MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bùng nổ xe điện, các nhà đầu tư đổ xô mua cobalt đẩy giá tăng mạnh

16-02-2017 - 10:33 AM | Thị trường

Các nhà đầu tư đang đổ xô mua cobalt hàng thực (physical) với dự đoán rằng thị trường sẽ thiếu cung kim loại này – thành phần chính trong ắc quy lithium-ion (ắc quy sạc điện) dùng trong ô tô điện – đẩy giá tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Giá cobalt đã tăng gần 50% kể từ tháng 9/2016 lên mức cao nhất trong vòng 5 năm, khoảng 19 USD/lb, trong bối cảnh các quy định kiểm soát lượng khí thải ngày càng khắt khe hơn làm gia tăng nhu cầu ô tô điện, nhất là ở Trung Quốc, nơi mà một số thành phố đang phải “chiến đấu” với ô nhiễm môi trường.

Hãng tư vấn CRU Group nhận định tiêu thụ xe điện (electric car -HEV) và xe kết hợp giữa điện và điện hybrid (plug-in hybrid vehicle - PHEV) có thể đạt 4,4 triệu chiếc vào năm 2021 và tiếp tục tăng lên hơn 6 triệu chiếc vào năm 2025, từ mức 1,1 triệu chiếc năm 2016.

Đến năm 2020, 75% ắc quy lithium-ion sẽ chứa cobalt – cho phép các ô tô điện hoạt động theo cơ chế linh hoạt hơn, theo dự báo của eCobalt Solutions, hãng sản xuất muối cobalt (sử dụng trong ắc quy).

Khoảng 98% cobalt được sản xuất dưới hình thức sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất đồng và nickel, do vậy các nhà đầu tư khó có thể chỉ đầu tư vào riêng mặt hàng cobalt.

“Cobalt sẽ không làm cho giá cổ phiếu tăng vọt. Các quỹ tìm kiếm các hợp đồng cobalt trên sàn giao dịch kim loại London (LME), nhưng không có đủ loại hàng này cho hàng triệu người muốn đầu tư vào”, một thương gia kinh doanh cobalt ở châu Âu cho biết.

“Vậy nên họ đang ráo riết săn lùng mua cobalt với mong muốn mua được thật nhiều mặt hàng này cho đến khi giá tăng, kỳ vọng sẽ lên khoảng 25 USD/lb hoặc nhiều hơn nữa”, thương gia này cho biết.

Pala Investments, quỹ đầu tư khoáng sản có trụ sở ở Thuỵ Sỹ, và Shanghai Chaos Investment, một trong những quỹ hàng hoá lớn nhất ở Trung Quốc, đã mua cobalt từ năm ngoái, một nguồn tin thân cận với những hãng này cho biết nhưng từ chối tiết lộ khối lượng cụ thể. Pala Investments từ chối bình luận về thông tin này, còn Shanghai Chaos không trả lời khi các phóng viên cố gắng liên hệ.

Theo các chuyên gia, triển vọng nhu cầu cobalt từ lĩnh vực xe điện (electric vehicle – EV) chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với những dự đoán ban đầu. Trung Quốc có một số kế hoạch rất có lợi cho sự phát triển của lĩnh vực xe điện. Đó sẽ là động lực chính thúc đẩy tiêu thụ cobalt gia tăng mạnh mẽ.

Cơ quan Dự trữ Quốc gia Trung Quốc – có nhiệm vụ dự trữ các loại hàng hoá từ dầu tới khoáng sản, kể cả đất hiếm – đã mua 5.000 tấn cobalt trong năm 2015 và 2016, và kế hoạch sẽ mua nhiều hơn nữa trong năm nay.

Nhận thức tầm quan trọng của kim loại này, Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ đã đưa các hợp chất lithium cobalt oxide và lithium nickel cobalt aluminium oxide vào danh mục dự trữ chiến lược và đã mua và tích trữ từ năm 2014. Ngoài ắc quy lithium-ion, cobalt cũng được sử dụng rộng rãi trong trong các siêu hợp kim của tua bin, tàu vũ trụ, động cơ rốc két và nhà máy điện.


Giá cobalt đã tăng 50% từ tháng 9 năm ngoái tới nay

Giá cobalt đã tăng 50% từ tháng 9 năm ngoái tới nay

Đầu cơ tích trữ

Sau 7 năm thị trường trong tình trạng dư thừa bởi sản xuất quá nhiều, thị trường cobalt được dự báo sẽ chuyển sang thiếu hụt trong năm nay. Sự thiếu hụt càng trở nên trầm trọng do dây chuyền cung ứng không an toàn. Gần 60% nguồn cung cobalt thế giới đến từ CHDC Congo, nơi luôn có những bất ổn về chính trị gây rủi ro lớn cho hoạt động sản xuất.

Đúng lúc đó, nhiều nhà đầu tư đang thâu tóm cobalt, chủ yếu đã mua khi giá chỉ vào khoảng 10 USD/lb (tháng 12/2015) khi thị trường vẫn còn trong tình trạng dư thừa trên 2.000 tấn. Họ đã tiên đoán được khả năng giá tăng và ôm hàng chờ đợi.

Ngày 13/2/2017, hãng kinh doanh và khai mỏ Glencore đã trở thành “ông chủ” của các nguồn cung đồng và cobalt lớn khi mua nốt những cổ phiếu còn lại của mỏ đồng-cobalt có tên Muntanda ở Congo, đồng thời nâng cổ phần của hãng ở một mỏ khác có tên Katanga với tổng trị giá 960 triệu USD. Họ cho biết tổ hợp này có thể trở thành nhà sản xuất cobalt lớn nhất thế giới.

Những nhà sản xuất đồng – cobalt lớn khác là Tập đoàn Eurasian, Sherritt International của Canada và China Molybdenum.

LiCo Energy Metals của Canada – chuyên thăm dò những nguyên liệu dùng trong ắc quy lithium-ion – hiện là một công ty nhỏ, nhưng có thể sẽ thu hút những nhà đầu tư đang tìm kiếm nguồn cung cobalt từ Canada – quốc gia có nền chính trị ổn định.

Nhu cầu cobalt toàn cầu năm 2016 đạt khoảng 100.000 tấn, trong đó khoảng một nửa dùng trong ắc quy sử dụng trong xe điện, điện thoại di động, máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số và máy khoan không dây.

“Xét về tổng thể nhu cầu, xe điện (EV) chỉ chiếm khoảng 6,5% tổng nhu cầu tiêu thụ cobalt tinh luyện trong năm 2016. Tuy nhiên tỷ lệ này sẽ nhanh chóng tăng lên 16,9% vào năm 2021, sẽ đẩy nhu cầu tăng lên gần 130.000 tấn”, nhà tư vấn cấp cao Edward Spencer của CRU cho biết. “Chúng tôi dự báo sẽ thiếu hụt 900 tấn ở khu vực trong năm nay. Tuy nhiên, mức thiếu hụt có thể còn lớn hơn nhiều nếu công suất khai thác mỏ và tinh luyện tăng quá chậm so với tốc độ tăng nhu cầu”.

Các nhà phân tích của Macquarie Research dự báo sẽ thiếu hụt 885 tấn trong năm 2017, thiếu 3.205 tấn năm 2019 và thiếu 5.340 tấn năm 2020.

“Có rất ít dự án mới cung cấp cobalt. Trong khi đó sản xuất cobalt tinh luyện ở những nước cung cấp chủ chốt như Australia, Nga và Zambia suy giảm xuống mức ngang băng một thập kỷ trước đây”, nhà phân tích Colin Hamilton của Macquarie cho biết.

Thị trường cobalt thế giới đang trở nên phụ thuộc vào nguồn cung của CHDC Congo hơn bao giờ hết, nhưng đáng lo ngại là những rủi ro chính trị ở quốc gia này không ngừng gia tăng, đó là chưa kể sự kiện chuyển giao quyền lực (Tổng thống) dự kiến sẽ diễn ra vào năm tới, một sự kiện được dự báo là sẽ không mấy suôn sẻ”.

Vân Chi

Reuters

Trở lên trên