MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bứng rễ" 474 chung cư sắp sập ở TPHCM như thế nào?

08-07-2016 - 22:20 PM | Bất động sản

Tình trạng người dân “cố thủ” trong các chung cư cũ do không thỏa thuận được về quyền lợi bồi thường cũng như tái định cư là mâu thuẫn phổ biến. Điều này dẫn đến việc mặc dù chung cư ngày càng xuống cấp và mất an toàn, nhưng việc di dời chung cư vẫn không tiến hành được.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng đã yêu cầu đến cuối năm 2016 phải hoàn thành công tác kiểm định chất lượng 474 chung cư cũ, xuống cấp để sớm có kế hoạch sửa chữa, xây mới nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của hàng chục nghìn hộ dân.

Trước đó, Bí thư Đinh La Thăng cũng đã chỉ đạo trong tháng 6/2016 các cấp ngành liên quan phải xây dựng xong cơ chế đặc thù để thúc đẩy việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, để thực hiện "tối hậu thư" trên các sơ ngành trên địa bàn thành phố chỉ còn vỏn vẹn đúng 6 tháng, nhưng đến nay cơ chế - chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư, bồi thường và tái định cư cho người dân vẫn chưa được trình lên cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Về vấn đề này, Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là có một bộ phận cư dân khi địa phương gặp gỡ bàn giá bồi thường thì họ không đồng tình, đòi hỏi đơn giá bồi thường quá cao. Điều này không đảm bảo công bằng cho các hộ đã di dời trước. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng thiếu quyết liệt. Trường hợp chung cư Cô Giang là một ví dụ. Mặc dù đã có chủ trương di dời khẩn cấp từ năm 2005 nhưng do UBND quận1 thiếu kiên quyết, có tâm lý e ngại khi đụng chạm đến quyền lợi của người dân, sợ bị khiếu nại nên đến nay vẫn chưa giải tỏa xong.

Còn ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng việc thỏa thuận bồi thường trong giải phóng mặt bằng còn gặp rất nhiều khó khăn. Người dân sống trong các khu chung cư cũ đa phần có thu nhập thấp, giá trị sử dụng còn lại của các căn hộ nhỏ, tiền bồi thường không đủ để mua lại căn hộ thương mại nên nhiều người không đồng ý việc bồi thường, di dời.

"Tình trạng này khiến nhiều dự án không thể triển khai do chưa có mặt bằng và phát sinh tình trạng tạm cư kéo dài. Hơn nữa, việc bồi thường cũng rất khó tạo được sự đồng thuận của người dân", ông Sơn nói.

Đứng về phía doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải, một trong những đơn vị từng tham gia cải tạo 6 chung cư cũ trên địa bàn thành phố cũng tỏ ra hết sức băn khoăn: “Người dân thì sợ mất nhà, không được tái định cư nên tâm lý phải cố thủ không chịu di dời để được hưởng giá cao. Doanh nghiệp thì thiếu niềm tin với chính quyền, sợ những trường hợp một số hộ dân không chịu di dời nhưng chính quyền không ra tay hỗ trợ khiến dự án không triển khai được, trong khi doanh nghiệp phải trả lãi suất vay mà dự án thì kéo dài vô hạn định thì chỉ có nước phá sản".

Theo quy định hiện hành, muốn chọn chủ đầu tư xây lại chung cư cũ, trước hết chủ sở hữu nhà chung cư phải tiến hành chọn thông qua đại hội nhà chung cư. Nếu các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được chủ đầu tư thì Nhà nước mới tham gia. Nhưng điều này chỉ áp dụng đối với trường hợp chung cư thuộc diện phải phá dỡ, xây dựng lại. Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định, thủ tục này mất rất nhiều thời gian, khó đạt được sự đồng thuận của các chủ sở hữu nhà chung cư, không đáp ứng được yêu cầu cấp bách để xử lý các chung cư bị hư hỏng nặng cũng như yêu cầu chỉnh trang đô thị.

Tại cuộc họp với các sở ngành, quận huyện về cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố ngày 8/7, Sở Xây dựng kiến nghị thành phố cho phép tái định cư tại chỗ (trừ trường hợp không xây dựng lại chung cư tại vị trí cũ), không thực hiện phương thức bồi thường để đẩy nhanh tiến độ. Khi đó, các hộ dân sẽ được bố trí tạm cư và sẽ quay trở lại định cư tại căn hộ mới có diện tích tương đương sau khi xây dựng xong chung cư.

Trong trường hợp không có nhu cầu tái định cư tại chỗ, người dân vẫn được bán căn hộ đã được bố trí theo hình thức chuyển nhượng.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đề nghị phân cấp, ủy quyền việc thẩm định, tháo dỡ các chung cư cũ, lựa chọn nhà đầu tư cho quận, huyện thực hiện. Một số vị lãnh đạo quận, huyện cho rằng việc thẩm định và phê duyệt kết quả kiểm định, cấp quận không thể làm nổi vì không có chuyên môn; nếu phân cấp, ủy quyền thì Sở Xây dựng phải có hướng dẫn cụ thể, cả về quy trình và kinh phí thực hiện.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên