Buôn lậu nườm nượp ở vùng biên
Nước lũ đang tiếp tục dâng cao tại những cánh đồng ven biên giới. Tranh thủ thời cơ này, các đầu nậu tung lực lượng vận chuyển hàng lậu về suốt ngày đêm với nhiều thủ đoạn ma mãnh.
- 23-08-2018Vụ buôn lậu lô hàng trăm xe BMW: Euro Auto thừa nhận làm giả giấy tờ?
- 06-08-20186 tháng đầu năm, phát hiện, xử lý trên 52.000 vụ buôn lậu
- 30-06-2018Kiến nghị tăng thuế thuốc lá để giảm buôn lậu
Hoạt động buôn lậu vẫn tiếp diễn bởi nhu cầu tiêu thụ đường cát và thuốc lá điếu trong nước còn cao, đồng thời lợi nhuận từ hàng lậu rất đậm. Chúng tôi đã về các vùng biên giới để tận mục sở thị.
Vào đất của dân "đai" hàng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, những ngày qua, hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới thuộc các huyện Tịnh Biên, An Phú, TP Châu Đốc và thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang hết sức sôi động, chủ yếu diễn ra vào ban đêm.
Ung dung chở đường cát lậu trên Quốc lộ 80
Khu vực thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), các đối tượng buôn lậu chọn cống Thằng Cần và kênh Tư Mèo để vận chuyển đường cát và thuốc lá lậu về kinh Vĩnh Tế trước khi giao lại cho các chủ tại địa phương. Vào khoảng 18 giờ mỗi ngày, các đầu nậu huy động lực lượng dùng xuồng máy, vỏ lãi có công suất lớn băng qua cánh đồng ngập lũ để lấy hàng tại nhiều kho chứa phía bên kia biên giới. Một đối tượng có tiếng ở đây còn dùng cả nhà máy xay xát lúa gạo làm kho chứa hàng lậu quy mô lớn, nhiều nhất là đường cát Thái Lan. Lượng hàng lậu này nhanh chóng được chuyển đi nơi khác tiêu thụ bằng các loại xe tải hạng nặng. Riêng thuốc lá thì được các đầu nậu thuê người chở về đây không dưới 600 thùng (mỗi thùng 500 gói).
Khu vực Đường Xuồng luôn sôi động giao nhận hàng
Chúng tôi ngược dòng kinh Vĩnh Tế và phát hiện tại khu vực gần cầu Cống Đồn thuộc ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế (TP Châu Đốc) có rất nhiều người đang tất bật đưa đường cát Thái Lan lên xe cải tiến để vận chuyển lên Tỉnh lộ 955. Nhiều xe tải mang biển kiểm soát Hậu Giang, Bến Tre và TP HCM cũng thay phiên nhau vào lấy hàng rồi tức tốc chạy ra tuyến đường tránh Quốc lộ 91 hướng về TP Long Xuyên. Tại các ngã ba đường dẫn ra tuyến tránh này đều có nhiều "chim lợn" mắc võng nằm canh lực lượng chức năng, báo tin cho đầu nậu biết để tìm cách đối phó.
"Chủ buôn lậu ở đây là một người đàn ông tên Việt, bị cơ quan chức năng ở tỉnh Kiên Giang truy nã nhưng không hiểu sao chẳng bị gì mà còn về đây hoạt động buôn lậu với quy mô lớn" - một người dân thắc mắc.
Tại khu vực giáp biên thuộc xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), các đối tượng vận chuyển thuê cũng chọn phương án "ăn đêm" để qua mặt lực lượng chức năng. Họ chạy thành từng tốp nhỏ trên con đường làng vừa được nâng cấp, mở rộng. Lượng hàng lậu này sẽ được chuyển qua sông Tiền bằng xuồng máy công suất lớn để giao lại cho các kho chứa bên bờ đối diện thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Còn tại khu vực chợ Gò Tà Mâu (Campuchia, nơi giáp ranh với phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc) thì không còn thấy xuất hiện mặt hàng đường cát Thái Lan vì một số kho chứa ở đây đã bị ngập lũ. Riêng thuốc lá điếu được vận chuyển về đêm bằng xuồng máy theo rạch Cây Gáo về khu vực khóm 7, phường Châu Phú A để giao hàng. Từ đây, các đầu nậu thuê người dùng xe máy chở "đai" thuốc lá về khu vực một trung tâm thương mại thuộc xã Mỹ Đức, huyện Châu Đốc để đưa lên xe tải, xe khách đi tiêu thụ khắp nơi.
Tấp nập như đi chợ!
Trước đây, "thủ phủ" đường cát lậu được biết đến là thuộc các xã ven sông Bình Di như Khánh An, Khánh Bình, thị trấn Long Bình của huyện An Phú và khu vực giáp ranh Gò Tà Mâu thuộc xã Vĩnh Ngươn (TP Châu Đốc), còn nay đã chuyển hướng sang địa bàn thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 7-8 vừa qua, chúng tôi men theo Quốc lộ 80 về khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên để ghi nhận tình hình buôn lậu. Khi xe vừa đến địa phận xã Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên) chúng tôi bắt gặp hàng loạt xe ba gác, xe thồ nườm nượp đi ăn hàng chẳng khác nào đi chợ mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía lực lượng chức năng. Xe chở hàng lậu cứ ung dung chạy trên đường, ngay cả khi phát hiện có người chụp ảnh hay ghi hình, họ vẫn cười tươi rói!
Bám theo những người vận chuyển thuê, chúng tôi đến khu vực gần cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Từ bên phải Quốc lộ 80 có con đường nhỏ được làm bằng bê-tông hướng ra cánh đồng ngập nước quanh năm (ấp Mỹ Lộ, xã Mỹ Đức) mà người dân địa phương quen gọi là Đường Xuồng. Vừa qua khu vực ngã ba này một đoạn ngắn, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hàng xe máy nối đuôi nhau chở thuốc lá điếu và đường cát Thái Lan tăng tốc phóng theo chiều ngược lại để ra Quốc lộ 80. Có xe chở đến 12 bao đường cát (loại 50 kg/bao). Xe thuốc lá cũng chất cao ngất vì được lực lượng chức năng cho "xả cửa".
Một phụ nữ buôn bán nhỏ ở đây cho biết hiện giá đường cát Thái Lan có giá tại Campuchia là 10.000 đồng/kg, đưa lậu sang Việt Nam bán lẻ cho người tiêu dùng khoảng 12.000 đồng/kg. Nếu bán sỉ hoặc cả bao thì giá thấp hơn nữa.
Qua mặt lực lượng chức năng
Theo báo cáo của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh An Giang (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 An Giang), hiện các khu vực giáp biên với tỉnh này có 26 kho chứa hàng lậu. Đặc biệt, khi các tuyến đường thông qua biên giới bị nước lũ ngập sâu là lúc thuận lợi cho buôn lậu hoạt động, gây khó khăn cho lực lượng phòng chống.
Các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm và cách thức giao nhận hàng. Hàng lậu được tập kết sát biên giới để chờ thời cơ, sau đó dùng môtô, ghe, xuồng máy tốc độ cao hoặc thuê nhiều dân "đai" lén lút vận chuyển qua biên giới theo các đường mòn, kênh rạch rồi ém vào các kho hàng hay chia nhỏ cất giấu trong nhà, tiếp tục đưa lên các phương tiện khác để chuyển vào nội địa tiêu thụ. Nhằm đối phó lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu luôn cử người canh gác suốt ngày đêm và liên tục báo tin cho nhau. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, các đầu nậu tính toán rất kỹ, gắn trách nhiệm bồi thường cho đội quân "đai" hàng nếu bị bắt, vì vậy các lực lượng chống buôn lậu thường gặp phải sự chống trả gay gắt, táo tợn từ nhóm làm thuê này.
Gian nan xử phạt và vận động chuyển nghề
Ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2018, lượng thuốc lá điếu nhập lậu tăng khoảng 27% so với cùng kỳ. Gần 695.000 gói thuốc lá các loại nhập lậu đã bị thu giữ. Lượng đường cát Thái Lan nhập lậu là hơn 161 tấn, giảm hơn 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban Chỉ đạo 389 An Giang do Chi cục QLTT làm đầu mối thu gom, tiêu hủy 3 đợt hơn 820.000 gói thuốc lá lậu.
Ngoài ra, Công an tỉnh An Giang đã khoanh vùng, lập danh sách 527 đối tượng và 65 tụ điểm ở các địa phương trọng điểm về buôn lậu để giáo dục, răn đe hoặc vận động đổi nghề. "Hiện nay, mức xử phạt đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá rất cao, có tính răn đe. Tuy nhiên, áp dụng đối với đối tượng là dân nghèo thì rất khó vì họ đi "đai" hàng thuê sống qua ngày chứ không có thu nhập hay tài sản gì cả. Họ cũng rất dễ bị các đầu nậu lợi dụng để tiếp tay vận chuyển hàng lậu và sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ" - ông Nam cho biết.
Người lao động