Cá chết nổi trắng một đoạn sông Tô Lịch do "va đập"?
3 ngày sau khi nhận 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây, sông Tô Lịch xuất hiện hàng trăm con cá chết trắng và bốc mùi hôi thối. Giải thích về hiện tượng này, chuyên gia Nhật Bản và đại diện kỹ thuật của JVE khẳng định, cá chết trước khi trôi dạt vào khu thí điểm làm sạch.
- 13-07-2019Nước sông Tô Lịch đen trở lại, xuất hiện cá chết trắng nổi lềnh bềnh
- 13-07-2019Xả 1 triệu m3 nước Hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch: Chuyên gia lên tiếng
- 12-07-2019Cận cảnh nước sông Tô Lịch sau 2 ngày hồ Tây mở cửa xả nước
- 11-07-2019'Sông Tô Lịch như người bệnh, chỉ đỡ xấu chứ không thể sạch'
Hôm qua, 13.7, nổi lên hàng trăm con cá chết gần khu vực thí điểm công nghệ Nano Nhật Bản tại đoạn sông gần đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy. Điều này khiến nhiều người hoài nghi về công nghệ Nano-Bioreactor của JVE (Cty cổ phần cải thiện môi trường Nhật - Việt) .
Cá chết trắng trên sông Tô Lịch ngày 13.7. Ảnh: Tuấn Anh.
Trước thực tế trên, đại diện kỹ thuật JVE khẳng định: "Cá chết trước khi trôi dạt vào khu thí điểm làm sạch bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Trong hai ngày 9 và 10.7, hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây đổ về sông Lịch với tốc độ dòng chảy quá mạnh, những con cá bị cuốn theo và chết là do bị va đập, mắc kẹt vào các lưới chắn rác ở phía đầu thượng nguồn bên Hoàng Quốc Việt".
Theo chuyên gia, cá bị cuốn theo dòng nước được đổ từ Hồ Tây và chết do bị va đập, mắc kẹt vào các lưới chắn rác ở phía đầu thượng nguồn sông Tô Lịch. Ảnh: Hoàng Thành.
Tiến sĩ Takeba Akira - Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản, chia sẻ: "Những ngày trước khi tiếp nhận nước từ Hồ Tây, tốc độ dòng chảy bình thường, thấy đàn cá hàng chục con bơi về khu xử lý. Chúng tôi đã đo được hàm lượng oxy hòa tan trong khu vực tăng là điều kiện cho cá sống tốt chứ không phải cá chết do khu vực Nhật Bản".
Như Lao Động đã đưa tin trước đó, công ty TNHH MTV Cấp Thoát nước Hà Nội đã cho mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây ra sông Tô Lịch và nước sông đã chuyển sang màu xanh rêu. Tuy nhiên, sau khi ngừng xả được 3 ngày, dọc hai bên bờ sông Tô Lịch, đặc biệt là khu vực gần đoạn thí điểm công nghệ Nhật Bản, cá nổi trắng hai bên bờ.
Lao động