Bùng phát tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư
Mâu thuẫn về giá dịch vụ, các tiện ích... giữa người dân và chủ đầu tư tại các chung cư, khu đô thị mới đang là một trong những vấn đề nóng của thị trường bất động sản thời gian gần đây. Một số tranh chấp đã được giải quyết ổn thỏa nhưng nhiều “cuộc chiến” giữa chủ đầu tư và người dân kéo dài dai dẳng. Những "cuộc chiến" này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của chủ đầu tư cũng như cuộc sống của cư dân.
- 10-09-2015Vụ chung cư cao cấp Golden Land: Chủ đầu tư lên tiếng
- 09-09-2015Cư dân chung cư cao cấp Golden Land tố hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư
Căng thẳng xung đột
Thời gian gần đây, những mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư tòa nhà Hồ Gươm Plaza (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) đang gây nhiều chú ý của dư luận. Nguyên nhân của vụ việc trên bắt nguồn từ những sai phạm của chủ đầu tư trong việc xây dựng dự án nhưng không được xử lý dứt điểm. Mới đây nhất, chủ đầu tư thông báo sẽ tạm thu mức phí dịch vụ mới là 5.500 đồng/m2 (tăng 2.000 đồng/m2 so với trước). Khi người dân không đóng mức phí này, chủ đầu tư đã cắt điện nước và khóa thang máy của chung cư. Ngay lập tức, cả trăm cư dân tụ tập, giăng băng rôn, khẩu hiệu phản đối việc làm của chủ đầu tư.
Vụ việc tại chung cư Hồ Gơm Plaza chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số cuộc tranh chấp diễn ra tại các chung cư khắp cả nước. Những xung đột giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản trị xảy ra ở hầu hết các chung cư không phân biệt bình dân hay cao cấp. Thông thường, những tranh chấp thường xoay quanh các vấn đề như: Quỹ bảo trì, phí dịch vụ…
Trước đó tháng 8 năm 2015, người dân tại chung cư Golden Land (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, do Công ty Cổ phần Thương Mại Hưng Việt làm chủ đầu tư) tố chủ đầu tư có nhiều sai phạm trong việc thực hiện dự án. Khi có những ý kiến phản ánh của cư dân, chủ đầu tư đã có văn bản trả lời các ý kiến và gửi tới từng cư dân; tổ chức ngay hội nghị cư dân vào đầu tháng 10/2015 để giải đáp các vấn đề cư dân phản ánh. Theo đó, chủ đầu tư đã cung cấp các giấy phép xây dựng, phê duyệt về thiết kế, thông tin về số lượng thang máy, cung cấp đầy đủ các chứng chỉ nghiệm thu PCCC... (Cư dân cho rằng không có).
Ngoài ra chủ đầu tư cũng công khai quỹ bảo trì của toà nhà và sẵn sàng bàn giao ngay khi Ban Quản trị tòa nhà đi vào thành lập. Một số yêu cầu của người dân như lắp hệ thống thông gió hành lang tạo thông thoáng cho cư dân, lắp bổ sung quạt gió thang máy cho tất cả các thang máy… cũng đã được chủ đầu tư đáp ứng thực hiện đầy đủ.
Không phải mâu thuẫn nào cũng được giải quyết như hai trường hợp trên. Nhiều mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân đã không được giải quyết mà đẩy lên đỉnh điểm. Điển hình là tranh chấp về khoản phí bảo trì 160 tỉ đồng xảy ra tại tòa nhà Keangnam (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) giữa cư dân và chủ đầu tư. Vụ việc này cuối cùng phải chờ đến quyết định của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà Keangnam phải trả khoản phí bảo trì 160 tỉ cho cư dân. Tuy nhiên, sau khi có quyết định của chính quyền, chủ đầu tư vẫn không thực hiện nghiêm việc này khiến người dân chịu thiệt hại.
Cơ sở pháp lý chưa chặt chẽ?
Theo một số chuyên gia pháp lý, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do khách hàng không chịu đọc kỹ các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng mua bán khiến cho thực tế nhận nhà và trên hợp đồng không như mong muốn. Mặt khác, nhiều chủ đầu tư để bán được hàng cũng quảng bá quá lời về sản phẩm của mình khiến người dân "vỡ mộng" khi về ở. Một số chủ đầu tư khác cũng cố tình cắt xén các tiện ích của dự án phục vụ quyền lợi của người dân để làm lợi cho mình. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chặt chẽ khiến những tranh chấp đang “nóng” ở nhiều chung cư kéo dài dai dẳng.
Tại quyết định 08 của Bộ Xây dựng có quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư, như cơ cấu tổ chức và quản lý sử dụng, quản lý vận hành và bảo trì, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu và người sử dụng, giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm... Tuy nhiên, các điều khoản lại không cụ thể rõ ràng, tạo ra kẽ hở pháp luật, dẫn đến tranh chấp. Cụ thể là quy định chưa rõ về chức năng, trách nhiệm của ban chủ nhiệm trong việc quản lý, điều hành quỹ bảo trì, trong khi số tiền quỹ này quá lớn, phải được quản lý sử dụng đúng nguyên tắc tài chính. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền chưa thực sự nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc thực thi pháp luật, giải quyết mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân làm sự việc trở lên phức tạp.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP Hà Nội tại một cuộc họp về quản lý nhà chung, mâu thuẫn về giá và chất lượng dịch vụ nhà chung cư giữa người dân và chủ đầu tư đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Rõ ràng qua các câu chuyện này có thể thấy việc quản lý các khu dân cư, đô thị mới một cách văn minh là một nhiệm vụ không hề đơn giản, đòi hỏi trách nhiệm từ nhiều phía. Các cơ quan chức năng phải ban hành đồng bộ các quy định, chế tài quản lý chung cư mới. Chủ đầu tư phải tuân thủ và nghiêm túc trong đầu tư và vận hành dự án. Một điều cũng quan trọng không kém là thái độ và ứng xử đúng mực của người dân, bởi sau cùng người dân mới là các nhân tố quyết định môi trường sống của cả khu cư dân.
Tuổi trẻ Thủ đô