Buồn như chủ quán ở 8 quận "vùng cam" Hà Nội: Một năm đen tối cứ mở cửa vài bữa lại phải đóng, đến giờ gần Tết vẫn bị "bóng ma dịch bệnh" đeo bám
Tâm lý chung của các chủ quán nơi đây là cố gắng duy trì, năm nay họ xác định làm không công, thậm chí lỗ bởi doanh thu không thể bù nổi chi phí. Dù buồn nhưng họ ủng hộ quyết định siết chặt phòng dịch của thành phố, bởi chỉ khi dịch được khống chế, cuộc sống của họ mới có thể trở lại bình thường.
- 25-12-2021'Báu vật nghìn tỷ' mà người Trung Quốc săn lùng được Hà Nội bảo vệ chặt chưa từng có
- 24-12-2021Kho báu trăm tỷ nhưng 'ế chỏng chơ' trong chiếc container nằm bất động 3 năm ở Hà Nội
Sáng nay, anh Lều Thọ Trung (45 tuổi, chủ quán nước ở đường Thanh Niên, quận Tây Hồ) sau khi nhận được thông báo cũng đã đến quán từ sớm để dọn dẹp, chuẩn bị bắt đầu công việc. "Năm nay kinh doanh như lỗ, ảnh hưởng nhiều, nhưng quan trọng nhất lúc này đó là sức khoẻ mọi người được bảo vệ, mong hết để trẻ con đi học, người lớn dược đi làm", anh Trung chia sẻ.
Theo thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Hà Nội đã ghi nhận 8 địa phương ở cấp độ 3 (tức "vùng cam"), gồm các quận: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Long Biên, Hoàng Mai.
Ở trạng thái dịch cấp độ 3, các quận "vùng cam" của Hà Nội đều yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày. Các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến.
Chủ quán cơm sườn trên phố Thuỵ Khuê chia sẻ, cửa hàng của anh hoạt động đến nay đã 9 năm nhưng đây là năm khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cứ bán được một thời gian lại tạm nghỉ vì dịch, năm 2021 thực sự đen tối với các tiểu thương ngành dịch vụ ăn uống như anh.
Sau khi nhận thông tin quận Tây Hồ thông báo hàng quán chỉ được bán mang về, quán cơm này đã nghiêm chỉnh chấp hành và hoàn toàn ủng hộ quyết định của quận cũng như thành phố. Những đồ ăn sẵn đã được chuẩn bị cho khách hàng tới mua mang về.
Tại quận Tây Hồ, ngoài việc tạm dừng ăn uống tại chỗ, quận cũng đã ra quyết định tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, có nguy cơ lây nhiễm cao như: cơ sở làm đẹp (trừ dịch vụ cắt tóc, uốn tóc); khu vui chơi, giải trí; quán bar; karaoke (kể cả karaoke loa kéo, quán hát cho nhau nghe); game; massage; phố đi bộ.
Sáng nay, anh Toàn cũng nhân viên của mình tự tay chuẩn bị tấm biển "bán hàng mang về" để treo bên ngoài cửa hàng cho người dân tiện theo dõi. Được biết, nếu bán tại chỗ mỗi ngày quán cơm này có khoảng 600-700 khách nhưng khi được bán mang về số lượng giảm đi chỉ còn khoảng 300 suất.
“Mặc dù có chút buồn khi chỉ được bán mang về nhưng chúng tôi ủng hộ quyết định của quận và thành phố. Việc này cũng sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn. Được bán hàng là may mắn rồi. Nhiều nhân viên hiểu, chia sẻ với tôi còn chưa lấy lương cả năm nay nhưng Tết đến phải lo cho mọi người. Nếu không lo cho mọi người mình sẽ không giữ được chân nhân viên”, chủ quán cơm bày tỏ.
Chủ một quán cơm khác cũng trên đường Thụy Khuê - anh Vũ Ngọc Toàn chia sẻ: "Ngay từ tối qua (25/12) khi nhận thông tin quận Tây Hồ thông báo hàng quán chỉ được bán mang về mọi người kinh doanh như tôi đều rất buồn, nhưng vì mục tiêu chống dịch mọi người phải chấp hành nghiêm chỉnh". Theo lời anh Toàn, hiện gia đình anh đang thuê 2 cửa hàng để bán cơm sườn, bún bò ngay sát nhau có tổng diện tích 150m2 với giá gần 50 triệu đồng mỗi tháng. Trong đợt dịch với nhiều lần giãn cách vừa qua, chủ nhà cũng bớt cho gia đình một phần nào để đỡ gánh nặng chi phí.
“Trong năm qua do dịch bệnh ảnh hưởng nên lúc đóng cửa, lúc mở nhưng gia đình tôi cố gắng vượt qua. Trong khoảng thời gian đ tôi cố gắng duy trì gần như không có lãi, chỉ đủ tiền thuê mặt bằng và lương nhân viên. Tuy nhiên, thương hiệu mình đã đầu tư tâm sức nên phải cố gắng duy trì kể cả sắp tới có phải vay mượn cũng cố vượt qua khó khăn chứ biết sao giờ”, anh Toàn nói
Tại quận Hoàng Mai (trừ phường Hoàng Liệt), chính quyền địa phương cũng đã quyết định áp dụng các biện pháp siết chặt công tác phòng dịch. Cụ thể, cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ cóc, chợ tạm. Tạm dừng hoạt động dịch vụ không thiết yếu, hạn chế hoạt động sự kiện tụ tập đông người. Hạn chế các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Tranh thủ phục vụ khách trước giờ dừng bán tại chỗ, chị Trần Thị Lan (SN 1982 ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) xác định, nếu chỉ bán mang về doanh thu kinh doanh của gia đình sẽ giảm khoảng 70%. Có chút lo lắng nhưng theo chị việc dừng bán tại chỗ ở khu vực phường có nguy cơ cao cũng là điều dễ hiểu và người dân phải chấp hành.
"Quận và thành phố đưa ra quyết định dừng bán tại chỗ với khu vực nguy cơ cao thì người dân phải chấp hành. Dịch bệnh việc kinh doanh của cả nước bị ảnh hưởng nhưng điều quan trọng nhất đó là mọi người đảm bảo sức khoẻ, không có trường hợp nào tử vong là điều may mắn lắm rồi. Trước đây, gia đình tôi thuê nhân viên hỗ trợ nhưng kể từ khi dịch vợ chồng tự đảm nhiệm mọi việc để cắt giảm chi tiêu tối đa”, chị Lan chia sẻ.
Nhịp sống Việt