MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bùng nổ đô thị ven biển miền Trung

23-08-2019 - 09:25 AM | Bất động sản

Việc xây dựng các khu đô thị ven biển được các tỉnh miền Trung đặc biệt quan tâm nhưng vấn đề này cũng hàm chứa nguy cơ bê-tông hóa không gian biển

Tại hội nghị phát triển kinh tế miền Trung vừa diễn ra ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hôm 20-8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã đề xuất 3 nhóm giải pháp lớn nhằm thúc đẩy kinh tế miền Trung. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch quốc gia và vùng, lấy biển và vùng ven biển làm trung tâm, xây dựng các đô thị ven biển hiện đại.

Vệ tinh cho đô thị trung tâm

Giải pháp này khẳng định thêm việc đầu tư, phát triển các đô thị ven biển của các tỉnh miền Trung hiện nay đã đi đúng hướng. Tỉnh Bình Thuận hiện đã cho phép các nhà đầu tư có tiềm lực nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch phát triển không gian đô thị phức hợp trên dải đất ven biển. Riêng UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch xây dựng các khu vực ven biển của tỉnh từ xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) đến xã Tân Thắng (huyện Hàm Tân).

 Bùng nổ đô thị ven biển miền Trung  - Ảnh 1.

Ven biển Nha Trang đang bị nén bởi nhà cao tầng và mật độ xây dựng cao Ảnh: KỲ NAM

Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Thuận, cho biết hiện nay, trên trục đường ven biển của tỉnh có nhiều dự án xin cấp phép đầu tư khu đô thị. Tuy nhiên, chỉ những dự án bảo đảm yếu tố môi trường mới được chấp thuận. Quan điểm của Bình Thuận là phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường. TP Phan Thiết được xem là trung tâm, gồm 15 khu đô thị: khu dân cư Nguyễn Thông; khu trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến - Mũi Né; khu công viên - dịch vụ Hùng Vương; khu tái định cư kè sông Cà Ty... Các khu đô thị này được mở ra ở rất nhiều khu vực ven biển quanh TP Phan Thiết, làm vệ tinh.

Ở Khánh Hòa, ngoài TP Nha Trang là đô thị trung tâm của tỉnh thì 2 khu vực được chọn làm đô thị vệ tinh là Bắc bán đảo Cam Ranh với 45 dự án và thị xã Ninh Hòa với các khu đô thị ven biển thuộc các phường Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải. Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận các khu vực ven biển khác như Cam Ranh, Vạn Ninh, Cam Lâm đang có tốc độ đô thị hóa cao.

Ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Long - doanh nghiệp đang đầu tư nhiều khu đô thị ven biển miền Trung, cho rằng tiềm năng phát triển đô thị ven biển khu vực này là rất lớn. "Các đô thị ven biển được xây dựng sẽ trở thành các đô thị vệ tinh xung quanh khu đô thị lõi hiện nay, xoay quanh trung tâm hành chính tỉnh lỵ, sẽ kéo dãn dân cư về sinh sống, giảm thiểu áp lực dân số lên vùng trung tâm, tạo môi trường sống và làm việc tốt hơn cho cộng đồng liên vùng" - ông Châu nói.

Phải chừa chỗ "thở"

Theo ông Nguyễn Xuân Châu, để các khu đô thị vệ tinh ven biển phát triển cần đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối những đô thị vệ tinh ven biển và với đô thị lõi mới tạo động lực cho sự phát triển liên kết song hành. Nên quy hoạch đô thị mới ven biển thấp tầng, mật độ cây xanh lớn, những công viên chủ đề nằm giữa các khu đô thị để bảo đảm không gian công cộng, có chỗ để bờ biển "thở’" lấy gió biển vào sâu trong nội địa. Hạ tầng đô thị phải được ngầm hóa toàn bộ, hệ thống thoát nước mưa, nước sinh hoạt được tách bạch và đặc biệt phải xử lý nước thải sinh hoạt.

Kiến trúc sư Lê Văn Thanh Bình, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Bình Thuận, cho rằng việc cho phép nhiều chủ đầu tư xây dựng các dự án san sát, ven biển ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né (Bình Thuận) trước đây đã dẫn đến việc tuyến đường ven biển này bị che kín, người dân gặp khó khăn khi không có lối đi xuống biển, điều này là một bài học trong công tác quy hoạch các khu đô thị ven biển của tỉnh này. "Vì vậy, trong công tác quy hoạch xây dựng các dự án ven biển của Bình Thuận trong tương lai cần có quỹ đất dành cho công cộng, đặt lợi ích công cộng lên trên hết. Ngoài ra, vấn đề xử lý môi trường, rác thải ven biển cũng phải được quan tâm hàng đầu khi phê duyệt các dự án" - ông Bình đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, cho rằng trong 59 tiêu chí đánh giá đạt chuẩn đô thị loại I thì TP Nha Trang vẫn còn thiếu 16 tiêu chí. "Hiện nay, quy hoạch ở Nha Trang đang mất cân đối khi hàng loạt khách sạn cao tầng tập trung hết về phía đường Trần Phú làm khu vực này bị nén. Nếu tập trung quá nhiều thì không chỉ khu vực trung tâm TP Nha Trang mà cả khu vực phía sau Nha Trang và Diên Khánh sẽ mất đi sự lưu thông về không khí. Nhiều khu vực mật độ xây dựng qua dày đặc, vi phạm quy hoạch chung" - ông Lộc nói.

Khai thác mất cân đối

Theo "Nghiên cứu và xây dựng mô hình đô thị ven biển có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu" của GS-TS Mai Trọng Nhuận (Trung tâm Nghiên cứu đô thị, ĐHQG Hà Nội) thì dải đô thị ven biển của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ nước biển dâng, biến đổi khí hậu có biểu hiện ngày càng bất thường.

Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất trong cấu trúc không gian đô thị biển so với các loại đô thị khác là chứa đựng 2 yếu tố tài nguyên biển như các bãi tắm, đảo, hang động, các hệ sinh thái biển, các di tích, thắng cảnh ven biển... và không gian dịch vụ ven biển như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí... Tuy nhiên, ở cả hai mảng không gian này, tại nhiều đô thị biển, đang bị khai thác mất cân đối, thậm chí còn thái quá, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các đô thị này.

Theo Việt Khánh - Kỳ Nam - Hồng Ánh

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên