Bước vào ‘thời điểm vàng’, thị trường tiêu dùng Việt Nam tiếp tục thu hút ‘ông lớn’ đầu tư
Nhận diện rõ "thời điểm vàng" của câu chuyện tiêu dùng tại Việt Nam trong 10 năm tới và kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng của Masan trong bối cảnh vĩ mô thách thức, Bain Capital gia tăng quy mô khoản đầu tư vốn cổ phần vào Masan lên mức 250 triệu USD.
Các điều khoản giao dịch vẫn giữ nguyên như thỏa thuận ban đầu giữa hai bên, mỗi cổ phần trị giá 85.000 VND/cổ phần. Số tiền thu được từ giao dịch vốn cổ phần này sẽ được dùng để cải thiện các chỉ số tài chính và giảm đòn bẩy cho bảng cân đối kế toán của Masan.
"Thời điểm vàng" của thị trường tiêu dùng Việt Nam
Theo báo cáo mới đây của J.P Morgan, từ năm 2022 đến năm 2040, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á với mức tăng trưởng hàng năm dự kiến là 7,7%. Với dân số gần 100 triệu người, trong đó một nửa dưới 32 tuổi, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người ấn tượng 7,1% CAGR từ năm 2017, lên đến hơn 4.000 đô la Mỹ vào năm 2022 - mức cao nhất trong số các nước ASEAN/EM. Chính phủ đề ra mục tiêu nâng mức GDP bình quân đầu người lên 7.500 đô la Mỹ vào năm 2030 và 10.000 đô la Mỹ vào năm 2035. Tốc độ tăng trưởng ấn tượng này được củng cố bởi quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, sự bùng nổ của tầng lớp người tiêu dùng với thu nhập ngày càng cao hơn, nhu cầu đa dạng hơn, vượt khỏi những nhu cầu cơ bản, hướng đến trải nghiệm về phong cách sống và tài chính.
Theo đó, với GDP bình quân đầu người và tốc độ đô thị hóa tương đương với Trung Quốc và Thái Lan trước năm 2010, Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn "thời điểm vàng" của tiêu dùng bán lẻ, tạo cơ hội cho các công ty thuộc ngành hàng này tăng trưởng trong nhiều năm tới.
Với vị thế dẫn đầu thị trường tiêu dùng Việt Nam, Masan đã và đang chuyển đổi từ một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có thương hiệu trở thành một tập đoàn sở hữu nền tảng tiêu dùng bán lẻ, hướng đến những tăng trưởng tiềm năng xuyên suốt chuỗi giá trị tiêu dùng.
Đà tăng trưởng "ghi điểm" trong mắt các ông lớn quỹ đầu tư
Mới đây Masan Group vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với đà tăng trưởng được giữ vững, doanh thu thuần đạt 57.470 tỷ đồng tăng 3,5% so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh tiêu dùng của Masan bao gồm WinCommerce ("WCM"), Masan Consumer Holdings ("MCH"), Masan MEATLife ("MML") và Phúc Long Heritage ("PLH") ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh ("EBIT" hay "thu nhập trước lãi vay và thuế") tăng trưởng ở mức 45,5% trong 9 tháng đầu năm 2023 và 47,3% trong quý 3/2023 so với cùng kỳ.
Sau một thời gian đổi mới mô hình cửa hàng và nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động, vào tháng 11 vừa qua, WinCommerce ghi nhận sự cải thiện về doanh thu/ngày của cửa hàng với mức tăng trưởng LFL (nhóm cửa hàng được mở trước năm 2022 và vẫn đang hoạt động) đang tiến dần về con số Dương (trước đó quý 1 năm 2023 giảm 10% so với cùng kỳ). Đây là động lực giúp ban lãnh đạo tự tin đạt được mức tăng trưởng LFL dương trong tháng 12 này, và là chất xúc tác tích cực cho lợi nhuận chung của WinCommerce.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ Kantar Worldpanel, trong quý 3 năm 2023, tại Việt Nam, thị trường FMCG ghi nhận mức tăng trưởng chỉ 6% tại 4 thành phố trọng điểm ở khu vực thành thị và 7% ở khu vực nông thôn so với cùng kỳ. Trong khi đó, trên cơ sở LFL (loại trừ đóng góp của mảng thịt chế biến trong năm 2022), doanh thu của Masan Consumer Holdings tăng 9% và EBITDA tăng 20% trong quý 3 năm 2023 so với cùng kỳ. Ban lãnh đạo kỳ vọng lợi nhuận hoạt động kinh doanh của Masan Consumer Holdings sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong quý 4 năm 2023.
Với trợ lực từ giao dịch với Bain Capital, Masan sẽ có nguồn vốn dồi dào thực hiện các chiến lược tăng trưởng bền vững, và cùng với nền tảng tiêu dùng bán lẻ cốt lõi, doanh nghiệp này sẽ bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới khi thị trường hồi phục cùng các điều kiện vĩ mô ấm dần lên.
Tổ Quốc