“Buồn” của Heineken: Năm 2023 mất hàng nghìn tỷ lợi nhuận, doanh thu trên TMĐT 5T2024 giảm tiếp 60%, đóng nhà máy Quảng Nam
Thực tế, việc bị ảnh hưởng bởi Nghị định 100 là câu chuyện chung của các doanh nghiệp bia. Song, với Heineken có vẻ sự sụt giảm còn từ việc người Việt đang dần không còn ưu tiên thương hiệu này.
- 25-06-2024Vì sao các công ty bia của Sabeco, Habeco, Heineken đóng vai trò quan trọng 'hàng đầu' tại các địa phương?
- 24-06-2024Nhiều năm liền nộp ngân sách cả nghìn tỷ chỉ đứng sau THACO, Heineken tạm dừng nhà máy sẽ tác động lớn tới tỉnh Quảng Nam?
Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam gửi văn bản đến UBND tỉnh Quảng Nam và Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu côn nghiệp tỉnh để báo cáo về việc tạm dừng hoạt động dự án Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, chi nhánh Quảng Nam (Nhà máy Bia Heineken Quảng Nam).
Heineken Việt Nam cho biết việc triển khai nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng đã góp phần thay đổi hành vi, thói quen mới của người tiêu dùng. Kết quả là thị trường bia Việt Nam đã sụt giảm liên tục doanh số. Do đó, để tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, Heineken quyết định tinh giản hoạt động, tạm dừng nhà máy tại Quảng Nam.
Trước khi tạm dừng, tình hình kinh doanh của Heineken Việt Nam liên tục sa sút.
Từng lãi 10-12 nghìn tỷ mỗi năm tại Việt Nam, lợi nhuận 2023 của Heineken có thể đã sụt giảm gần một nửa
Được biết, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam là liên doanh giữa Heineken và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Từ nhà máy đầu tiên tại Tp.HCM (1991), Heineken Việt Nam hiện có 6 nhà máy với 3.000 nhân viên trên khắp cả nước.
Trước khi có quy định về nồng độ cồn, hàng năm Heineken mang về cho Satra 4.000-5.000 tỷ đồng lợi nhuận. Quy đổi từ mức độ sở hữu của Satra là 40% vốn của công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam và 40% vốn của công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading), ước tính lợi nhuận sau thuế của hệ thống Heineken Việt Nam rơi vào khoảng 10.000-12.000 tỷ đồng.
Năm 2023, tình hình khó khăn cho thấy con số lợi nhuận của hãng bia này đang giảm mạnh. Với việc lợi nhuận từ liên doanh liên kết của Satra năm 2023 chỉ còn 2.700 tỷ đồng thấp nhất nhiều năm thì ước tính lợi nhuận của hãng bia này chỉ còn 6.000-7.000 tỷ đồng, tức phần lợi nhuận sụt giảm năm ngoái còn nhiều hơn cả lợi nhuận của Sabeco và Habeco cộng lại.
Báo cáo tài chính của Tập đoàn Heineken (Hà Lan) cũng cho biết, sản lượng bia toàn cầu của hãng đã giảm 4,7%, chủ yếu do thị trường Việt Nam và Nigeria. Tại thị trường Việt Nam, sự đi xuống đến từ những khó khăn của nền kinh tế chung và sự siết chắt của chính sách thổi nồng độ cồn.
Báo cáo cũng cho biết, lợi nhuận hoạt động (Operating profit) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Heneken giảm 20%, cũng do yếu tố chính là sự suy giảm của thị trường Việt Nam.
Thực tế, việc bị ảnh hưởng bởi Nghị định 100 là câu chuyện chung của các doanh nghiệp bia. Song, với Heineken có vẻ sự sụt giảm còn từ việc người Việt đang dần không còn ưu tiên thương hiệu này.
Trong khi Sabeco, Habeco đón "tin vui" từ kênh online, Heineken lại sụt giảm đến 60% doanh thu trên các sàn TMĐT sau 5 tháng
Đơn cử, trong khi các doanh nghiệp khác như Sabeco, Habeco đẩy mạnh bán hàng trên các sàn TMĐT và ghi nhận tín hiệu tốt, thì Heineken ngược lại.
Theo báo cáo từ YouNet ECI, tính riêng trên sàn Shopee - nền tảng TMĐT có thị phần lớn nhất Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm ngoái, doanh thu ngành bia tăng 154% so với nửa đầu năm, từ gần 35 tỷ đồng lên gần 89 tỷ đồng. Tính chung trên các sàn TMĐT phổ biến, nhóm hàng đồ uống có cồn tăng 12% trong nửa cuối năm ngoái so với đầu năm, bất chấp việc 6 tháng đầu năm là thời điểm diễn ra kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - vốn là cao điểm của thị trường bia rượu.
"Trong lúc nhiều đơn vị lớn trong ngành bia như Sabeco và Habeco giảm doanh thu 8% đến 13% so với năm trước, TMĐT nổi lên như một kênh mới, mang lại tiềm năng tăng trưởng cao cho họ", chuyên gia tại YouNet ECI nói.
Dù vậy, Heineken lại không khả quan trên kênh TMĐT. Theo báo cáo từ Metric, doanh thu bán hàng của các thương hiệu Heineken (bao gồm các thương hiệu: Heineken®, Tiger, Larue, BIVINA, Bia Việt, Strongbow và Edelweis) giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023 liên tục giảm, từ mức hơn 26 tỷ hồi tháng 6/2023 chỉ còn chưa đến 10 tỷ đồng trong tháng 12/2023.
Sang 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu của hãng tiếp tục giảm 60% so với cùng kỳ, chỉ còn 31,82 tỷ đồng.
Metric cho hay doanh thu Heineken trên TMĐT nhìn chung có xu hướng giảm từ đầu năm 2024 đến nay, sau Nghị định 100 sửa đổi về mức nồng độ cồn tối thiểu, mặc dù mức tiêu thụ bia tăng ở dịp Tết 2024 nhưng doanh thu giảm rõ rệt so với dịp tết 2023.
Ảnh: Doanh số của Heineken trên các sàn TMĐT phổ biến hiện nay trong 5 tháng đầu năm.