Buôn lậu mùa áp Tết: Siết nội địa, cửa khẩu đìu hiu
Những năm trước, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo nhộn nhịp, sầm uất thì nay đìu hiu, vắng lặng đến lạ thường. Các khu phố từng là “điểm đen” hàng lậu nay yên bình đến bất ngờ.
“Thủ phủ” hàng lậu nhộn nhịp một thời
Những ngày cuối năm Kỷ Hợi, chúng tôi tìm về xã miền biên giới của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), không khí ảm đạm, đìu hiu chưa từng có ở đây. Trên QL8A dẫn lên Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo vắng bóng xe đi lại, thi thoảng chỉ có vài ba chiếc container chở than hoặc nông sản chạy về từ Lào. Còn tại các xã như xã Sơn Tây, Sơn Kim 1, thị trấn Tây Sơn từng được biết đến là “điểm đen” hàng lậu nay trở nên vắng vẻ.
Người dân sở tại cho hay nhiều người giàu có nhờ những chuyến hàng vượt biên, nhưng cũng có người phải bán nhà, bán xe vẫn không trả hết nợ. Từng là cửu vạn vận chuyển hàng lậu qua khu vực biên giới, ông P.V.T.(SN 1971, trú tại huyện Hương Sơn) vẫn không thể quên những ngày tháng ăn ngủ ở rừng để đưa hàng từ Lào về Việt Nam. Thời điểm đó vào cuối năm 2008, ông được một người dân ở thị trấn Tây Sơn thuê canh giữ và đưa hàng hóa qua biên giới bằng đường rừng. Ngày ấy ông T. ở cùng tốp cửu vạn 10-20 người trong một lán trại tại khu vực núi biên giới xã Sơn Kim 1.
Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo từng nhộn nhịp một thời nay đìu hiu
Theo ông T, hầu như các chủ hàng đều chọn thời điểm đêm khuya hoặc rạng sáng để vận chuyển hàng nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Khi chủ hàng gọi thông báo điểm đến và điểm tập kết hàng, mọi người chuẩn bị hành trang rồi lên rừng. Họ bắt đầu len lỏi ở rừng sâu trong không gian vắng lặng, bầu trời tối đen như mực. Khi nhận hàng, người Lào sẽ viết một tờ giấy xem như hàng đã bàn giao, rồi phân công đưa hàng xuống núi. Đoạn đường họ phải trải qua tùy theo vị trí tập kết, có những điểm phải đi bộ hơn 8km, cũng có những vị trí chỉ cách nhau một con suối.
“Trước đó, một ngày cửu vạn có thể kiếm tiền triệu là chuyện bình thường. Tại các khu vực vùng biên phải có đến trăm cửu vạn được phân ở các điểm túc trực tại rừng, đa phần hoạt động vào ban đêm. Những ngày ấy chủ yếu chúng tôi vác hàng như gỗ, đồ điện tử, hàng con (tê tê, hổ, khỉ) hay các loại nước uống như bò húc, tăng lực”, ông T. chia sẻ.
Trong ký ức những cửu vạn thời điểm từ năm 2008-2017 được xem là những ngày huy hoàng thịnh vượng bởi làm ăn rất dễ. Họ chỉ cần một ngày lên rừng 2-4 chuyến là có tiền triệu trong tay. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường hàng hóa qua cửa khẩu được thắt chặt, doanh nghiệp thất thu, tiểu thương ế ẩm, cửu vạn buộc phải “giải nghệ” vì hết thời.
Còn gì nơi “phố núi”
Thị trấn Tây Sơn hay còn gọi là “phố núi”, nơi được xem là “trái tim” của Khu kinh tế Cửa khẩu (KKT) Quốc tế Cầu Treo. Đây cũng chính là cửa ngõ của KKT cửa khẩu, là trạm trung chuyển hàng Lào, Thái Lan lớn nhất ở Hà Tĩnh. Khác với những năm trước, khu phố nhỏ sầm uất nổi tiếng với những siêu xe, đám cưới, đại gia lẫy lừng… thì nay đìu hiu, vắng lặng đến lạ thường. Dọc theo tuyến phố, con đường rộng thênh thang vắng vẻ, những ngôi nhà cao tầng san sát ủ rũ trong màn sương trắng dày đặc; các quán xá, cửa hàng bán đồ Thái Lan, Lào nay đóng cửa cài then.
Hỏi đến sự đìu hiu của khu phố, một cụ ông bán hàng nước ở cổng chợ Trung tâm Thương mại thị trấn Tây Sơn nói, nơi đây từng giàu lắm, nhà nào buôn bán cũng có xe sang, nhà lầu. Nhưng mấy năm nay làm ăn thất thu, có một số đại gia nay cũng đang phải trốn nợ. Xe cộ hàng hóa qua đây cũng chững lại, càng ngày càng giảm, một số người từng buôn bán hàng Thái thì nay chuyển hàng rau, bán hoa quả, thậm chí có những đại gia tán gia bại sản”, ông Nguyễn Hạnh (thị trấn Tây Sơn) chia sẻ.
Một tiểu thương tại thị trấn Tây Sơn cho hay, do trước đây các mặt hàng điện tử, điện lạnh có lãi nên họ mới vận chuyển qua đường rừng để tránh thuế, còn giờ các mặt hàng này trong nước rẻ nên không còn ai đi. “Trước đi hàng điện tử, đến năm 2008 chuyển sang mặt hàng gỗ. Một số gia đình khác buôn bán động vật hoang dã nhưng nay cũng bị triệt đường lậu khi lực lượng công an, biên phòng làm quyết liệt. Những năm trước, giáp Tết ở đây sôi động lắm. Giờ lậu cũng không thấy lợi nên nhiều người giải nghệ”, một người dân Tây Sơn chia sẻ.
Đìu hiu cửa khẩu
Khu vực Trạm kiểm soát hàng hóa vào nội địa (Cổng B) Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo nay không còn hoạt động.
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Kim Hảo, Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, trước đây tình trạng buôn lậu diễn ra náo nhiệt, nhưng nay không còn. Bởi sự chênh lệch giá cả ít, thị trường bão hòa, các mặt hàng không còn sôi động như trước. “Trước đây dân còn chuộng hàng Thái, nhưng nay các mặt hàng như điện tử, điện dân dụng trong nước đã tự sản xuất, giá thành rẻ nên dân không còn mặn mà với hàng Thái. Giờ người dân đã thay đổi chiến lược kinh doanh từ buôn bán hàng Lào, Thái sang bán hoa quả nội địa, có người bán hàng ăn sáng”, ông Hảo cho hay.
Chủ tịch thị trấn Tây Sơn cũng cho rằng, cơ chế xuất nhập khẩu thay đổi đã tác động đến kinh tế của địa phương. Chính sách xuất khẩu gỗ Lào bị cấm, Trung Quốc không còn mua mặt hàng gỗ từ các doanh nghiệp ở địa phương nên gặp nhiều khó khăn. Điều này đẩy một số hộ kinh doanh vào cảnh nợ nần. “Trên địa bàn hiện tại có 7-8 gia đình bị ngân hàng siết nợ nhà ở, một số hộ khác rơi vào cảnh nợ xấu. Đa phần những hộ vỡ nợ là do đầu tư hết vốn liếng vào gỗ”, ông Hảo cho hay.
Nguyên nhân do Lào thực hiện chính sách đóng cửa rừng, nhiều doanh nghiệp mắc kẹt gỗ phía Lào không nhập về được, mặt khác loại gỗ này “rớt” giá liên tục. Ông Lê Văn Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cho biết, mấy năm gần đây, hoạt động ở KKT trở nên ảm đạm, doanh nghiệp đăng ký xuất nhập khẩu giảm. Năm 2018 có 390 doanh nghiệp nhưng nay giảm xuống còn 267.
“Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 30%, thuế giảm 1% so với năm 2018. Những mặt hàng lậu như điện tử, hàng động vật không còn nhờ sự tăng cường tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng, ngoài ra thuế qua của khẩu về 0%. Hiện tại Chi cục tập trung đấu tranh chống pháo và ma túy. Vào dịp Tết, buôn lậu diễn biến phức tạp hơn, thủ đoạn của các đối tượng là xé lẻ, cất giấu trong hành lý”, ông Hạnh nói.
Theo ông Đinh Văn Hòa, Phó Cục trưởng, Cục Hải quan Hà Tĩnh, trong mấy năm trở lại đây, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo giảm nhờ sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng. Toàn tỉnh tính đến tháng 11/2019 đã bắt giữ và xử lý 246 vụ vi phạm trong đó, bắt giữ 26 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tiền phong