MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước lùi của “những đứa con đại dịch”

30-08-2022 - 08:40 AM | Doanh nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế biến động của đại dịch COVID-19, một loạt các công ty đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng, khi đại dịch đi qua, họ lại đang chìm vào khủng hoảng.

Peloton, Wayfair, Shopify, Zoom hay là Netflix đều được gọi một cách ví von là “những đứa con đại dịch”, khi mà tất cả trong số họ đã có những mức tăng trường mạnh mẽ và đạt được những thành công ngoài sức tưởng tượng trong vài năm qua. Tuy nhiên, khi đại dịch đã qua đi, hầu hết trong số họ đã gặp những khó khăn khổng lồ, sa thải, lỗ vốn và cổ phiếu lao dốc đang khiến những người chơi này lao đao trong cơn sóng dữ.

“Kiếm bộn” trong đại dịch

Peloton, một công ty khởi nghiệp về ứng dụng công nghệ vào các loại máy tập thể dục tại nhà đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong đại dịch. Với những người không thể (hoặc không muốn) đến phòng tập thể dục, họ đổ xô mua thiết bị tập thể dục và quan trọng hơn là đăng ký các lớp học trực tuyến của họ. Peloton đã công bố lợi nhuận quý đầu tiên trong năm dương lịch 2020 khi doanh thu tăng 139% và cổ phiếu tăng 434%.

Bước lùi của “những đứa con đại dịch” - Ảnh 1.

Những công ty như Peloton đã có một sự bùng nổ trong đại dịch.

Trong khi Wayfair, nhà bán lẻ hàng gia dụng trực tuyến cũng đã đạt được doanh số vượt bậc khi đại dịch buộc mọi người phải ở nhà, và trong hàng triệu trường hợp đó, nhiều người đã lấy số tiền họ tiết kiệm được bằng cách không đi làm hoặc đi nghỉ để mua đồ đạc và các vật dụng khác để trang trí nhà cửa. Cổ phiếu của Wayfair đã tăng lên mức 482% từ cuối tháng 3 năm 2020 đến cuối tháng 3 năm 2021.

Cũng giống như Peloton hay là Wayfair, Shopify, một ứng dụng nền tảng thương mại trực tuyến chuyên giúp các nhà bán lẻ bán hàng trực tuyến, cũng là một người chiến thắng lớn khi các công ty buộc phải chuyển hướng sang thương mại điện tử vì đại dịch. Những ngày đầu của đại dịch đã mang lại doanh số bán hàng tăng đột biến chưa từng có, ngay cả trong năm ngoái, họ cũng đạt mức lợi nhuận khổng lồ lên đến 2,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, rất ít công ty nào có thể “đọ” được với Zoom, một phần mềm ứng dụng làm việc, kết nối từ xa. Khi đại dịch tấn công nước Mỹ, việc sử dụng Zoom đã tăng vọt chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, phần mềm này phổ biến đối với bất kỳ ai làm công việc bàn giấy hoặc cố gắng duy trì kết nối với bạn bè và gia đình trong khi giãn cách xã hội. Doanh thu của họ đã tăng 326% và năm 2020, lên 2,6 tỷ USD, trong khi lợi nhuận cũng tăng vọt 672 triệu USD, từ mức chỉ 22 triệu USD vào năm 2019.

“Hụt hơi” trong hiện tại

Tuy nhiên, mọi sự gia tăng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Khi các phòng tập thể dục mở cửa trở lại và lượng đăng ký lớp học và doanh số bán thiết bị giảm, triển vọng của Peloton cũng vậy. Công ty mới đây đã công bố khoản lỗ tồi tệ hơn dự kiến trong quý tài chính thứ tư.

Bước lùi của “những đứa con đại dịch” - Ảnh 2.

Nhưng, mọi thứ giờ đây đã thay đổi.

Giám đốc điều hành của Peloton, Barry McCarthy, đã viết trong một bức thư gửi các nhà đầu tư rằng "hiệu quả tài chính quý 4 của công ty đang có sự tan chảy của doanh thu giảm, tỷ suất lợi nhuận gộp âm và sâu hơn, và những điều này đe dọa đến khả năng tồn tại của doanh nghiệp”.

Mặc dù, McCarthy cũng cho rằng họ đang nhìn thấy những điều tuyệt vời ở phía trước bất chấp những khó khăn, và rằng Peloton đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nỗ lực xoay vòng và ngăn chặn việc đốt tiền mặt. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không tin vào điều đó. Cổ phiếu của Peloton đã mất hơn 90% giá trị kể từ cuối năm 2020 và hiện có giá trị thấp hơn một nửa so với giá trị vào đầu năm đó.

Nhưng, Peloton không phải là kẻ thua cuộc duy nhất sau đại dịch. Nhiều công ty cũng đang rơi vào tình trạng khủng hoảng sau khi Covid rút lui.

Với Wayfair, cuộc đua mua sắm đồ gia dụng đã dừng lại ở đó, khi người tiêu dùng đã thay đổi ưu tiên mua sắm của họ, đặc biệt là trong bối cảnh giá cả các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và xăng dầu tăng cao ngất ngưởng, khiến nhiều hộ gia đình phải cắt giảm các khoản mua sắm không cần thiết.

Sự thay đổi trong chi tiêu đã ảnh hưởng đến nhà bán lẻ hàng gia dụng trực tuyến Wayfair, công ty vừa tuyên bố cắt giảm 5% nhân viên của mình. Khi đưa ra thông báo, CEO Niraj Shah đã thừa nhận công ty “quá lạc quan về tiềm năng tăng trưởng liên tục của mình”. "Năm nay, sự tăng trưởng đó đã không thành hiện thực như chúng tôi đã dự đoán. Đội ngũ của chúng tôi quá lớn so với môi trường hiện tại và rất tiếc là chúng tôi cần phải điều chỉnh”.

Không chỉ là công ty không phát triển nhanh như trước đây. Giống như Peloton, Wayfair đã chuyển sang trạng thái ngược. Doanh thu trong sáu tháng đầu năm nay giảm 14% và công ty vừa báo lỗ ròng 697 triệu USD so với lợi nhuận 149 triệu USD cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, Shopify cũng đã thông báo cắt giảm 10% nhân viên vì sự tăng trưởng liên tục của họ đã "đặt cược không thành công".

"Shopify luôn là công ty đặt cược chiến lược lớn mà các thương gia của chúng tôi yêu cầu chúng tôi - đây là cách chúng tôi thành công", CEO Tobi Lutke viết trong một bản ghi nhớ thông báo về việc sa thải cho nhân viên.

Bước lùi của “những đứa con đại dịch” - Ảnh 3.

Ngay cả với các nền tảng thương mại điện tử như Shopify.

Trong khi doanh thu tăng 18% trong sáu tháng đầu năm so với năm trước, chi phí của Shopify, bao gồm cả chi phí cho nghiên cứu và phát triển, đã tăng gần gấp đôi. Công ty cũng bị lỗ 1 tỷ USD trên các khoản đầu tư cổ phiếu của mình trong quý 2, khiến họ giảm xuống mức lỗ ròng 2,7 tỷ USD so với khoản lãi 2,1 tỷ USD một năm trước đó.

Riêng với Zoom, nền tảng họp trực tuyến không phải đối mặt với những thách thức tương tự như một số nền tảng chiến thắng đại dịch trước đây khác. Hàng triệu người vẫn đang làm việc từ xa, và Zoom vẫn có lãi. Tuy nhiên, thu nhập đã giảm 71% trong nửa đầu năm nay do chi phí tăng.

Zoom đã báo cáo doanh thu “yếu hơn mong đợi” trong tuần này và đưa ra một triển vọng khiến các nhà đầu tư thất vọng, khiến cổ phiếu giảm 17% vào ngày công ty báo cáo kết quả. Trong năm, cổ phiếu Zoom đã giảm 56% và giảm 86% kể từ mức đỉnh điểm vào cuối tháng 10 năm 2020, khi đại dịch đang hoành hành.

Có thể thấy, với hầu hết những “đứa con của đại dịch”, họ đã có những giải pháp rất sáng tạo trong bối cảnh của dịch bệnh vừa qua, nhờ đó đã kiếm bộn. Nhưng khi đại dịch đã đi qua, mọi thứ thay đổi một cách chóng mặt, họ đã buộc phải thay đổi các chính sách, tái cơ cấu nhân sự để phù hợp với hoàn cảnh và đây có thể được coi là ảnh hưởng tới sự sống còn của họ trong tương lai.

Theo Nguyễn Chuẩn

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên