MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Business Times: Giải pháp nào cho ASEAN khi chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững hậu Covid-19?

Business Times: Giải pháp nào cho ASEAN khi chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững hậu Covid-19?

Bước vào giai đoạn hậu khủng hoảng, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đóng một vai trò quan trọng cho việc phát triển bền vững của các khu vực. Và để hỗ trợ quá trình đó, giải pháp được đưa ra chính là những tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị Doanh nghiệp (ESG).

Mới đây, UNICEF và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã đưa ra một thống kê, khoảng 2/3 trẻ em trong độ tuổi đi học trên toàn thế giới chưa được tiếp cận với Internet. Trong khi đó, để hạn chế sự lây lan của virus, các trường học phải đóng cửa, hàng trăm triệu học sinh chuyển sang học trực tuyến. Biện pháp này đã vô tình làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong xã hội ngày nay.

Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Nhưng mặt khác, nó cũng phản ánh những thực trạng còn tồn tại, cho thế giới cơ hội để nhìn lại và cải thiện tốt hơn. Không chỉ là bất bình đẳng xã hội, Covid-19 cũng đã đưa vấn đề khí hậu lên bàn họp của các chính phủ. Điều này thúc đẩy thế giới hướng tới một tương lai xanh hơn.

Ưu tiên trước mắt là đối phó với dịch bệnh. Nhưng đồng thời, đây cũng là thời điểm tốt để rút kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ và xây dựng xã hội tốt hơn trong gia đoạn hậu Covid-19.

Các chính phủ ASEAN đã nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng bộ quy tắc về Môi trường, Xã hội và Quản trị Doanh nghiệp (ESG). Được nêu ra tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, định hướng phát triển chính của bộ quy tắc đó là tăng cường khả năng chống chịu và tính bền vững trên toàn khu vực.

Đối với các doanh nghiệp, cam kết thực hiện ESG chính là chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu nóng lên toàn cầu không quá 2 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp. Điều này đòi hỏi các công ty phải sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và áp dụng các sáng kiến như thu hồi carbon để giảm phát thải khí nhà kính. Nó cũng yêu cầu các tổ chức hỗ trợ khác nỗ lực hơn trong việc giảm bớt bất bình đẳng xã hội và đưa ra các biện pháp quản lý mang lại tác động tích cực.

Hướng tới phát triển bền vững hiện đang là xu hướng chủ đạo. Các công ty có chiến lược dài hạn, tập trung vào ESG sẽ nổi bật so với đối thủ vì họ có khả năng điều hướng trong bối cảnh toàn cầu đang phát triển nhanh chóng.

Các lĩnh vực trọng tâm trong ASEAN

Theo ông James Arnold – Giám đốc nhóm công ty con thuộc Ngân hàng Đầu tư Toàn cầu và Dịch vụ Tài chính Citigroup, có ba lĩnh vực chính mà ASEAN cần tập trung ngay lập tức: chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và xây dựng cơ sở hạ tầng xanh.

Thứ nhất, để phục hồi bền vững, ASEAN cần tập trung vào việc xây dựng nền kinh tế không carbon. Bởi vì kể cả nếu không có đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia trong khu vực cũng đã phải hứng chịu sự tàn phá đến từ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do lượng khí thải carbon tăng lên.

Có nhiều quan niệm sai lầm cho rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp sẽ làm giảm lợi nhuận. Trên thực tế, xu hướng này có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Trong một bài báo gần đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - ông António Guterres chỉ ra rằng, chi phí để vận hành hầu hết các nhà máy nhiệt điện sẽ cao hơn so với việc xây mới các nhà máy điện dựa trên năng lượng tái tạo.

Về chuyển đổi kỹ thuật số, việc này cần phải được thực hiện một cách đồng đều và rộng rãi trong xã hội. Điều đó đó có nghĩa là, nhu cầu tiếp cận công nghệ của mọi tầng lớp phải được đáp ứng. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để giảm sự bất bình đẳng trong xã hội.

Cuối cùng, cần tiếp tục đầu tư và áp dụng công nghệ mới vào các cơ sở hạ tầng xanh. Điều này giúp ASEAN đối phó với những tác động bất ổn khi mật độ dân số ở các khu vực đô thị tăng cao.

Vai trò của dịch vụ tài chính

Khi việc áp dụng tư duy ESG sẽ tác động đến hoạt động xã hội của doanh nghiệp, thì tài chính ảnh hưởng rất nhiều đến cách thức hoạt động của các công ty.

Thật vậy, trên thị trường hiện nay, nhu cầu đầu tư vào giải pháp ESG đã tăng nhanh chóng. Ngày nay, có 1,3 nghìn tỷ USD đang nằm dưới nhiều dạng trái phiếu khác nhau như trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu liên kết bền vững. Từ mức tăng chỉ hơn 530 tỷ USD trong năm 2020, công ty dịch vụ tài chính S&P dự báo việc phát hành trái phiếu như vậy sẽ tăng thêm 700 tỷ USD vào năm 2021.

Vì các đợt phát hành mới này dự kiến ​​đến từ châu Âu và Bắc Mỹ, nên ASEAN sẽ có cơ hội để sở hữu miếng bánh lớn hơn trong thị trường trái phiếu, đáp ứng mục tiêu phát triển tài chính bền vững. Các cơ quan quản lý ASEAN cũng sẽ đưa ra nhiều sáng kiến để hỗ trợ mục tiêu này.

Trong khi đó, hành vi tiêu dùng thay đổi cũng đang thúc đẩy tăng trưởng tài chính bền vững. Khi mà nhận thức của cộng đồng về các vấn đề ESG được nâng cao, các công ty càng phải chứng minh được họ đang tuân theo tiêu chuẩn ESG. Một ví dụ rõ ràng là các nhà sản xuất ô tô ngày càng đề cao việc giảm thiểu lượng khí thải CO2 từ các phương tiện giao thông. Tesla – "gã khổng lồ" trong thị trường ô tô điện, hiện cũng đang hợp tác cùng với các công ty khác trên toàn cầu nhằm nỗ lực hơn nữa trong việc giảm lượng khí thải carbon.

Từ con số ước tính 3.269.671 chiếc trong năm 2019, kết hợp với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 21,1%, thị trường xe điện được dự báo sẽ đạt 26.951.318 chiếc vào năm 2030. Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ là khu vực chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất, tiếp theo là châu Âu và Bắc Mỹ.

Hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp

Cũng theo ông James Arnold, Citigroup đang điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình để vượt qua những thách thức mới. Họ tin rằng năng lực tài chính có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Năm ngoái, họ đã công bố chiến lược phát triển của mình, trong đó có khoản tài trợ lên tới 250 tỷ USD cho các dự án bền vững trong thời gian 5 năm. Trước đó, Citigroup đã hoàn thành mục tiêu 100 tỷ USD sớm hơn 4 năm so với kế hoạch.

Trong tương lai, Citigroup kỳ vọng về sự tăng trưởng vượt trội và có tính bền vững của thị trường tài chính. Các công ty chưa có hướng đi rõ ràng để chuyển đổi từ nền kinh tế tiền Covid-19, về cơ bản sẽ phải đối mặt với sự rời bỏ của nhà đầu tư vì xu hướng thay đổi, đi kèm với đó là sự gia tăng trong chi phí vốn.

Trong bối cảnh đó, việc phát triển một hệ thống ESG tổng thể có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp ở ASEAN. Nhiều công ty dù chỉ mới bắt tay vào hành trình thay đổi này cũng đã gặt hái được nhiều thành quả.

Có thể thấy rằng ESG chính là động lực cho sự phát triển toàn cầu trong thập kỷ mới. Là một khu vực trẻ và đầy tiềm năng, ASEAN có thể đạt được rất nhiều thứ từ quá trình chuyển đổi này nếu nó đi đúng hướng.

Tiến Dũng

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên