Cả làng đỏ lửa nấu mật ngày đêm vẫn 'cháy hàng' dịp Tết
Cận kề Tết Nguyên đán, làng mật mía nổi tiếng ở Hà Tĩnh luôn tất bật, lò nấu đỏ lửa cả ngày đêm để tạo ra những giọt mật thơm ngon phục vụ khách hàng dịp cuối năm.
- 28-11-2022Chủ ghe mía như ‘ngồi trên đống lửa’ chờ nhà máy đường nhập hàng
- 07-09-2022Nông dân Hậu Giang phấn khởi khi giá mía bán chục cao kỷ lục
Làng nghề ép mía làm mật ở xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã có trên 50 năm tuổi. Toàn xã hiện còn có khoảng 100 hộ còn giữ nghề truyền thống này.
Trong khi nhiều vùng đã đầu tư máy móc hiện đại về để làm mật thì người dân nơi đây vẫn làm theo phương pháp thủ công, dùng sức trâu ép mía và nấu mật bằng lửa củi.
Dịp Tết Nguyên đán cận kề cũng là lúc người dân nơi đây trở nên bận rộn hơn. Các lò nấu mật mía ngày đêm đỏ lửa để tạo ra những mẻ mật phục vụ thực khách trong và ngoài tỉnh.
Gia đình ông Trần Văn Long (58 tuổi, trú thôn 3, xã Thọ Điền) có truyền thống làm nghề mật mía hàng chục năm qua. Những ngày này ông cùng vợ phải dậy làm việc từ lúc 5h sáng để làm việc.
Mía sau khi chặt xong được rửa sạch rồi đặt vào dụng cụ ép mía để lấy nước.
Để ép mía, người dân sử dụng hai khối hình trụ, đặt song song với nhau, phía trên gắn với một thanh gỗ dài khoảng 2m rồi buộc vào con trâu. Khi trâu di chuyển trục sẽ quay, người dân lần lượt đưa những cây mía vào để ép lấy nước. Sau khi nước mía chảy ra sẽ được dùng lưới để lọc cặn. Công đoạn này đòi hỏi phải tỷ mỉ, cẩn thận để đảm bảo vệ sinh.
"Dịp Tết này lò nấu đỏ cả ngày lẫn đêm mới đủ sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Mấy năm nay mật mía ở đây nhiều người biết đến nên bán được giá. Hàng làm ngày nào bán hết ngày đó, có những thời điểm làm không đủ bán cho khách", một chủ HTX mật mía ở xã Thọ Điền cho hay.
Khi nước mía được chắt lọc, loại bỏ các tạp chất sẽ cho vào những chiếc chảo lớn để nấu khoảng 4h đồng hồ. Khi nước mía chuyển qua sền sệt, có màu nâu vàng, công việc nấu mật mới hoàn tất.
Mía được chặt từ ruộng về chuẩn bị sơ chế sạch để đem vào ép nước.
Người nấu phải dùng muỗng đảo liên tục, đều tay để tránh bị cháy phía dưới và tạo độ sánh, mịn.
Mật mía sau khi thành phẩm được bán với giá 45.000-50.000đồng/lít.
Dịp Tết này có nhiều hộ gia đình thu trên hàng chục triệu đồng nghề nấu mật. Trong ảnh người phụ nữ đang đóng mật vào chai nhựa để gửi cho khách.
Tiền Phong