Buôn lậu gia cầm rầm rộ qua cung đường Chi Ma - Lạng Sơn
Trung bình mỗi ngày có tới cả triệu con gia cầm giống, trứng gia cầm ồ ạt nhập lậu qua khu vực bản Chi Ma (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn).
- 03-12-2018Cục Điều tra chống Buôn lậu đấu giá xe Lexus RX400H giá khởi điểm 120 triệu
- 17-11-2018Buôn lậu thuốc lá: Có dấu hiệu của bảo kê và lợi ích nhóm?
- 01-11-2018Hoãn xử vụ buôn lậu xe BMW vì bị cáo sinh con
Trung bình mỗi ngày có tới cả triệu con gia cầm giống, trứng gia cầm ồ ạt nhập lậu qua khu vực bản Chi Ma (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) rồi phân phối cho các đầu mối tiêu thụ tại các tỉnh khu vực phía Bắc. Điều ngạc nhiên là hoạt động buôn lậu này diễn ra công khai, rầm rộ từ nhiều tháng nay nhưng gần như không gặp bất cứ sự kiểm tra, kiểm soát nào của các lực lượng chức năng.
Thiên đường gia cầm lậu
Trên con đường hun hút sương mù vào bản Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, cứ đến nửa đêm là thời điểm tiếng động cơ gầm rú của các đoàn xe máy chở gia cầm giống, trứng gia cầm nhập lậu từ bên kia biên giới qua cung đường Chi Ma vào sâu trong nội địa. Thậm chí có ngày, mặc dù trời đã rạng sáng nhưng vẫn có từng tốp “cửu gà” điều khiển xe máy chất 3-4 lồng gia cầm lậu lao vun vút trên đường, vượt qua nhiều trạm, chốt của các lực lượng chức năng. Một “cửu gà” ở đây tiết lộ, ngày cao điểm có tới hàng trăm người tham gia vận chuyển gia cầm giống vượt biên qua Chi Ma với số lượng lên tới cả triệu con.
Một "cửu gà" chở gia cầm lậu phóng công khai trên cung đường Chi Ma, Lạng Sơn.
Không chỉ vận chuyển công khai gia cầm nhập lậu bằng hàng trăm lượt xe máy mỗi ngày trên cung đường Chi Ma mà tại một số khu vực giáp biên nơi tập kết hàng gia cầm nhập lậu cũng diễn ra rất sôi động."Cửu gà" này cho biết: “Cả người gánh lẫn người chở xe máy ở đây có ngày lên tới 300 người, xe máy khoảng 100 xe, mỗi xe chở được khoảng 1700 - 1800 con. Gà Chíp K9 chở được khoảng 1700 con, vịt được 1 nghìn con mỗi xe, còn trứng được 500-600 quả. Xe máy chở hàng từ Chi Ma ra tới Lạng Sơn được trả khoảng 350.000 đồng/xe…”
Xung quanh khu vực mốc 1228, 1229 thuộc địa phận Nà Phát, Nà Quân, xã Yên Khoái hoạt động giao nhận gia cầm nhập lậu diễn ra không khác gì các khu chợ đêm sầm uất với tiếng gọi nhau ầm ĩ của các “cửu gà”, tiếng gia cầm kêu râm ran trong ánh đèn pin rực sáng cả vạt rừng.
Một người thường xuyên tham gia gánh hàng gia cầm lậu qua biên giới cho biết: 1 chuyến hàng chừng 300 con gia cầm giống đựng trong các sọt, lồng gánh từ bên kia biên giới về khu vực tập kết nơi giáp biên sẽ được trả tiền công khoảng 70.000 đồng.
Ngoài việc thuê người gánh hàng gia cầm qua biên giới và thuê người vận chuyển bằng xe máy từ khu vực giáp biên tới các điểm tập kết, các đầu nậu còn đưa cả xe tải sát đường biên để giao nhận hàng. Tại khu vực mốc 1248 thuộc địa phận Bản Phải, chúng tôi phải mất gần 1 tuần mới có thể tiếp cận địa điểm này để ghi lại hình ảnh những chiếc xe tải mang biển kiểm soát nước ngoài áp sát cột mốc để chuyển gia cầm nhập lậu vào Việt Nam.
Có hay không sự "bật đèn xanh" cho gia cầm lậu?
Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng hơn, đó là sau nhiều ngày quan sát khu vực mốc 1227 nơi có 1 “lán kiểm soát” của lực lượng biên phòng, nơi thường xuyên có cán bộ túc trực để kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa qua lại trên con đường tuần tra biên giới.
Xe chở gia cầm lậu nối đuôi nhau, nhưng lực lượng chức năng chưa can thiệp? |
Thế nhưng, không hiểu vì sao các phi đội “cửu gà” vẫn từng tốp băng qua đây mà không gặp bất cứ sự kiểm soát nào? Phải chăng có sự “bật đèn xanh” của lực lượng chức năng, nhất là khi “hàng” đi qua là đèn trong lán kiểm soát tắt và đèn được bật trở lại khi “hàng” đã trung chuyển xong. Chúng tôi còn ghi lại được hình ảnh của một số người thường xuyên túc trực bên trong và bên ngoài lán kiểm soát biên phòng nhưng những chuyến hàng gia cầm nhập lậu vẫn vô tư vượt qua mà không gặp bất cứ trở ngại nào!? |
Không khó có thể thấy trên thực tế, các điểm tập kết, vận chuyển gia cầm lậu cách không xa khu vực Cửa khẩu Chi Ma và cũng rất gần với các “lán kiểm soát”, “trạm liên ngành” của các lực lượng chức năng trên đường tuần tra biên giới. Vậy tại sao hoạt động tập kết, vận chuyển hàng gia cầm lậu từ bên kia biên giới qua khu vực Chi Ma lại có thể diễn ra công khai, rầm rộ trong một thời gian dài đến như vậy? Câu hỏi này, các cơ quan chức năng phòng chống buôn lậu chắc chắn sẽ sớm làm rõ và cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý và chấn chỉnh kịp thời!
Bởi hoạt động buôn lậu gia cầm không chỉ vi phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục triệu hộ chăn nuôi gia cầm ở trong nước mà còn có nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng, vì không ai, không một tổ chức hay cơ quan nào có thể kiểm tra được nguồn gốc, kiểm soát được dịch bệnh của gia cầm nhập lậu, nhất là trước tình trạng buôn lậu rầm rộ và tiêu thụ tràn lan gia cầm giống vượt biên với số lượng lên tới cả triệu con mỗi ngày qua khu vực Chi Ma-Lạng Sơn như hiện nay./.
Một con gia cầm giống tuy giá trị không lớn, nhưng lại có lãi rất khủng và với số lượng lớn thì gia cầm giống lại là mặt hàng buôn lậu đang đem lại siêu lợi nhuận. Chính vì vậy, các đầu nậu và cả các đầu mối tiêu thụ gia cầm giống nhập lậu ở các địa phương đã bất chấp các thủ đoạn để buôn lậu gia cầm và lừa dối người tiêu dùng trong nước./.
VOV