MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cả nước có tới hơn 8.000 chợ đầu mối

27-06-2018 - 16:13 PM | Thị trường

Một trong số những hạn chế đối với chợ đầu mối là nguồn vốn đầu tư khá cao, cơ chế chính sách còn hạn chế, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa,...

Sáng ngày 27/6, đã diễn ra Hội thảo quốc tế phát triển chợ đầu mối tại việt nam do Bộ Công Thương tổ chức.

Phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ TTTN - Bộ Công Thương cho biết, tính đến năm 2017, cả nước có trên 8.000 chợ đầu mối trong đó 75% là chợ nông thôn. Đa phần các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ, số lượng chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô có chức năng bán buôn, thu gom, phát luồng hàng hóa trên cả nước còn khiếm tốn (cả nước có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ của cả nước).

Các tỉnh tập trung nhiều chợ đầu mối là Thanh Hóa (11 chợ), Quảng Bình (11 chợ), Hà Nội (6 chợ), Đồng Tháp (3 chợ), Tiền Giang (3 chợ), Hưng Yên (4 chợ), Hồ Chí Minh (3 chợ), Nam Định (3 chợ)..., chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp.

Theo ông Hội, các chợ đầu mối được hình thành và tập trung chủ yếu ở vùng có quy mô dân số lớn, có nhiều cơ sở tiêu thụ lớn, vừa là đầu mối giao thông với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển hoặc vùng sản xuất nông sản tập trung có sản lượng lớn và cơ cấu đa dạng. Phạm vi ảnh hưởng chính của các chợ đầu mối là liên tỉnh và liên vùng.

"Chợ đầu mối là kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng; góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động thương mại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển; góp phần nâng cao năng lực kinh doanh của các nhà bán buôn, bán lẻ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước; tham gia bình ổn giá thị trường; giải quyết việc làm cho nhiều lượt lao động trên địa bàn chợ hoạt động; là nơi kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng..."

Tuy nhiên, ông Hội cũng cho biết, mạng lưới chợ đầu mối nông sản ở Việt Nam hiện nay mặc dù đã có một số mô hình bước đầu phát triển khá tốt nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại chưa tương xứng với vai trò quan trọng và yêu cầu phát triển.

Đầu tiên, nguồn vốn đầu tư cho một số chợ đầu mối còn khá cao (trung bình 40 tỷ đồng), trong khi nguồn từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế, vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước giữ vai trò quan trọng đối với xây dựng và phát triển mạng lưới chợ đầu mối. Tuy nhiên, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ đang là vấn đề đặt ra nhiều thách thức. Việc đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển các loại hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại ở các thành phố lớn, còn chợ đầu mối chưa có đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài.

Về cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại cũng như chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là đối với chợ đầu mỗi còn hạn chế và chưa phù hợp, đối tượng được hưởng trong phạm vi hẹp, hầu như không có chính sách ưu đãi (thuế, đất đai, tín dụng...)

Mặc dù, các chợ đầu mối đã đáp ứng nhu cầu về không gian mua bán, lưu giữ hàng hóa trong ngày nhưng diện tích dành cho xây dựng hệ thống kho, bãi đỗ xe và đường giao thông nội bộ cho xe vận chuyển hàng hóa còn hạn chế. Một số chợ diện tích quá nhỏ và đã trở nên quá tải, nhất là vào thời điểm mùa vụ, làm hạn chế lượng hàng hóa và xe cộ lưu thông qua chợ.

Bên cạnh đó, đa số các chợ đầu mối vẫn áp dụng phương thức giao dịch truyền thông (giao ngay) là chủ yếu, mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu các thương mại gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại.

Các dịch vụ hỗ trợ mua bán như dịch vụ ngân hàng; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ giám định và kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu; dịch vụ phân loại, bao gói, bảo quản hàng hóa nông sản; dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin thị trường; dịch vụ quảng cáo, dịch vụ kế toán... hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ, kể cả những chợ đầu mối nông sản quy mô lớn.

Việc kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh, siêu thị còn hạn chế. Ở nhiều nơi, các loại hàng hóa là rau củ, quả phần lớn được người dân từ các tỉnh chở trực tiếp đến bán tại các chợ, do đó còn hạn chế trong công tác khai thác thị trường, quảng bá sản phẩm nên hàng hóa tại chợ đầu mối chưa cung cấp được cho các siêu thị. Phần lớn hàng hóa tại siêu thị chủ yếu được mua trực tiếp từ các nhà sản xuất có thương hiệu.

Nguồn hàng tại các chợ đầu mối cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn thực phẩm cũng như việc truy nguồn gốc xuất xứ khi cần thiết. Các chợ hiện mới chủ yếu đảm nhận tập trung mối hàng phân phối cho các tỉnh lân cận chứ chưa thực hiện chức năng kiểm tra chất lượng trước khi bán đến tay người tiêu dùng.

Các tỉnh và thành phố hiện nay đều đã quan tâm tính liên kết phát triển hàng hóa giữa các địa phương trong việc lưu thông hàng hóa giữa các chợ nông thôn và chợ đầu môi tiêu thụ nông sản khi xây dựng chợ. Tuy nhiên, trên thực tế việc gắn kết giữa các địa phương trong triển khai thực hiện quy hoạch phát triển chợ trong việc thu hút các dự án đầu tư vào phát triển các loại hình chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản còn hạn chế.

Cuối cùng, các công trình xây dựng chợ đầu mối đòi hỏi những yêu cầu đặc biệt về địa điểm xây dựng như có diện tích đất lớn, thuận lợi giao thông thủy, bộ. Ngoài ra, các công trình hạ tầng chợ còn liên quan đến vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Trong khi quỹ đất của nước ta ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa.

Cũng tại buổi hội thảo, ông Hội chia sẻ thêm, một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế là nhận thức chưa đúng, chưa đủ và chưa thống nhất về vị trí, vai trò cũng như tiềm năng của thương mại, do đó đầu tư cho hạ tầng thương mại trong đó có chợ đầu mối chưa được quan tâm.

Ngoài ra, quy hoạch ngành chưa gắn với quy hoạch vùng lãnh thổ nên thiếu mặt bằng thuận lợi để bố trí hoạt động thương mại. Tại một số địa phương, một số quy hoạch còn mang tính định hướng hoặc chưa đồng bộ dẫn đến thực tế triển khai còn lúng túng, khó thực hiện.

Ngọc Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên