MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Buồn của nền kinh tế số 1 châu Âu: Hào phóng phát đến 65 triệu đồng mỗi tháng cho người dân, nay rơi vào khủng hoảng vì người ngoài cũng ồ ạt đến nhận tiền

30-12-2024 - 10:50 AM | Tài chính quốc tế

Buồn của nền kinh tế số 1 châu Âu: Hào phóng phát đến 65 triệu đồng mỗi tháng cho người dân, nay rơi vào khủng hoảng vì người ngoài cũng ồ ạt đến nhận tiền

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang trở thành trường hợp điển hình cho thấy những thách thức có thể phát sinh khi tình trạng di cư vượt quá khả năng điều chỉnh của xã hội.

Quá tải vì quá cởi mở

10 năm trước, thị trấn Suhl (bang Thuringia) ở miền trung nước Đức chứng kiến cảnh dân số già đi và sụt giảm nhanh chóng. Hiện tại, con số đã ổn định hơn, với nhiều người trẻ tuổi hơn và họ đến từ 92 quốc gia.

Một số cư dân lâu năm ủng hộ sự thay đổi này. Song, với một số khác thì mọi thứ diễn ra quá nhanh. Hồi tháng 5, Thị trường André Knapp cho biết rằng nơi này cần người lao động nước ngoài nhưng không thể để thị trấn bị quá tải.

Đức từ lâu đã là một trong những quốc gia cởi mở nhất với người di cư. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, từ năm 2013 đến năm 2023, số người nhập cư cao hơn 6,43 triệu người so với di cư di, cao nhất thế giới sau Mỹ.

Các cuộc thăm dò cho thấy nhập cư là vấn đề hàng đầu đối với cử tri trước cuộc bầu cử vào tháng 2. Mối lo ngại này có thể trở nên cấp bách hơn sau khi một người tị nạn đến từ Ả Rập Xê Út 50 tuổi bị bắt giữ vì nghi ngờ đâm xe vào một khu chợ Giáng sinh ở Đông Đức vào ngày 20/12, khiến 5 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.

Một số người mới đến Đức là công dân từ các quốc gia khác đến để làm việc hoặc sinh viên đến du học. Đức cũng là điểm đến phổ biến nhất ở EU đối với người tị nạn, chiếm 1/3 số đơn xin tị nạn trong khối. Kể từ cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015, khi hàng trăm nghìn người đổ xô vào châu Âu, Đức đã tiếp nhận 2,4 triệu người xin tị nạn, gấp đôi dân số Munich.

Năm ngoái, số đơn xin tị nạn đã tăng hơn 50 % và gây khủng hoảng cho hệ thống tiếp nhận người di cư.

Đức là quốc gia trước đây không có tình trạng nhập cư ồ ạt và khả năng hòa nhập của những người từ các nền văn hóa khác hoà nhập ở nước này được đánh giá là khó. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang trở thành trường hợp điển hình cho thấy những thách thức có thể phát sinh khi tình trạng di cư vượt quá khả năng điều chỉnh của xã hội.

Buồn của nền kinh tế số 1 châu Âu: Hào phóng phát đến 65 triệu đồng mỗi tháng cho người dân, nay rơi vào khủng hoảng vì người ngoài cũng ồ ạt đến nhận tiền- Ảnh 1.

Hầu hết chuyên gia đều đồng tình rằng nền kinh tế Đức, vốn đã trì trệ kể từ năm 2019, rất cần người nhập cư. Đức là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu chứng kiến tỷ lệ sinh giảm mạnh vào những năm 1970. Giờ đây, khi thế hệ babyboomer nghỉ hưu, gánh nặng tài chính từ chi phí lương hưu và bảo hiểm y tế ngày càng tăng từ họ sẽ do ít người lao động hơn gánh chịu.

Nền kinh tế lớn nhất EU đông người nhập cư nhưng vẫn thiếu lao động

Dù tình trạng thất nghiệp ở Đức đã cải thiện sau 2 năm suy thoái, nhiều lĩnh vực, từ kỹ thuật đến y tế đến dịch vụ khách sạn, vẫn đang phàn nàn về tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Một nghiên cứu trong năm nay của Quỹ Bertelsmann, tổ chức nghiên cứu phi đảng phái, cho thấy Đức sẽ cần 288.000 đến 368.000 người nhập cư mỗi năm từ nay đến năm 2040 chỉ để duy trì quy mô lực lượng lao động.

Nhưng vấn đề là, Đức vẫn chưa có bước đi hiệu quả để đưa những người mới đến vào thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của những người không phải công dân Đức vào năm ngoái là 14,7%, so với 5% của những người là công dân.

Hơn 60% người dân Đức phụ thuộc vào các khoản trợ cấp của chính phủ để kiếm thu nhập là người sinh ra ở nước ngoài hoặc là người di cư thế hệ thứ hai. Những người không phải công dân, chiếm 15% dân số, chiếm 41% tổng số trường hợp phạm tội vào năm 2023, tăng từ 28,7% vào năm 2014, theo số liệu thống kê của cảnh sát.

Tại Suhl, đến năm 2013, thị trấn này có chưa đến 1.000 cư dân sinh ra ở nước ngoài. Đến cuối năm 2023, con số đó đã tăng gấp năm lần. Người Ba Lan, Romania, Syria, Afghanistan, Ukraine và những người nước ngoài khác hiện chiếm hơn 13% trong số 35.000 cư dân của Suhl.

Khó kiểm soát các vấn đề về an ninh, giáo dục

Hầu hết người tị nạn mới đến đều sống tại Cơ sở tiếp nhận ban đầu (EAE) ở ngoại ô Suhl, một khu phức hợp trên đỉnh đồi gồm các tòa nhà 5 tầng. Nơi này có sức chứa 800 người nhưng thường xuyên tiếp nhận gấp đôi số người. Theo các quan chức địa phương, những toà nhà này rất chật chội, mất vệ sinh và nguy hiểm.

Trong thời gian xảy ra đại dịch, các vụ đột nhập vào một khu phố gần đó đã được truy tìm ra nguyên nhân đến từ khu tị nạn. Năm ngoái, sở cứu hỏa đã được điều động đến cơ sở tị nạn 299 lần để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp, bao gồm cả hai vụ tấn công đốt phá bị cư dân cáo buộc.

Buồn của nền kinh tế số 1 châu Âu: Hào phóng phát đến 65 triệu đồng mỗi tháng cho người dân, nay rơi vào khủng hoảng vì người ngoài cũng ồ ạt đến nhận tiền- Ảnh 2.

Số liệu của cảnh sát cho thấy, những người không phải công dân chiếm 1/3 trường hợp phạm tội ở Suhl, 2/3 các vụ trộm cắp vặt và hơn một nửa các vụ tấn công nghiêm trọng.

Làn sóng người di cư đã trở thành một thách thức lớn đối với các trường học ở Đức. Tại một trường học ở Thuringia, 35% học sinh không phải người bản xứ và nhóm này hoàn toàn không thể bắt kịp vì không biết tiếng Đức.

Học sinh từ hơn 20 quốc gia, bao gồm một nhóm lớn người nói tiếng Ả Rập và một nhóm lớn người Ukraine, hiện được chia thành 2 nhóm. Những người nói tiếng Đức kém sẽ tham gia lớp học “tiếng Đức là ngôn ngữ thứ hai”, cùng với đó là các lớp không yêu cầu phải thông thạo tiếng, chẳng hạn như toán và nghệ thuật.

Tiểu bang Thuringia dự kiến sẽ mất 40% số lao động nghỉ hưu trong 5 năm tới. Nếu những người nước ngoài trẻ tuổi muốn tài trợ cho lương hưu của những người về hưu trong tương lai, họ sẽ cần phải đi làm, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Áp lực lớn cho ngân sách của chính phủ Đức

Tại Mỹ, người di cư xin tị nạn thường không nhận được viện trợ liên bang nhưng được phép làm việc sau khi nộp đơn. Ở Đức, nhóm này thường không được phép làm việc cho đến khi chính thức được coi là người tị nạn, có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Song, họ có quyền được hưởng các khoản trợ cấp trị giá lên tới hàng trăm hoặc hàng nghìn euro mỗi tháng. Chi phí này khiến chính phủ liên bang phải trả 29,7 tỷ euro vào năm 2023 và chính quyền các bang cũng phải chịu thêm chi phí.

Hệ thống hỗ trợ thu nhập của Đức cho phép bất kỳ ai thất nghiệp trong hơn 1 năm và bất kỳ người lao động nào có thu nhập dưới một mức nhất định được hưởng trợ cấp miễn thuế. Ngoài ra, nhà nước trả tiền thuê nhà, phí sưởi ấm, hóa đơn y tế, đồ dùng học tập, tiền học mẫu giáo, thậm chí cả tiền lãi thế chấp. Một gia đình có 3 con từ 14 tuổi trở lên có thể nhận được 2.425 euro tiền mặt mỗi tháng.

Buồn của nền kinh tế số 1 châu Âu: Hào phóng phát đến 65 triệu đồng mỗi tháng cho người dân, nay rơi vào khủng hoảng vì người ngoài cũng ồ ạt đến nhận tiền- Ảnh 3.

Toàn bộ dân tị nạn được phê duyệt sẽ nhận được những khoản trợ cấp trên. Trong khi đó, Đức quy định những người xin tị nạn không được phép đi làm trong ít nhất 3 tháng sau khi đến. Thợ điện và thợ máy không được phép sở hữu doanh nghiệp riêng hoặc thuê nhân viên cho đến khi họ hoàn thành khóa học nghề. Các nhà kinh tế và chính trị gia cho biết Đức chậm công nhận bằng nước ngoài đối với bác sĩ và giáo viên.

Theo đó, hàng triệu người di cư đang phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ. Chỉ riêng khu nông thôn phía tây Suhl, 35% người nhận hỗ trợ thu nhập không phải là công dân Đức.

Hiện tại, Friedrich Merz, chủ tịch đảng Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) , người mà các cuộc thăm dò cho thấy có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của Đức sau cuộc bầu cử vào tháng 2, muốn tất cả những người xin tị nạn đi qua một quốc gia EU để đến Đức sẽ phải quay lại.

Không chỉ Đức, nhiều quốc gia phương Tây đang cân nhắc lại chính sách nhập cư và thay đổi mức độ cởi mở, dù đang chịu ảnh hưởng bởi tỷ lệ sinh thấp và dân số già hoá. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra mục tiêu chính trong chiến dịch tranh cử của ông là hạn chế người nhập cư, có thể sẽ thực hiện việc trục xuất hàng loạt. Các quốc gia như Canada, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan cũng thắt chặt kiểm soát, với lý do chi phí, áp lực của người dân và vấn đề an ninh.

Tham khảo WSJ

An Chi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên