MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Buộc lao động công ích để trị vi phạm giao thông

15-12-2017 - 09:22 AM | Xã hội

Theo lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, một số nước đã xử phạt vi phạm an toàn giao thông bằng phạt lao động công ích, đây là một phương án các cơ quan chức năng cần xem xét

Tại kỳ họp mới đây của HĐND TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Minh Chức, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, đề xuất Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng tổng hợp tất cả số vụ tai nạn giao thông, phân tích số liệu, xem những trường hợp nào vi phạm pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) nhiều lần để tìm hiểu nguyên nhân vi phạm rồi phân loại. Sau khi có số liệu cụ thể, đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần phải có biện pháp, cụ thể là cho lao động công ích để giáo dục.

Nhiều lần sẽ nhớ

"Tại Đà Nẵng, mỗi cuối tuần có chương trình "Chủ nhật xanh". Thay vì huy động cán bộ, nhân dân... thì đưa số đối tượng vi phạm đó đi lao động, làm sạch môi trường. Mỗi lần như vậy, người vi phạm pháp luật về ATGT nhiều lần sẽ nhớ mà không tái phạm" - ông Chức nói.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng hình thức xử phạt vi phạm bằng việc bắt buộc lao động công ích từng có ở nước ta và một số nước đã xử phạt vi phạm ATGT bằng hình thức này. Vì vậy, đề xuất này cũng là một phương án đáng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét bổ sung vào quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, lựa chọn hành vi vi phạm nào thì phải chịu chế tài này, đồng thời tính toán xem loại hình lao động công ích nào phù hợp với hành vi của người vi phạm.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Bùi Danh Liên cũng cho rằng đề xuất này rất phù hợp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trước thực trạng tai nạn giao thông diễn ra nghiêm trọng. Tuy nhiên, để cưỡng chế lao động công ích thì ngoài việc phải đưa vào luật còn cần bộ máy quản lý, các thủ tục, trình tự rất rườm rà, phức tạp.

Trường hợp vi phạm pháp luật về ATGT nhiều lần, nếu chỉ xử lý không nghiêm sẽ rất dễ tái phạm Ảnh: TẤN THẠNH

Không còn phù hợp?

Năm 2011, khi xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ quan soạn thảo là Bộ Tư pháp đã đưa quy định buộc lao động phục vụ cộng đồng vào dự thảo. Theo đó, thời gian buộc lao động phục vụ cộng đồng tối đa đến 30 giờ và không được trả công. Biện pháp này chỉ áp dụng đối với vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và ATGT (không áp dụng đối với người dưới 15 tuổi, trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam). Tuy nhiên, khi luật này được Quốc hội (QH) khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20-6-2012 đã không có quy định này.

Về ý kiến đề nghị bổ sung hình thức phạt "buộc lao động phục vụ cộng đồng" vì cho rằng đối với một số đối tượng thì việc xử phạt tiền không đem lại hiệu quả, trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính trước khi được QH thông qua, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng nếu quy định hình thức xử phạt "buộc lao động phục vụ cộng đồng" do cơ quan hành chính hay tòa án quyết định thì thực chất đều là hình thức bắt buộc lao động đã bị Liên Hiệp Quốc cấm theo Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà nước ta là thành viên. Trước đây, pháp luật nước ta có quy định phạt lao động công ích nhưng sau một thời gian thực hiện thấy tính khả thi và hiệu quả không cao, các biện pháp này không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay nên đã bãi bỏ.

"Hơn nữa, trong dự thảo luật ban đầu trình QH cũng có đưa biện pháp này vào nhưng sau khi cân nhắc trên cơ sở ý kiến của nhiều đại biểu QH, biện pháp này đã không được quy định trong dự thảo tiếp thu, chỉnh lý. Vì vậy, đề nghị QH cho phép không bổ sung hình thức xử phạt này vào dự thảo" - một ủy viên Ủy ban Thường vụ QH cho biết.

Áp dụng tràn lan sẽ không khả thi

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhấn mạnh nên áp dụng hình thức này đối với người vi phạm ATGT, giúp họ nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, cần xem xét áp dụng đối với từng hành vi cụ thể, nếu áp dụng tràn lan sẽ không khả thi. Với hành vi vi phạm có nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, nếu chỉ xử phạt hành chính thì người vi phạm sẽ lờn, do đó nên áp dụng hình thức lao động công tích.

Hiệu quả đáng kể

Hình thức xử phạt vi phạm ATGT bằng lao động công ích được triển khai ở một số nước và mang lại hiệu quả đáng kể. Ở thủ đô Abu Dhabi - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), số vụ vi phạm ATGT đã giảm đến 90% kể từ khi thực thi kiểu xử phạt trên vào tháng 3 năm nay, theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp Abu Dhabi. Báo The National cho biết đã có khoảng 69 tài xế vi phạm ATGT bị buộc lao động công ích ở các mức độ khác nhau trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8.

Đầu tháng 3, chính quyền Abu Dhabi thành lập cơ quan truy tố đặc biệt đối với những trường hợp bị buộc lao động công ích. Những người vi phạm ATGT có thể bị buộc dọn dẹp đường phố, quảng trường, bãi biển, công viên, các khu bảo tồn thiên nhiên, chăm sóc người khuyết tật... Công tố viên giám sát việc thực thi và ghi nhận báo cáo về việc chấp hành của người vi phạm. Nếu không thực hiện tốt, công tố viên có thể đưa họ ra tòa và đề xuất mức án tù tương đương thời gian lao động công ích mà người đó gánh chịu. Các nhà chức trách cho biết lao động công ích thay thế cho hình thức giam giữ đối với những tội nhẹ không vượt quá 6 tháng tù giam.

Hình thức xử phạt mới này cũng đang được giới chức Canada quan tâm như một giải pháp hiệu quả đối với những trường hợp vi phạm ATGT không thể trả nổi tiền phạt. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Canada Andrew Parsons cho biết có đến 20% trường hợp vi phạm không thể trả nổi tiền phạt, với tổng giá trị lên đến 37 triệu USD. Một phần trong số nợ này tồn đọng từ đầu những năm 1980.

Theo ông Parsons, nếu áp dụng biện pháp này sẽ tốn một khoản chi phí và chính phủ sẽ xem xét việc phối hợp các tổ chức chuyên trách để triển khai hiệu quả. Trong khi đó, lao động công ích đã được xem là hình thức xử phạt thay thế mức án tù đối với những phụ nữ vi phạm luật giao thông kể từ năm 1996 ở hạt Alameda, bang California - Mỹ.

X.Mai

Theo Bích Vân - Hoàng Dũng - Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên