Cả nước có 59 trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động
Tính đến ngày 1/3, toàn quốc có 59 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động, tập trung nhiều nhất ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Trong đó có một số tỉnh chỉ có 1 trung tâm đăng kiểm nhưng cũng bị dừng hoạt động.
- 28-02-2023Bộ sậu lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội bị cáo buộc nhận hối lộ 5 tỷ đồng
- 27-02-2023Tạm giữ 18 cán bộ tại 2 trung tâm đăng kiểm ở Gia Lâm, Hà Nội
- 25-02-2023Khám xét khẩn cấp 2 trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 1/3, cả nước có 281 trung tâm đăng kiểm với 489 dây chuyền kiểm định, trong đó có 59 trung tâm tạm dừng hoạt động (51 đơn vị bị dừng do phục vụ điều tra và 8 đơn vị dừng do không đủ điều kiện hoạt động).
Tính đến ngày 1/3, toàn quốc có 59 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động, tập trung nhiều nhất ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM
Cụ thể, tại Hà Nội có 18/31 đơn vị đăng kiểm với 34 dây chuyền kiểm định; Thành phố Hồ Chí Minh có 9 trung tâm đăng kiểm với 17 dây chuyền kiểm định bị tạm dừng hoạt động; nhiều địa phương cũng đang bị tạm dừng hoạt động trung tâm đăng kiểm khiến tình trạng ùn tắc đăng kiểm tái diễn từ ngày 27/2 đến nay và hiện đang ngày một nghiêm trọng hơn.
Đối với đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm thông tin toàn quốc chỉ còn khoảng 1.500 đăng kiểm viên đang làm việc. Như vậy, toàn hệ thống kiểm định xe hiện đang thiếu 486 đăng kiểm viên do cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên để duy trì hoạt động.
Riêng các đơn vị đăng kiểm và phòng tham mưu thuộc Cục Đăng kiểm cần khoảng 240-250 đăng kiểm viên (trong đó cần ít nhất 90 đăng kiểm viên bậc cao) để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ. Nhưng hiện nay, cục thiếu khoảng 120 đăng kiểm viên, tương đương khoảng 50% số người cần có.
Phương tiện xe ôtô đang được kiểm định tại một trung tâm đăng kiểm của Hà Nội
Cục Đăng kiểm cũng nêu ra thực tế hiện mỗi dây chuyền kiểm định trung bình chỉ có thể kiểm tra cho 40 xe/ngày (đạt 66% công suất) vì nhiều nguyên nhân như thiếu đăng kiểm viên; tỷ lệ xe kiểm định không đạt cao (20-30%) dẫn đến việc một xe cần phải kiểm định nhiều lần; tâm trạng, tâm lý và điều kiện làm việc của đăng kiểm viên bị căng thẳng nên giảm hiệu suất lao động; số lượng đăng kiểm viên xin thôi việc ngày càng tăng...
Phía Cục Đăng kiểm cũng dự báo trong tháng 4/2023, các trung tâm đăng kiểm xe tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có thể bị ùn tắc nghiêm trọng hơn nữa và xảy ra nguy cơ đứt gãy hệ thống kiểm định do năng suất kiểm tra chỉ đạt 31% nhu cầu kiểm định ôtô của người dân.
Đưa ra giải pháp trước mắt, Cục Đăng kiểm đề nghị sửa đổi quy định và cho phép hai đăng kiểm viên vận hành một dây chuyền thay vì tối thiểu ba đăng kiểm viên như hiện nay; ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn ở vị trí làm việc do viên chức đảm nhiệm theo quy định của Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 111/2022 để kịp bổ sung nhân lực.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm cũng đang hoàn thiện thủ tục trình Bộ GTVT sửa Thông tư số 16/2021 về kiểm định xe cơ giới để từ ngày 1/7/2023 có thể áp dụng miễn kiểm định lần đầu cho xe ô tô mới.
Hàng loạt trung tâm đăng kiểm liên tiếp bị tạm dừng đã khiến tình trạng ùn tắc đăng kiểm tái diễn những ngày qua
Theo ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang hoàn thiện thủ tục trình Bộ GTVT sửa Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT để từ 1/7/2023 có thể áp dụng miễn kiểm định lần đầu cho xe mới.
Phương án miễn đăng kiểm lần đầu ô tô mới được Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra áp dụng với các phương tiện có thời gian lưu kho tối đa được 23 tháng kể từ khi xuất xưởng. Thời gian chủ phương tiện được miễn đăng kiểm bằng đúng chu kỳ đăng kiểm đầu tiên (ví dụ: 30 tháng đối với ô tô con), tính từ ngày đến trung tâm đăng kiểm làm các thủ tục trên.
Cục Đăng kiểm Việt Nam nhấn mạnh: Khi thực hiện phương án miễn kiểm định lần đầu đối với ô tô mới, trách nhiệm của nhà sản xuất sẽ cao hơn để đảm bảo ô tô đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi đến tay khách hàng.
Theo ông An, được biết, Bộ GTVT vừa có công văn gửi liên Bộ Công an, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định xe cơ giới.
Tại dự thảo, xe ô tô mới sản xuất, lắp ráp chưa qua sử dụng có năm sản xuất không vượt quá 1 năm tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định được miễn kiểm định và được cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định để lưu hành.
Các loại xe này gồm xe cơ giới sản xuất, lắp ráp hoàn chỉnh mới đã được các cơ sở sản xuất, lắp ráp thực hiện kiểm tra chất lượng xuất xưởng, cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng theo quy định; xe cơ giới nhập khẩu mới chưa qua sử dụng đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Dự thảo cũng quy định chủ xe nộp bản cà số khung, số động cơ của phương tiện xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu để lập hồ sơ phương tiện./.
VOV