MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cả "cha đẻ" và "truyền nhân" đều không được bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, vậy nhãn hiệu Phở Thìn hiện nay đang nằm trong tay ai?

23-02-2023 - 16:07 PM | Doanh nghiệp

Cả "cha đẻ" và "truyền nhân" đều không được bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, vậy nhãn hiệu Phở Thìn hiện nay đang nằm trong tay ai?

Những ý kiến trái chiều từ các bên liên quan đang khiến cái tên Phở Thìn 13 Lò Đúc nóng hơn bao giờ hết.

Nhiều người dù đã sống ở Hà Nội khá lâu nhưng vẫn lầm tưởng rằng 2 hàng phở Thìn "huyền thoại" Phở Thìn Bờ Hồ và Phở Thìn 13 Lò Đúc là cùng 1 chủ, có người lại bảo là "anh em"... Nhưng sự thật là 2 thương hiệu phở Thìn này chẳng hề liên quan gì đến nhau.

Phở Thìn Bờ Hồ được mở từ khoảng năm 1954, do ông Bùi Chí Thìn (1928-2001) làm chủ. Tới nay, hàng phở này vẫn chỉ có 1 địa chỉ duy nhất ở 61 Đinh Tiên Hoàng, đối diện hồ Gươm. Sau khi ông Bùi Chí Thìn mất, hiện nay, người cháu đích tôn của ông là anh Thành cùng vợ tiếp quản hàng phở.

Ra đời muộn hơn phở Thìn Bờ Hồ, phở Thìn Lò Đúc bắt đầu mở từ năm 1979, do ông Nguyễn Trọng Thìn gây dựng từ một hàng phở nhỏ. Cho tới nay, hàng phở không chỉ nổi tiếng tại Hà Nội mà có cả cơ sở ở nước ngoài.

Mặc dầu phong cách của 2 hàng phở khác nhau: Phở Thìn Bờ Hồ thịt tái chín nước thanh; Phở Thìn Lò Đúc là phở bò tái lăn nhiều hành nhưng khách hàng thường xuyên nhầm lẫn 2 thương hiệu này.

Khi những ý kiến trái chiều nổ ra xoay quanh "truyền nhân" của Phở Thìn 13 Lò Đúc, mọi người mới biết cả 2 công ty Phở Thìn và Phở VieThin có liên quan đến ông Nguyễn Trọng Thìn đều chưa đăng ký được nhãn hiệu phở Thìn.

Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Ngay cá nhân ông Nguyễn Trọng Thìn hay CEO Đoàn Hải Trung (Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội; địa chỉ số 13, phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chưa đăng ký thành công nhãn hiệu phở Thìn Lò Đúc.

Vậy, hiện nay ai đang sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng này?

Theo lịch sử tra cứu trên Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2003, Phở Thìn Bờ Hồ đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Phở Thìn”.

Sau đó, Phở Thìn Bờ Hồ đã đăng ký lại nhãn hiệu Phở Thìn và thời hạn hiệu lực đến 26/12/2024.

Trên thực tế, hiện nay chỉ có Phở Thìn Bờ Hồ được bảo hộ và ngăn chặn các hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu có chứa dấu hiệu Phở Thìn.

Về phía ông Nguyễn Trọng Thìn, mặc dù đã nộp đơn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc của mình lần đầu vào năm 2009 nhưng đã bị từ chối do có chứa dấu hiệu “phở Thìn” là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho dịch vụ trùng trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn sớm hơn (là Phở Thìn Bờ Hồ) căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 2 điều 74 Luật SHTT 2005.

Đến năm 2020, Phở Thìn Lò Đúc tiếp tục nộp đơn đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu Phở Thìn, đã thêm những dấu hiệu khác như hình ảnh và chữ (1979, 13 Lò Đúc) nhưng vẫn trong tình trạng “đang giải quyết”, chưa được Cục Sở hữu trí tuệ đồng ý cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, yêu cầu của CEO Đoàn Hải Trung đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn với chữ "Thìn" được viết cách điệu, thêm thông tin 1979, 13 Lò Đúc cũng chưa được chấp nhận. Như vậy, cả ông Nguyễn Trọng Thìn và Đoàn Hải Trung đều chưa có được quyền bảo hộ của pháp luật đối với nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc.

Với Phở Thìn Bờ Hồ, họ là người đang sở hữu nhãn hiệu Phở Thìn được bảo hộ và khi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Phở Thìn Bờ hồ hết hiệu lực thì cần phải làm thủ tục gia hạn để tiếp tục quyền lợi này.

Nếu quá 06 tháng kể từ này VBBH hết hiệu lực, chủ sở hữu nhãn hiệu không làm thủ tục gia hạn thì văn bằng bảo hộ sẽ chấm dứt hiệu lực. Lúc đó các chủ thể khác có thể sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét cấp VBBH đối với nhãn hiệu có chứa dấu hiệu Phở Thìn theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên hoặc ưu tiên.

Pháp luật cũng quy định, để được gia hạn, trong vòng 06 tháng trước ngày văn bằng bảo hộ (VBBH) hết hiệu lực, chủ VBBH phải nộp đơn yêu cầu gia hạn cho Cục Sở hữu trí tuệ. Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn.

Theo Trọng Nghĩa

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên