm giả video call để lừa vay tiền qua Facebook
- 18-12-2022Doanh thu ngành Thông tin và Truyền thông năm 2022 ước đạt 3.893.595 tỷ đồng
Ngành công nghệ toàn cầu đang chứng kiến làn sóng sa thải nhân sự mạnh mẽ trong bối cảnh các công ty đối mặt nhiều lựa chọn khó khăn khi loạt thách thức kinh tế ập đến tác động của đại dịch Covid-19 cũng như những biến động chính trị... Việt Nam mất lợi thế về nhân lực giá rẻ, trong khi nhân lực chất lượng cao còn chưa được hình thành.
Sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài cũng dẫn đến nguy cơ bị thu hút mất lao động chất lượng cao của Việt Nam vào tay các đối tác công nghệ nước ngoài, đặc biệt là nhân lực tài năng cần thiết cho các hoạt động chuyển đổi số.
Số lượng dân số vàng nhưng chưa “vàng về chất lượng”
Theo dự báo của Google, Temasek và Bain & Company, tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là bùng nổ với dự báo năm 2025 đạt 33-45 tỷ USD, xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á và năm 2030 đạt khoảng 74 tỷ USD.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam cho biết, số liệu về doanh thu ngành công nghệ thông tin, viễn thông của Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng rất cao, khoảng 7,1%/năm. Đó là những thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển vào thị trường chuyển đổi số hoặc lĩnh vực số. Đặc biệt, mức lương của các lập trình viên ở trong nước cũng rất cao so với các ngành nghề khác, đây là cơ hội để thu hút lực lượng lao động tham gia vào lĩnh vực này trong thời gian tới.
Kinh tế số, chuyển đổi số còn là xu hướng tất yếu của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh hiện nay, nhưng để phát triển được nền kinh tế số, Việt Nam phải vượt qua một số thách thức, trong đó có thách thức về nguồn nhân lực.
“Việt Nam đang có lợi thế về “số lượng dân số vàng”, nhưng chưa “vàng về chất lượng”, nên nguồn nhân lực cho kinh tế số vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng”, bà Dung nêu ý kiến.
Thách thức không nhỏ về nhân lực số để có thể duy trì và vận hành các công nghệ thông minh phục vụ quá trình chuyển đổi số.
Việt Nam cần nhiều chính sách thu hút nhân tài
Theo bà Dung, năm 2022, Việt Nam cần 530.000 người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, song thực tế đáp ứng vẫn thiếu 150.000 nhân lực. Mỗi năm sinh viên của Việt Nam tốt nghiệp là 16.500 sinh viên, song bản thân sinh viên được đào tạo cũng chỉ có một phần nhỏ đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Về chất lượng nguồn nhân lực, bà Nguyễn Ngọc Dung cho biết, so với các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Thái Lan thì Việt Nam xếp loại cuối. Điều này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế số quốc gia và chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước.
“Để giải quyết vấn đề thiếu và yếu của nguồn nhân lực, Chính phủ cần giao các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình, chiến lược đào tạo cụ thể. Cùng với đó, tổ chức các cuộc thi để các em sinh viên, đặc biệt các em nữ tham gia nhiều hơn vào ngành công nghệ thông tin. Mà nếu đào tạo không đủ, thì phải tính đến chuyện “nhập khẩu” từ nước ngoài”, bà Dung đề xuất.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các cường quốc lớn như Trung Quốc, Nhật Bản cũng có những chính sách đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực cao làm về công nghệ thông tin đến làm việc. Đặc biệt ở Silicon Valley (Mỹ), 2/3 số người làm việc trong các công ty nghệ cao đều “nhập khẩu” từ nước ngoài.
Cùng với đó, cần có chính sách tạo điều kiện để các chuyên gia nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đến Việt Nam làm việc như cấp visa đặc biệt cho chuyên gia nước ngoài giống như tại Nhật Bản và Silicon Valley đã làm.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành năm 2022 (Ảnh: M.Sơn)
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2022 là năm "tổng tiến công" về chuyển đổi số, năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu, tập trung công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu các bộ, ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ và an toàn dữ liệu. Cùng với đó, Bộ cũng mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”.
Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện được mục tiêu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hay cách khác là Việt Nam cần nhiều chính sách thu hút nhân tài hơn, vì không có nhân tài đất nước khó phát triển.
“Đã có doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao trả được mức lương tương đương doanh nghiệp nước ngoài, bắt đầu xuất hiện nhiều người lao động đang làm ở nước ngoài về Việt Nam. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam có tạo ra lợi nhuận cao không? Vì vậy bên cạnh yếu tố thị trường, Đảng, Nhà nước cũng cần có thêm chính sách thu hút nguồn nhân lực, và làm nhiều hơn nữa để có đủ nhân tài cho phát triển khoa học công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài trở thành nguồn lực cơ bản và đổi mới trở thành động lực cơ bản.
“Chúng ta chú ý ở chữ “cơ bản”. Trước đây, chúng ta đã từng nói khoa học công nghệ là lực lượng sản xuất, thì nay là lực lượng sản xuất cơ bản. Trước đây, chúng ta nói nhân lực là nguồn lực, nay chúng ta nhấn mạnh tài năng, nhân tài là nguồn lực cơ bản. Trước đây, chúng ta nói đổi mới sáng tạo là động lực của phát triển, thì nay là động lực cơ bản của phát triển. Cả 3 yếu tố: công nghệ, nhân tài và đổi mới sáng tạo, thì đối với lĩnh vực CNTT, công nghệ số lại càng có ý nghĩa quyết định. 3 yếu tố ấy mà vận vào lĩnh vực của chúng ta thì là: công nghệ số, nhân tài số và chuyển đổi số”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
VOV