Buộc bầu Tú và VFF "lùi bước", bầu Đức quyền lực tới đâu?
Bầu Tú đã phải chấp nhận sẽ sớm rời khỏi 2 chức vụ Tổng giám đốc VPF và Trưởng ban tổ chức V.League trong khi VFF cũng có những động thái mới, tất cả được xem là vì bầu Đức.
- 25-03-2018Bầu Đức và những phát ngôn làm “dậy sóng” bóng đá Việt Nam
- 24-03-2018Bầu Tú rời 3 ghế cùng lúc, quân bầu Đức tiếp tục chinh chiến V-League
- 24-03-2018Bầu Đức: Giữ trên 7 vị trí không phải "siêu sao" thì là gì?
Những ngày qua, bầu Đức liên tục lên tiếng công kích bầu Tú vì vấn đề kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ, đặc biệt ở VPF (Chủ tịch HĐQG, TGĐ và Trưởng ban tổ chức V.League) cũng như VFF vì nhiều điều ông xem là sai phạm, chưa minh bạch.
Trước sự "tấn công" quá đỗi mãnh liệt của bầu Đức, bầu Tú và VFF đã có những động thái nhượng bộ. Phía VPF cho biết đang tìm người để thay thế bầu Tú ngồi vào vị trí TGĐ kiêm Trưởng ban tổ chức giải. Còn phía VFF thì đăng thông tin cho bổ sung đề cử nhân sự ứng cử ủy viên ban chấp hành và các vị trí lãnh đạo VFF khóa 8.
Về phần mình, bầu Đức cũng đã tỏ ra nhã nhặn, nhẹ nhàng hơn. Ông chia sẻ nếu bầu Tú thật sự rút bớt 2 ghế ở VPF thì vui lòng để đối phương ứng cử chức Phó chủ tịch VFF phụ trách tái chính khóa 8.
Đến giờ phút này, có thể nói áp lực từ bầu Đức đã tạo ra khá nhiều biến chuyển dù chỉ là trước mắt và phần nào người ta thấy, các sự thay đổi đó là hợp lý, và những điều bầu Đức yêu cầu cũng tương đối phù hợp.
Bầu Đức có ảnh hưởng rất lớn trong làng bóng đá Việt Nam và VFF.
Nhìn ngược trở lại quá khứ, không ít lần bầu Đức để lại dấu ấn sâu đậm với làng bóng đá Việt Nam nhờ quyền lực cực lớn của mình.
Năm 2002, ông từng bỏ nhiều công sức, tiền bạc mua Kiatisak từ Thái Lan về Việt Nam. Nhờ sự táo bạo và tiềm lực tái chính lớn, sau đó bầu Đức còn mang rất nhiều ngôi sao xứ Chùa Vàng đến V.League thi đấu.
Xây dựng "dream team" bằng tiền và sự quyết đoán, bầu Đức đã có liền 2 chức vô địch V.League năm 2003, 2004 và là một thế lực gần như tuyệt đối của bóng đá nước nhà trong nhiều năm.
Sau đó, cũng với tiềm lực tài chính hùng hậu, cùng tầm nhìn xa trông rộng, bầu Đức đã xây dựng Học viện HAGL năm 2007. Học viện này năm 2013 cho ra mắt lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... tạo cơn sốt cực lớn cho bóng đá nước nhà. Những năm sau đó, sức hút từ lứa trẻ này đưa bầu Đức lên thành ông bầu làm bóng đá trẻ được yêu mến nhất Việt Nam.
Những năm trở lại đây, trong vai trò một ông bầu sở hữu lứa cầu thủ trẻ được kì vọng nhất nước, cộng thêm chức danh Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và là một tỷ phú luôn sẵn sàng đầu tư tiền cho túc cầu Việt, bầu Đức còn để lại nhiều dấu ấn gây tranh cãi.
Thẳng tính, bầu Đức từng gây ra rất nhiều tranh cãi, song ông có những đóng góp không thể phủ nhận.
Thành lập Học viện HAGL, chiêu mộ HLV Park Hang-seo về Việt Nam là những dấu ấn lớn nhất, rõ rệt nhất của bầu Đức với bóng đá nước nhà.
Ông từng mạnh mẽ chỉ trích HLV Miura, được xem là nguyên nhân khiến chiến lược gia này bị VFF thanh lý hợp đồng sớm vào đầu năm 2016. Việc bổ nhiệm HLV Hữu Thắng lên thay ngay sau đó cũng được xem là có dấu ấn lớn của bầu Đức.
Trong năm 2017, bầu Đức gây tranh cãi khi liên tục lên tiếng chỉ trích nặng nề HLV Hoàng Anh Tuấn và GĐKT Gede, khi 2 vị này được đề cử làm HLV trưởng ĐTQG Việt Nam thay HLV Hữu Thắng.
Cuối cùng, bầu Đức kéo 2 lãnh đạo VFF là Phó chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn, Tổng thư ký Lê Hoài Anh sang Hàn Quốc ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo, bỏ qua hết các quy trình VFF đang thực hiện trước đó.
Về thương vụ chiêu mộ thầy Park, bầu Đức còn tiết lộ luôn chuyện chính ông là người bỏ tiền túi ra trả cho chiến lược gia này.
Tại VFF khóa 8, bầu Đức khả năng lớn sẽ không nắm giữ chức vụ gì nữa. Nhưng hiện tại, ông vẫn là Phó chủ tịch phụ trách tài chính và có sức ảnh hưởng cực lớn tới LĐBĐ Việt Nam như hơn chục năm qua.
Không rõ sau Đại hội khóa 8, khi đã chính thức là "người ngoài" với VFF, bầu Đức có còn duy trì được sức ảnh hưởng nữa hay không? Câu trả lời có lẽ vẫn là... có, chỉ là lớn đến đâu mà thôi!
Trí thức trẻ