Bước ngoặt với công nghệ eKYC của Viettel AI
Năm 2020, Viettel AI chính thức tích hợp eKYC vào các sản phẩm và dịch vụ của Viettel, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc số hóa quy trình xác thực và định danh khách hàng trên môi trường mạng. Bốn năm sau đó, công nghệ nhận diện khuôn mặt trong eKYC của Viettel AI đã tương đương với Microsoft, Amazon, SenseTime…
Bước ngoặt với FaceID cấp độ cao nhất thế giới
Một tội phạm bị truy nã xuất hiện ở bến xe, camera an ninh thông minh mà Viettel cung cấp dịch vụ, lập tức nhận diện được khuôn mặt với công nghệ định danh điện tử và tự động cảnh báo cho cơ quan chức năng.
Việc này sẽ được thực hiện bởi Viettel eKYC do Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI) phát triển. Hệ thống đã thành công nhận được chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3:2023 cấp độ 2 về nhận diện khuôn mặt, đây là tiêu chuẩn chống giả mạo khuôn mặt cao nhất thế giới hiện nay.
Theo Viettel AI, công nghệ ở cấp độ này có khả năng phát hiện các trường hợp gian lận tinh vi hơn ở dạng 3D như mặt nạ silicon, khuôn mặt tái tạo bằng máy scan chuyên dụng, và video deepfake (giả mạo). Theo báo cáo đánh giá của Tayllorcox, hệ thống Viettel eKYC đã vượt qua khoảng 3.000 lần kiểm thử với tỷ lệ sai số là 0%, tốt hơn so với mức 1% mà tiêu chuẩn cho phép.
Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia NIST - Bộ thương mại Mỹ NIST đánh giá công nghệ eKYC này thuộc top 4 thế giới về khả năng nhận diện khuôn mặt theo góc nghiêng.
Thành tựu này là kết quả nghiên cứu kéo dài 4 năm của Viettel AI, kể từ năm 2020 đến nay. Những tiến bộ mang tính bước ngoặt với công nghệ eKYC của Viettel AI đến trong khoảng 2 năm gần đây khi các kỹ sư của công ty này đã tìm ra phương pháp tự động hoá quy trình tạo dữ liệu và huấn luyện mô hình AI. Điều này kết hợp với việc Viettel đã đầu tư sớm hệ thống siêu máy tính, giúp cho các mô hình AI, đặc biệt là hệ thống nhận diện khuôn mặt tiến bộ đáng kể trong một thời gian ngắn.
Nếu như trước đây Viettel AI cần tới 3-6 tháng để gán nhãn dữ liệu và chạy một mô hình AI thì giờ với siêu máy tính và quy trình tự động tạo dữ liệu cũng như huấn luyện, thời gian chỉ còn 3 ngày. Công nghệ eKYC của Viettel AI có bước tiến rất lớn và đạt được chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3:2023 cấp độ 2 về nhận diện khuôn mặt, đây là tiêu chuẩn chống giả mạo khuôn mặt cao nhất thế giới hiện nay.
Điều đặc biệt ở eKYC của Viettel AI
Ông Lê Đăng Ngọc, Phó Giám đốc Khối Nền tảng Trí tuệ nhân tạo tại Viettel AI cho biết, công nghệ nhận diện khuôn mặt của Viettel AI có thêm ưu điểm là được tối ưu hoá cho đặc thù khuôn mặt của người Việt Nam. Đây là sự khác biệt với các công nghệ nước ngoài có cấp độ tương đương. "Mặt của người Việt Nam có đặc điểm riêng về cấu trúc khuôn mặt, nước da… nên công nghệ nhận dạng của Viettel AI có yếu tố đặc thù này. Điều này cũng giúp cho khả năng nhận diện chính xác cao hơn và việc chống giả mạo cũng tốt hơn", ông Lê Đăng Ngọc nói.
Ngoài việc có được chứng chỉ cao cấp nhất về nhận diện khuôn mặt của thế giới, công nghệ eKYC của Viettel AI còn có thêm 3 yếu tố khác để kiểm tra chéo, giúp cho việc chống lừa đảo gần như tuyệt đối. Thứ nhất, đó là dữ liệu về số di động đã được xác minh với mã OTP - yếu tố bảo mật mà không phải nhà cung cấp dịch vụ eKYC nào cũng có. Thứ hai, Viettel có hợp tác với Bộ Công an để liên thông xác thực với thẻ căn cước công dân, đảm bảo tính chính xác cao hơn. Thứ ba, Viettel AI là đơn vị làm chủ công nghệ lõi từ trước, bao gồm nhận diện khuôn mặt, nhận diện giọng nói và vân tay.
"Chúng tôi hiểu rằng, hiện tại tất cả các phép kiểm thử đều cho thấy khả năng giả mạo là 0, nhưng rất có thể hacker sẽ lại tìm ra cách để vượt qua các biện pháp bảo vệ. Điều đó đòi hỏi Viettel AI phải không ngừng cải tiến công nghệ để tăng khả năng chống giả mạo", ông Lê Đăng Ngọc cho biết.
Chỉ với riêng nội bộ Viettel, công nghệ eKYC mới giúp đảm bảo an toàn cho các giao dịch tài chính của hơn 25 triệu khách hàng, giảm hơn 80% khối lượng giấy tờ và tiết kiệm đến 70% thời gian xử lý. Kết quả này cũng là lý do giúp eKYC của Viettel AI có thêm nhiều khách hàng là các ngân hàng, công ty tài chính, các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước,…
Ngay sau khi yêu cầu về thực hiện sinh trắc học khi chuyển khoản tiền trên 10 triệu có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Viettel AI tiếp tục phối hợp với các ngân hàng, Viettel Money và một số đối tác mới triển khai các nghiệp vụ nâng cao như: giải ngân hồ sơ vay và hợp đồng bảo hiểm... và dự kiến ứng dụng công nghệ eKYC vào nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, thi cử, y tế, du lịch, lưu trú… Viettel eKYC cũng mở rộng ứng dụng từ lĩnh vực tài chính đến các nghiệp vụ khác như cấp phát chữ ký số, ký kết hợp đồng điện tử, chấm công, kiểm soát an ninh, mở tài khoản, phát hành thẻ, thẩm định khoản vay và kiểm soát gian lận trong tín dụng, bảo hiểm và viễn thông…