Cả công trường tàu điện ngầm dừng thi công khẩn cấp vì gặp hơn 1.000 mộ cổ: Cách 1 cường quốc đầu tư đến 194.000 tỷ đồng chỉ để… đào xới khiến cả thế giới trầm trồ
Cách đây vài năm, khi nói đến ngành khảo cổ học, nhiều sinh viên Trung Quốc vẫn nhăn mặt. Họ lo sợ ra trường sẽ thất nghiệp dài. Nhưng giờ đây, khi nhìn tỉ lệ có việc làm sau tốt nghiệp lên tới 100%, có lẽ nhiều người sẽ phải nghĩ lại về ngành “đào xới dưới lòng đất”.
- 11-05-2024'Cấm địa' ở Trung Quốc: 700 năm không ai dám vào, nhà khảo cổ mạo hiểm dấn thân phát hiện cảnh gây sốc
- 09-05-2024Tại sao các nhà khảo cổ không đào sâu hơn vào Lăng mộ Tần Thủy Hoàng?
- 03-04-2024Tìm thấy mật thư của Từ Hi: Chuyên gia khảo cổ giật mình phát hiện sự thật mà thái hậu muốn giấu nhẹm
Chỉ cần gõ từ khóa “khảo cổ Tây An” trên các nền tảng mạng của Trung Quốc, người dùng sẽ được trả về hàng loạt video ghi lại hình ảnh những khu đất rộng lớn đang được đào xới.
Có câu “nơi đây bên trên là Tây An, phía dưới là Trường An (cố đô của Trung Quốc) ”, ý nói rằng phía bên dưới lòng đất thành phố Tây An ngày nay vẫn còn ẩn chứa cả một kinh đô cổ đại chờ được khai thác. Nhiều tài khoản chuyên review du lịch về Tây An còn cho biết, đối với người dân địa phương, ở Tây An ngày nào không có mộ cổ được khai quật thì đó là một ngày không bình thường.
Với bề dày lịch sử hơn 5000 năm và là một trong 4 nền văn minh cổ đại lớn nhất thế giới, không khó để tưởng tượng ra khối di vật, di sản khổng lồ bị chôn vùi dưới lòng đất của đất nước này.
Cho đến thời điểm hiện tại, số lượng lớn cổ vật và mộ cổ được tìm thấy vẫn chỉ là một con số nhỏ. Và ai mà biết được, dưới từng tấc đất kia vẫn còn bao nhiêu câu chuyện được giấu kín, bị dòng chảy của thời gian và lịch sử vùi lấp.
Tháng 10/2021, Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày ra đời ngành khảo cổ học của đất nước và cũng là 100 năm lần đầu khai quật khu di tích lịch sử văn hóa Ngưỡng Thiều thuộc tỉnh Hà Nam.
Ngược dòng thời gian về năm 1921, Trung Quốc (lúc này tên đầy đủ là Trung Hoa Dân Quốc ) bắt đầu tìm kiếm các mỏ khoáng sản và thu thập các hóa thạch cổ sinh vật học ở phía Bắc đất nước. Họ liên tiếp phát hiện ra địa điểm các tàn tích ở Chu Khẩu Điếm (Bắc Kinh), làng Ngưỡng Thiều (Hà Nam) và tiến hành khai quật tàn thích Ngưỡng Thiều.
Việc khai quật ở Ngưỡng Thiều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử khảo cổ học Trung Quốc, đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình khai quật và nghiên cứu khảo cổ học ở nước này. Đồng thời, khẳng định văn hóa Ngưỡng Thiều là nền văn hóa khảo cổ đầu tiên của Trung Quốc.
Đáng chú ý nhất là việc Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã thành lập phòng thí nghiệm carbon-14 đầu tiên trong nước vào năm 1965, đánh dấu cột mốc quan trọng khi cộng đồng khảo cổ học Trung Quốc đã có thể xác định niên đại các hài cốt được khai quật một cách khoa học nhất.
Nhiều người cho rằng tỉnh Thiểm Tây, đặc biệt là thành phố Tây An, là nơi có ngành khảo cổ phát triển và khai quật được nhiều di tích cổ nhất Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, Hà Nam mới là tỉnh đứng đầu nước này về lĩnh vực khảo cổ.
Theo thống kê các phát hiện mới về khảo cổ nói chung ở toàn Trung Quốc từ năm 1900 đến 2022, số liệu ở Hà Nam gần gấp đôi Thiểm Tây và bỏ xa các khu vực khác.
Những năm gần đây, việc trải nghiệm các di tích lịch sử, tham quan các địa điểm khai quật khảo cổ, trải nghiệm các cuộc khai quật khảo cổ đã dần trở thành xu hướng mới trong du lịch văn hóa ở Trung Quốc.
Báo cáo hoạt động của Công viên Địa điểm Khảo cổ Quốc gia năm 2023 do Hiệp hội Công viên Địa điểm Khảo cổ Quốc gia công bố cho thấy, 55 công viên địa điểm khảo cổ quốc gia của đất nước đón tổng cộng hơn 67 triệu khách du lịch, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2022.
Là nơi khai sinh cốt lõi của nền văn minh Trung Hoa, tính đến cuối năm 2023, Hà Nam có 15 bảo tàng di sản được xây dựng và mở cửa cho công chúng tham quan, 5 bảo tàng khác đã được phê duyệt và đang xây dựng, 10 bảo tàng đã vào danh sách chờ xét duyệt, đạt số lượng nhiều nhất Trung Quốc.
Với sự ưu ái của nguồn tài nguyên dồi dào, khảo cổ học đã trở thành một “thế lực” đóng góp lớn trong việc thúc đẩy sự bùng nổ du lịch văn hóa của Hà Nam.
Hà Nam vẫn luôn là tỉnh đứng đầu Trung Quốc về các phát hiện mới trong ngành khảo cổ (Ảnh Tân Hoa Xã)
Xếp ngay sau Hà Nam, nơi nổi tiếng về ngành khảo cổ ở Trung Quốc không thể không kể đến tỉnh Thiểm Tây. Nơi được biết đến với thủ phủ Tây An (trước đây là Trường An) - một trong tứ đại cố đô của Trung Quốc và cũng là nơi đặt lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Đồng thời, là nơi mà các dự án bất động sản hay công trình xây dựng luôn phải thấp thỏm vì rất có thể sẽ gặp phải khu vực có di tích cổ nằm sâu dưới lòng đất và phải tạm ngừng vô thời hạn.
Năm 2020 - 2021, khi triển khai xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 8 tại thành phố Tây An, nơi đây đã phát hiện được 1.574 di tích cổ thuộc nhiều loại khác nhau, trong đó có 1.356 ngôi mộ cổ và 4 lò nung cổ có niên đại từ thời nhà Tùy và nhà Đường.
Hay năm 2023, có 21 ngôi mộ đã được khai quật tại một địa điểm nằm ở phía nam Đường cao tốc trên cao Tây An, trong đó có 16 ngôi mộ nhà Đường và 5 ngôi mộ nhà Thanh. Tháng 2/2024, Tây An tiếp tục phát hiện hơn 2.000 ngôi mộ cổ tại khu khảo cổ Đại Bạch Dương.
Nhờ có khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng cùng nhiều khu khảo cổ chưa được khám phá, Tây An (Thiểm Tây) vẫn luôn là địa điểm du lịch văn hóa thu hút du khách hàng đầu tại Trung Quốc.
Mùa hè năm nay, Tây An đón một lượng khách du lịch khổng lồ và thường xuyên rơi vào tình trạng “cháy vé” ở các bảo tàng trọng điểm và các buổi diễn văn hóa quy mô lớn. Bảo tàng Tây An đã phải kéo dài giờ mở cửa đến 9 giờ 30 tối, bổ sung 3.000 vé mỗi ngày; Bảo tàng Điêu khắc đá Hán Đường - Thiểm Tây cũng áp dụng chính sách mở cửa vào ban đêm để tiếp đón du khách.
Hình ảnh công trường khai quật mộ cổ quy mô lớn ở Tây An (tỉnh Thiểm Tây)
Với sự trợ giúp của chính sách miễn thị thực quá cảnh trong 144 giờ ở Tây An, số lượng khách du lịch nước ngoài nhập cảnh đến đây cũng đã tăng lên đáng kể. Dữ liệu của Ctrip (tập đoàn du lịch lớn tại Trung Quốc) cho thấy số lượng khách quốc tế đến Tây An vào mùa hè đã tăng 147% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào ngày 27/7, lượng hành khách trong một ngày của Sân bay Quốc tế Hàm Dương Tây An đã vượt quá 154.600, lập mức cao kỷ lục.
Báo văn hóa du lịch tỉnh Hà Nam cho hay, thống kê trong năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã chi đến 55,7 tỷ NDT (tương đương hơn 194 nghìn tỷ đồng) cho công tác di tích văn hóa toàn quốc. Bao gồm nghiên cứu, bảo vệ và duy trì hoạt động các viện bảo tàng. Có thể thấy cường quốc này cực kỳ coi trọng sự phát triển của ngành khảo cổ và bảo tồn các giá trị lịch sử.
Theo tờ Nhân Dân Nhật Báo , chính phủ Trung Quốc cho biết đến năm 2035, nước này sẽ xây dựng được một số cơ sở khảo cổ đẳng cấp thế giới. Ngoài ra còn tập trung vào việc cải thiện nghiên cứu khoa học hàn lâm, hợp tác quốc tế, đổi mới quản lý và xây dựng đội ngũ của các cơ sở khảo cổ học, đồng thời thúc đẩy một số cơ sở khảo cổ học cấp cao bước vào hàng ngũ của các tổ chức khảo cổ đẳng cấp thế giới.
Với sự đầu tư tích cực từ chính phủ, ngành khảo cổ cũng mang lại cho quốc gia này nhiều giá trị lớn lao và góp phần tạo dấu ấn riêng cho Trung Quốc trên trường quốc tế. Được biết đến là một quốc gia phương Đông có nền văn hóa lâu đời hàng nghìn năm lịch sử, điều khiến Trung Quốc được các quốc gia khác nể phục và học hỏi là việc có thể nghiên cứu, gìn giữ và bảo tồn văn hóa, di tích ở mức độ cực kỳ cao.
Du khách tham quan Bảo tàng khảo cổ học Trung Quốc tại Bắc Kinh (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Để làm được những điều này, Tân Hoa Xã đề cập đến việc chính phủ Trung Quốc đề ra chủ trương “đưa khảo cổ học vào tận nhà dân”.
Cụ thể, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là kênh truyền hình nhà nước CCTV, các đài truyền hình địa phương kết hợp với Hiệp hội khảo cổ Trung Quốc cho ra mắt các chương trình văn hóa về đề tài khảo cổ, phát sóng trực tiếp các cuộc khai quật khảo cổ. Trong số đó, chương trình phát sóng trực tiếp về cuộc khai quật hố hiến tế tại di chỉ Tam Tinh Đôi (tỉnh Tứ Xuyên) năm 2021 đã thu hút được đến 7,1 tỷ lượt xem trên mạng xã hội Weibo.
Từ sau khi phát hiện về Tam Tinh Đôi gây chấn động cộng đồng khảo cổ và chiếm trọn danh sách những từ khóa được tìm kiếm hot nhất, ngành này lại lần nữa thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Báo Tin tức Bắc Kinh cho biết tại Trung Quốc có đến hơn 1.676 công ty/doanh nghiệp liên quan đến ngành khảo cổ học. Trong đó số lượng lớn nhất vẫn nằm ở hai tỉnh Hà Nam và Thiểm Tây.
Việc đẩy mạnh du lịch văn hóa, khảo cổ đã giúp các địa phương như Hà Nam, Thiểm Tây kiếm được nguồn thu lớn từ các ngành nghề du lịch nói chung. Bên cạnh đó, còn giúp khơi dậy tình yêu lịch sử và văn hóa của các thế hệ, đặc biệt là người trẻ thông qua các buổi khám phá những địa điểm khảo cổ.
Trẻ em Trung Quốc được trải nghiệm phục chế đồ gốm, làm sản phẩm truyền thống trong chuyến tham quan Bảo tàng khảo cổ ở tỉnh Sơn Tây
Khảo cổ học Trung Quốc đang bước vào lớp học của các trường đại học, trung học cơ sở và tiểu học, công chúng cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này. Ngành khảo cổ dần đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự gắn kết quốc gia và niềm tin văn hóa.
Về mặt quốc tế, Trung Quốc cũng tích cực tăng tốc quá trình quốc tế hóa khảo cổ. Kể từ khi Trung Quốc ra mắt sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, các nhà khảo cổ học nước này đã đẩy nhanh tốc độ vươn ra toàn cầu. Ngày càng có nhiều đội khảo cổ Trung Quốc ra nước ngoài hợp tác khảo cổ học và bảo vệ di sản văn hóa.
Trong thời gian 4 năm từ 2016 đến 2019, tổng cộng 32 đội khảo cổ Trung Quốc đã đến 22 quốc gia để thực hiện 36 dự án khảo sát và khai quật khảo cổ hợp tác giữa Trung Quốc và nước ngoài.
Ngoài ra, "Diễn đàn Khảo cổ Thế giới tại Thượng Hải" (Shanghai Archaeology Forum), sự kiện được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 2013 đã đạt được tiếng vang lớn. Diễn đàn không chỉ thúc đẩy hiệu quả việc trao đổi học thuật trong cộng đồng khảo cổ học quốc tế, mà còn nâng cao vị thế và ảnh hưởng khảo cổ học Trung Quốc, trở thành cầu nối giữa khảo cổ học Trung Quốc và khảo cổ học thế giới.
Từ năm 1952 đến năm 1954, để đáp ứng nhu cầu mở rộng dần dần việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp đất nước và sự thiếu hụt nhân tài trong ngành khảo cổ học, Khoa Lịch sử của Đại học Bắc Kinh đã thành lập riêng và bắt đầu tuyển sinh chuyên ngành khảo cổ học đầu tiên ở Trung Quốc.
Tiếp theo đó, các trường đại học như Đại học Tứ Xuyên và Đại học Tây Bắc cũng lần lượt thành lập chuyên ngành khảo cổ học. Cùng thời gian, Cục Quản lý Văn hóa và Xã hội thuộc Bộ Văn hóa (Cục Di tích Văn hóa), Viện Khảo cổ học của Viện Hàn lâm Khoa học và Đại học Bắc Kinh đã phối hợp tổ chức 4 khóa đào tạo cho cán bộ khảo cổ học, với sự tham gia của 341 học viên từ khắp toàn quốc. Sau khi tốt nghiệp, những sinh viên này trở thành trụ cột của công tác khảo cổ học ở nhiều nơi.
Học viện Khảo cổ học và Bảo tàng học trực thuộc Đại học Bắc Kinh
Đến năm 2023, trường đại học trong top đầu ở Trung Quốc là Đại học Chiết Giang cũng công bố thành lập Khoa khảo cổ học, với đợt tuyển sinh đầu tiên là 15 chỉ tiêu. Những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục ở Trung Quốc cũng đã bắt đầu đẩy mạnh xây dựng các chuyên ngành liên quan đến di tích văn hóa, khảo cổ học.
Dù đã có lịch sử lâu đời nhưng một thời gian ngành khảo cổ học vẫn luôn bị coi là ngành “không được ưa chuộng”. Theo GS. Lâm Lưu Căn - Giám đốc Viện nghiên cứu khảo cổ thuộc Đại học Chiết Giang, trước đây, do cơ cấu kiến thức chuyên môn tương đối đơn lẻ, phạm vi việc làm hẹp, điều kiện làm việc khó khăn, mức lương thấp, thiếu sự tương tác tốt với các ngành khác, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến việc bồi dưỡng tài năng khảo cổ. Nhưng ngày nay, cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành khảo cổ học đã tăng lên đáng kể.
Một năm trên toàn quốc mới chỉ có khoảng 2.000 học viên (cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ) tốt nghiệp chuyên ngành khảo cổ học. Điều này dẫn đến thiếu hụt nhân lực trong ngành. Theo hướng dẫn tuyển sinh ngành khảo cổ học tại Đại học Chiết Giang, sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành này sẽ có đủ điều kiện làm việc trong các cơ quan nghiên cứu và quản lý di tích văn hóa khảo cổ học của chính phủ ở các cấp, các bảo tàng; đơn vị trưng bày, triển lãm, khoa khảo cổ, di tích văn hóa; các đơn vị kinh doanh nghệ thuật; các ngành văn hóa, sáng tạo.
Cổ vật trưng bày tại Bảo tàng khảo cổ Trung Quốc
Đáng chú ý nhất, tờ The Paper cho hay, Học viện Khảo cổ học và Bảo tàng học trực thuộc Đại học Bắc Kinh mỗi năm tuyển sinh khoảng 40-50 chỉ tiêu. Và trong những năm qua, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành khảo cổ từ ngôi trường danh giá này đạt đến 100%.
Một trong những nghề nghiệp có mức lương tốt nhất trong khảo cổ học là trở thành một nhà khảo cổ học chuyên nghiệp. Những chuyên gia này, thường làm việc trong các viện bảo tàng, trường đại học và viện nghiên cứu, nghiên cứu di sản văn hóa vật chất như hiện vật, di tích và di tích con người và xuất bản nghiên cứu của họ. Vì kiến thức và kỹ năng của họ rất có giá trị nên họ thường nhận được mức lương cao.
Các nhà khảo cổ học cũng có thể được khen thưởng về mặt tài chính bằng cách tham gia vào các cuộc khai quật và dự án nghiên cứu tại các địa điểm khảo cổ. Kinh phí cho các dự án này thường được chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân tài trợ.
Ngoài các nhà khảo cổ học chuyên nghiệp, còn có nhiều nghề nghiệp liên quan đến khảo cổ học có thể mang lại lợi ích cao về mặt tài chính như: Tư vấn khảo cổ học, phục chế và buôn bán cổ vật cũng rất phổ biến. Những nghề nghiệp này thường đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên môn cũng như nhiều kỹ năng xã hội và giao tiếp cá nhân.
Có thể nói, sau hơn 100 đầu tư và nỗ lực đẩy mạnh, Trung Quốc đang chuyển từ một quốc gia có nguồn tài nguyên khảo cổ học dồi dào trở thành một quốc gia hùng mạnh về lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học. Điều này tạo động lực cho các thế hệ sau tìm hiểu, yêu thích và dành sự quan tâm nhiều hơn vào nền văn hóa hàng nghìn năm của đất nước.
Nhịp sống thị trường