Cả nước có 11 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch cúm gia cầm
Hiện nay, cả nước đang có 37 ổ dịch cúm gia cầm, bao gồm 32 ổ dịch do H5N6 và 5 ổ dịch do H5N1 tại 11 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
- 13-02-2020Việt Nam xuất hiện 10 ổ dịch cúm A/H5N6, tiêu hủy hơn 4 vạn gia cầm
- 12-02-2020Dịch cúm gia cầm A/H5N6 bùng phát ở 4 tỉnh, thành phố
Ngày 5/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Hiện nay, cả nước đang có 37 ổ dịch cúm gia cầm, bao gồm 32 ổ dịch do H5N6 và 5 ổ dịch do H5N1 tại 11 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Từ đầu năm đến nay, cả nước buộc tiêu hủy là 137.180 con gia cầm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tất cả các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi có đàn gia cầm chưa được tiêm phòng; đặc biệt trên các đàn vịt của các hộ mới chuyển sang nuôi gia cầm (trước đó nuôi lợn).
Chính quyền và cơ quan chuyên môn đã xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm bị bệnh, dương tính với vi rút cúm gia cầm , chưa có hiện tượng lây lan rộng; tổ chức sát trùng bằng vôi bột, phun hóa chất; khoanh vùng và lập các chốt kiểm dịch tạm thời để chống dịch; tiêm phòng bao vây ổ dịch và tiêm phòng các đàn gia cầm có nguy cơ cao.
Với dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước chỉ phát sinh thêm 24 ổ dịch làm 19.472 con lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy .
Bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng hoặc có áp dụng nhưng chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh phòng dịch, an toàn sinh học. Hiện nay, cả nước còn 206 xã thuộc 79 huyện của 28 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, việc phòng, chống dịch bệnh còn nhiều tồn tại, bất cập do hệ thống thú y cơ sở, nhất là thú y cấp thôn, xã, huyện ở nhiều nơi không còn hoặc đã sáp nhập thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp nhưng không nắm được tình hình; không báo cáo đến cơ quan chuyên môn cấp trên để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, xử lý các ổ dịch chưa được thực hiện triệt để, chưa bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật; khoanh vùng, cảnh báo và quản lý ổ dịch còn khó khăn.
Một số địa phương thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện, đặc biệt tại tuyến cơ sở. Chính quyền và cơ quan chuyên môn tại một số địa phương như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa chưa chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch.
Trong khi đó, việc tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp, nhiều tỉnh, thành tỷ lệ tiêm chỉ đạt khoảng 10-20%, thậm chí chỉ khi xuất hiện dịch mới làm thủ tục xin kinh phí mua vắcxin để tiêm phòng.
Thời tiết còn diễn biến phức tạp, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nhiều, bên cạnh đó tập quán, thói quen buôn bán, giết mổ động vật nhỏ lẻ, theo cách truyền thống… nên nguy cơ dịch cúm gia cầm vẫn có thể xảy ra; nguy cơ dịch tả lợn xảy ra cao, do bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh.
Trước nguy cơ trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức phòng, chống dịch bệnh.
Các địa phương tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Bộ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn lợn; phát triển sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo 3 nguyên tắc: an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và bảo đảm an sinh xã hội, để cung cấp các sản phẩm thực phẩm cho thị trường và bình ổn giá.
Bộ cũng sẽ tổ chức kiểm tra các cơ sở buôn bán thuốc trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán các loại thuốc, vắc xin thú y không bảo đảm chất lượng, thuốc giả, chưa được phép lưu hành, gian lận thương mại,… các trường hợp cản trở, lợi dụng tình hình dịch bệnh, găm hàng, tăng giá gây khó khoăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua thuốc, vắcxin để phòng chống dịch bệnh trên động vật; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Thủ tướng ban hành Chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; cho phép Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo về hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y sau khi các địa phương thực hiện việc sáp nhập, cắt giảm lực lượng làm công tác thú y tại cơ sở.
Từ đó, đề xuất giải pháp kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định để bảo đảm lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả; xây dựng và trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực ngành thú y giai đoạn 2020-2030.
TTXVN/Vietnam+