Buồn của bia Việt: “Xưa uống ít nhất 50-60 thùng bia/tiệc cưới, nay chỉ còn 10 thùng”, đại lý kêu khó, Doanh nghiệp giảm lợi nhuận…
“Ông lớn” ngành bia Sabeco (SAB) vừa công bố BCTC quý 3/2023 với doanh thu giảm 14%.
- 30-10-2023Từng là nước tiêu thụ bia lớn nhất Đông Nam Á, thị trường Việt Nam đang yếu đi rõ rệt nhìn từ KQKD của "ông lớn" Sabeco, Habeco và thành viên
- 08-10-2023Một công ty Bia vượt qua Formosa Hà Tĩnh để trở thành công ty đóng nộp thuế lớn nhất Hà Tĩnh
- 06-10-2023Hoành Sơn trước khi "thế chỗ" Vinhomes tại dự án 1 tỷ USD: Thâu tóm cảng Phước An, đất vàng Cao su Sao Vàng, hàng loạt dự án nghìn tỷ từ KCN, bia, năng lượng...
"Trước đây, tiệc cưới đặt 60 bàn thì uống ít nhất 50-60 thùng bia, hiện nay chỉ còn khoảng 10 thùng…", chia sẻ của ông Nguyễn Chí Luận - Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Hồ Nam tại buổi "Cà phê doanh nhân” với Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu hôm 6/11/2023.
Theo ông Luận, 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra quy định về nồng độ cồn khiến doanh số kinh doanh giảm đáng kể. Trước đây, doanh số hơn 100 triệu đồng/ngày, nay còn hơn 10 triệu đồng/ngày, không đủ cân đối trả tiền điện, tiền nước, lương trả nhân viên cũng rất khó khăn.
Đó cũng là tâm sự chung của các đại lý bán bia, DN sản xuất thời gian gần đây. Ghi nhận, một số đại lý bia cho biết thị trường bia năm nay đặc biệt chậm lại cả ở phân khúc bán buôn và bán lẻ, sức mua rất yếu so với cùng kỳ năm 2022.
Hay trong chia sẻ với báo giới mới đây, các nhà sản xuất bia lớn như Heineken và Carlsberg đều ghi nhận sụt giảm đáng kể trong doanh số bán hàng, đặc biệt tại thị trường Việt Nam. Giám đốc điều hành Heineken, ông Dolf van den Brink, Heineken cho biết đang trải qua sự suy giảm 5,6% lượng bán bia trong nửa đầu năm 2023, bởi suy thoái kinh tế ở Việt Nam - một trong những thị trường lớn nhất của Heineken.
Phía Carlsberg, đại diện là ông Cees't Hart, cũng nhấn mạnh thị trường bia Việt Nam giảm 6% trong quý 2 do suy thoái kinh tế.
Đồng tình, Chủ tịch Hiệp hội Nước giải khát Bia Rượu Việt Nam bày tỏ: "Ngành công nghiệp đồ uống của Việt Nam hiện đang trong giai đoạn rất khó khăn. Doanh số bán bia giảm 10 - 20% và giá nguyên vật liệu tăng đến 50%. Hiệp hội đã đề nghị Chính phủ trì hoãn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống”.
Điều này cũng được thể hiện qua KQKD của DN niêm yết. Trong đó, “ông lớn” ngành bia CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) vừa công bố BCTC quý 3/2023 với doanh thu giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Sabeco ghi nhận lợi nhuận ròng 3.170 tỷ đồng, giảm 24% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Với mức lãi này, Công ty đã hoàn thành khoảng 57% kế hoạch lợi nhuận năm.
Một công ty bia khác, CTCP Habeco - Hải Phòng (HBH) ghi nhận lãi sau thuế là 736 triệu đồng trong quý 3/2023, giảm 75% so với cùng kỳ. Nhưng con số này được coi là tích cực hơn con số lỗ của 2 quý trước đó.
Nguyên nhân theo Habeco - Hải Phòng do sản lượng trong kỳ giảm, bao gồm sản lượng sản xuất giảm 21% và sản lượng tiêu thụ giảm 26% so với cùng kỳ. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu chính tăng mạnh như giá Malt, gạo, đường đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất đã làm giảm lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Habeco - Hải Phòng giảm 29% xuống còn 130 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Công ty báo lỗ hơn 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng.
Những đơn vị còn lại cũng đồng loạt giảm lãi mạnh, đơn cử Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi giảm đến 55% LNST sau 9 tháng (chỉ còn 78 tỷ đồng), Bia Sài Gòn - Sông Lam giảm 45% xuống còn 22 tỷ; Bia Hà Nội - Hải Dương giảm 1/3 lợi nhuận chỉ còn 7 tỷ đồng...
Nói về ngành bia, trước năm 2019, Việt Nam từng lọt vào top 1 về tiêu thụ bia tại Đông Nam Á và thậm chí là Top 9 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Nghị định 100 đã và đang là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia.
Chưa kể, các yếu tố như giá nguyên liệu sản xuất dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Một số nguyên liệu chính trong sản xuất bia gồm bột trợ lọc dự kiến tăng khoảng 25%, hoa houblon tăng 10%, gạo tăng 4%, đường tăng khoảng 8%. Đặc biệt với Malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất dự kiến tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân thu mua năm 2022.
Sang quý 4/2023, thường là quý cao điểm của ngành bia Việt với loạt hoạt động tiệc tùng, tri ân… cuối năm và kéo dài sang Tết Nguyên Đán 2024, song tình hình theo các bên vẫn chưa mấy sáng sủa. Khi, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, người tiêu dùng vẫn đang “thắt lưng buộc bụng" và đặc biệt hoạt động quảng bá của DN trong ngành cũng đang bị hạn chế.
Nhịp sống thị trường