MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước đầu "tháo ngòi" căng thẳng Nga - Ukraine

28-01-2022 - 10:00 AM | Tài chính quốc tế

Nguy cơ Nga "khóa van" khí đốt trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine có thể khiến cựu lục địa thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã nhất trí tuân thủ "vô điều kiện" lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều giờ tại thủ đô Paris - Pháp hôm 26-1.

Theo đài CNN, nhà đàm phán Ukraine Andriy Yermak nhận định cuộc đàm phán là tín hiệu rất tích cực về sự sẵn sàng cho một giải pháp hòa bình và là thỏa thuận thực chất đầu tiên kể từ cuối năm 2019.

Đại diện Ukraine xác nhận vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức ở thủ đô Berlin - Đức trong 2 tuần nữa, đồng thời bày tỏ tin tưởng tại cuộc họp này, các bên sẽ đưa ra những sáng kiến thúc đẩy tiến trình hòa bình.

Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán Nga Dmitry Kozak cho biết cuộc đàm phán theo thể thức Normandy - gồm 4 đại diện chính trị Nga, Ukraine, Pháp và Đức - đã diễn ra không suôn sẻ nhưng thẳng thắn.

Ông Kozak kỳ vọng cuộc gặp trong 2 tuần nữa sẽ đạt được kết quả. Một quan chức Pháp cho rằng cuộc đàm phán hôm 26-1 là tín hiệu tốt từ Nga và là một bước tiến để xoa dịu căng thẳng.

Tuy nhiên, ông Gustav Gressel, chuyên gia về chính sách an ninh thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhận xét vẫn chưa rõ tác động của tiến trình ngoại giao đối với tình hình dọc biên giới Nga - Ukraine.

Bước đầu tháo ngòi căng thẳng Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Các quân nhân Nga lái xe bọc thép trong cuộc tập trận tại khu vực Kuzminsky ở TP Rostov ngày 26-1 Ảnh: REUTERS

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo Washington đã gửi văn bản hồi đáp đề xuất an ninh của Nga - bước đi then chốt nhằm gỡ "ngòi nổ" căng thẳng.

Theo đài CNN, yêu cầu trọng tâm của Nga là Mỹ và NATO cam kết không cho phép Ukraine gia nhập liên minh quốc phòng gồm 30 thành viên. Nga hôm 26-1 đe dọa có biện pháp trả đũa nếu các yêu cầu an ninh của nước này không được đáp ứng.

Ngoại trưởng Blinken từ chối tiết lộ thông tin phản hồi Nga nhưng nhấn mạnh cam kết duy trì "chính sách mở cửa" của NATO, đồng thời đưa ra đánh giá có nguyên tắc và thực tế về những lo ngại của Điện Kremlin.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken đã nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị về vấn đề Ukraine cùng ngày, nhấn mạnh những rủi ro kinh tế và an ninh toàn cầu có thể xuất phát từ những động thái cứng rắn của Nga. Ông Blinken tuyên bố giảm leo thang căng thẳng và ngoại giao là giải pháp có trách nhiệm trước mắt.

Bộ trưởng Vương Nghị kêu gọi tất cả các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế các hành động gây căng thẳng cuộc khủng hoảng. Trung Quốc nhấn mạnh các quan ngại an ninh của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine là hợp lý và cần được xem xét nghiêm túc.

Theo Reuters, ông Vương cho rằng an ninh khu vực không thể được bảo đảm bằng cách tăng cường hay mở rộng các khối quân sự. Đây là lần hiếm hoi Trung Quốc đề cập cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.

Trong diễn biến căng thẳng về vấn đề Ukraine, theo phân tích của Viện Nghiên cứu chính sách về các vấn đề kinh tế Bruegel tại Brussels, Liên minh châu Âu (EU) có thể đối phó với tình trạng ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga trong thời gian ngắn. Song, điều này sẽ gây ra "hậu quả kinh tế nặng nề" và cần các biện pháp khẩn cấp để hạn chế nhu cầu.

Căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về dòng khí đốt từ Nga đến châu Âu, khiến Ủy ban châu Âu và Mỹ phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Giá khí đốt tăng vọt những tháng gần đây trong bối cảnh nguồn cung thấp hơn dự kiến từ Nga đã khiến chi tiêu của hộ gia đình ở châu Âu tăng cao, buộc một số ngành công nghiệp phụ thuộc vào khí đốt phải hạn chế sản xuất.

Khí đốt từ Nga chiếm khoảng 40% lượng khí đốt được sử dụng tại EU nhưng các quốc gia khu vực có mức độ phụ thuộc khí đốt Nga khác nhau. Theo Bruegel, trong kịch bản thời tiết lạnh giá cùng với sự thiếu hụt khí đốt của Nga từ tháng 2, kho khí đốt của EU có thể cạn kiệt vào cuối tháng 3.

Theo Xuân Mai

NLĐ

Trở lên trên