BVSC: Chưa nên đánh thuế tiền lãi tiết kiệm
Bộ Tài Chính đã đề xuất áp dụng mức thuế suất thấp (khoảng 5%) đối với phần lãi tiền gửi ngân hàng của cá nhân đối với số tiền lớn hơn 3 tỷ đồng trở lên (thay vì mức 1 tỷ đồng). Theo công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), hiện tại chưa phải là thời thích hợp để đánh thuế trên lãi tiết kiệm.
- 24-09-2017Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là tận thu thuế, đi ngược lợi ích nền kinh tế
- 22-09-2017Sổ tiết kiệm 'bốc hơi': Người gửi tiền cẩn thận trước nạn lừa đảo
- 20-09-2017Khách hàng mất 400 tỷ đồng tiết kiệm ở OceanBank có được 'đền'?
Mới đây, sau khi Bộ Tài chính công bố dự thảo xin ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, đã có ý kiến đề xuất nên bổ sung thêm việc đánh thuế lãi tiết kiệm vào dự án luật sửa đổi. Ý kiến lần này đề xuất áp dụng mức thuế suất thấp (khoảng 5%) đối với phần lãi tiền gửi ngân hàng của cá nhân đối với số tiền lớn hơn 3 tỷ đồng trở lên (thay vì mức 1 tỷ đồng).
Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi cho vay công ty, pháp nhân, cá nhân khác, hay được chia cổ tức, mới bị đánh thuế 5%, còn các khoản lãi do gửi tiết kiệm vẫn không phải chịu thuế.
Dù đồng tình với lập luận của đề xuất về sự bình đẳng trong thu thuế nhưng BVSC cho rằng hiện vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để đề xuất này được áp dụng ngay vào thực tiễn. Lý do đây không phải là nguồn thu lớn cho ngân sách, cái lợi thu được là rất nhỏ so với phản ứng của dư luận nói chung cũng như tác động tiêu cực nói riêng có thể gây ra đối với tâm lý của người gửi tiền.
Trong khi đó, so sánh với các kênh đầu tư khác, BVSC cho rằng mức thuế 5% là chưa đủ lớn để khiến những người có khoản tiền lớn từ bỏ kênh tiết kiệm để chuyển sang đầu tư góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu, cho vay… Đa phần những người chọn lựa kênh tiết kiệm hiện nay ưu tiên tính an toàn hơn là sinh lãi. Họ chấp nhận một mức lãi suất “vừa đủ” với kỳ vọng của họ thay vì rủi ro nên dù bị chịu thuế chưa chắc họ đã dịch chuyển sang các kênh kém an toàn hơn như chứng khoán , bất động sản...
Kể cả trong trường hợp muốn dịch chuyển, họ có thể cũng sẽ ưa thích kênh vàng và ngoại tệ hơn như một địa chỉ thay thế vì vẫn đảm bảo được sự an toàn cho đồng vốn. Khi đó, rủi ro sẽ lại đến với thị trường vàng và ngoại hối - hai thị trường mà NHNN đã phải tốn rất nhiều công sức để bình ổn những năm qua. Thêm vào đó, trong bối cảnh hiện nay, sức khỏe hệ thống ngân hàng mới chỉ ở mức ổn định chứ chưa đủ bền vững để có thể áp dụng ngay càng biện pháp tiềm ẩn rủi ro đối với thanh khoản hệ thống.
Nếu không được giải thích thấu đáo, đề xuất áp thuế đối với tiền gửi ngân hàng có thể sẽ kích động tâm lý rút tiền hàng loạt của người dân. Khi đó thanh khoản hệ thống có thể sẽ bị tác động mạnh.