MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cả nước hoá “đại công trường”, quốc gia châu Á tỷ dân đang chi không tiếc tay cho đường xá, cầu cảng với khát vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới

12-09-2023 - 08:28 AM | Tài chính quốc tế

Cả nước hoá “đại công trường”, quốc gia châu Á tỷ dân đang chi không tiếc tay cho đường xá, cầu cảng với khát vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới

Các khoản chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng đang giúp thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ. IMF cho biết, chi tiêu vốn và tăng trưởng sản xuất sẽ là động lực lớn nhất cho sự phát triển Ấn Độ trong những năm tới.

Trung tâm tài chính của Ấn Độ giờ đây đã trở thành công trường xây dựng khổng lồ. Một loạt tấm chắn được dựng trên đường đi ở khu đô thị bờ biển phía tây của nước này, với những dòng slogan: "Mumbai đang được nâng cấp."

Một con đường mới đang được xây dựng dọc theo Biển Ả Rập, nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn ở một thành phố cực kỳ đông đúc. Ngoài ra, Mumbai cũng đang xây dựng hệ thống tàu điện ngầm để giảm áp lực cho các chuyến tàu ngoại ô hầu như khi nào cũng "chật như nêm". Tuyến đường sắt kéo dài đến New Delhi khi hoàn thiện sẽ giảm thời gian vận chuyển hàng hoá trên lộ trình 1.400 km từ 14 ngày xuống 14 giờ.

Những công trình đang được xây dựng ở Mumbai cho thấy Ấn Độ đang muốn thay đổi một quốc gia mà tốc độ tăng trưởng kinh tế từ lâu đã bị cản trở bởi cơ sở hạ tầng xuống cấp và kém hiệu quả. Trong những năm gần đây, chính phủ nước này đã chi tiêu mạnh để giải quyết vấn đề này. Nỗ lực càng được thúc đẩy khi chính phủ các nước phương Tây và doanh nghiệp đa quốc gia muốn đa dạng hoá chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cả nước hoá “đại công trường”, quốc gia châu Á tỷ dân đang chi không tiếc tay cho đường xá, cầu cảng với khát vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 1.

Ấn Độ đang đẩy mạnh việc xây dựng các tuyến đường cao tốc.

Chi cả trăm tỷ USD để "làm mới" cơ sở hạ tầng

Một số dấu hiệu cho thấy những thay đổi này của Ấn Độ đang mang lại hiệu quả. Các khoản chi tiêu khổng lồ đang giúp thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ. IMF cho biết, chi tiêu vốn và tăng trưởng sản xuất sẽ là động lực lớn nhất cho sự phát triển Ấn Độ trong những năm tới. Dòng vốn FDI, từ những doanh nghiệp như Apple hay Foxconn, đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm qua, lên khoảng 50 tỷ USD vào năm 2022.

Song, các nhà kinh tế cho rằng Ấn Độ vẫn chưa thể có đủ cơ sở hạ tầng cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế hướng đến cột mốc thu nhập cao hơn. Cho đến nay, Ấn Độ vẫn "đi sau" Trung Quốc khi nói đến các khoản chi tiêu khổng lồ cho cơ sở hạ tầng.

Theo Bộ Tài chính Ấn Độ, nước này đã chi hơn 10 nghìn tỷ rupee (120 tỷ USD) cho chi tiêu vốn trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024. Con số này cao hơn 37% so với năm tài chính trước đó và gấp đôi khoản chi tiêu trong năm 2019.

Nhìn chung, chính phủ Ấn Độ đã công bố một loạt các dự án cơ sở hạ tầng từ năm 2019 đến 2025, với tổng giá trị gần 2 nghìn tỷ USD. Theo Invest India, cơ quan xúc tiến đầu tư của nước này, phần lớn nguồn tài trợ sẽ đến từ chính quyền trung ương cùng các tiểu bang, song chính phủ kỳ vọng khu vực tư nhân sẽ tài trợ khoảng 22%. Các lĩnh vực được đầu tư mạnh bao gồm đường bộ, đường sắt, phát triển đô thị và nhà ở, năng lượng, thuỷ lợi.

Cả nước hoá “đại công trường”, quốc gia châu Á tỷ dân đang chi không tiếc tay cho đường xá, cầu cảng với khát vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 2.

Quy mô xây dựng ở Ấn Độ trong những năm gần đây được miêu tả là cực kỳ ấn tượng. Theo Bộ Giao thông Đường bộ và Đường Cao tốc, Ấn Độ có khoảng 145.000 km đường quốc lộ vào cuối năm tài chính vào tháng 3, gần gấp đôi so với hơn 79.000 km vào 1 thập kỷ trước. Hàng trăm km đường đang được xây dựng thêm mỗi tháng.

Theo OECD, Ấn Độ hiện có chiều dài đường sắt được điện khí hoá nhiều hơn so với Anh hoặc Pháp. Các siêu dự án đầy tham vọng đang được thực hiện bao gồm các cảng mới hoặc cảng cũ được tân trang lại ở dọc các bờ biển. Những cây cầu, đường hầm kết nối các tỉnh xa và công viên năng lượng mặt trời đang "mọc lên". Hệ thống giao thông cũng được triển khai mạnh hơn ở hàng chục thành phố, cùng với đó là các tuyến đường sắt cao tốc mới.

Hiện thực hoá mục tiêu tăng quy mô nền kinh tế lên 5 nghìn tỷ USD

Tuy nhiên, Ấn Độ đang nỗ lực khắc phục một vấn đề lớn. Các khoản chi tiêu đang tăng vọt sau nhiều thập kỷ ít đầu tư. Đường sắt cũ kỹ, đường sá xuống cấp và mạng lưới điện yếu đã khiến Ấn Độ nhiều năm không bắt kịp sự phát triển của chuỗi cung ứng toàn cầu - vốn đòi hỏi mạng lưới logistics cực kỳ hiệu quả.

1 thập kỷ trước, các tập đoàn lớn của Ấn Độ đã khởi xướng nhiều dự án đường sá và mạng lưới điện lớn, nhờ các khoản vay chi phí rẻ từ các ngân hàng quốc doanh. Song, các dự án vẫn còn dang dở vì vướng mắc các vấn đề về pháp lý từ việc thu hồi đất và mâu thuẫn chính trị phức tạp. Một số nhà phát triển sau đó cạn kiệt vốn, một phần do ảnh hưởng của tình trạng hối lộ và những khoản nợ chồng chất.

Cả nước hoá “đại công trường”, quốc gia châu Á tỷ dân đang chi không tiếc tay cho đường xá, cầu cảng với khát vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 3.

Mumbai thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường.

Các nhà kinh tế và chuyên gia về cơ sở hạ tầng cho biết, hiện tại, chính quyền trung ương và các địa phương ở Ấn Độ đã đạt được sự đồng tình về tính cấp thiết của việc làm mới cơ sở hạ tầng. Các dự án phát triển đường bộ, đường sắt hay năng lượng đều được chính phủ bảo trợ, một phần nằm trong kế hoạch gồm gần 10.000 dự án nhằm đưa quy mô kinh tế Ấn Độ tiến gần hơn mốc 5 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Tại Mumbai, thành phố với hơn 21 triệu dân, đoạn đầu tiên của con đường mới chạy sát bờ biển dự kiến sẽ được thông xe vào năm sau. Các nhà quy hoạch kỳ vọng tình trạng tắc nghẽn sẽ giảm bớt đáng kể và rút ngắn thời gian di chuyển từ vùng ngoại ô đến khu thương mại. Tuyến tàu điện ngầm mới cũng dự kiến được khai trương vào tháng 12.

Cả nước hoá “đại công trường”, quốc gia châu Á tỷ dân đang chi không tiếc tay cho đường xá, cầu cảng với khát vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 4.

Hệ thống tàu điện ngầm, tàu trên cao đang được xây dựng nhanh chóng ở Mumbai.

Deepak Thackley, 30 tuổi, chủ cửa hàng đồ ngọt trên một trong những con đường đông đúc nhất Mumbai, hào hứng chia sẻ: "Về chất lượng cơ sở hạ tầng, Mumbai có thể sánh ngang với các thành phố nước ngoài."

Thackley cho biết, công việc kinh doanh của anh đang được hưởng lợi từ việc "nâng cấp" thành phố. Bao quanh cửa hàng anh là con ngõ mới, có khả năng thoát nước tốt hơn, giúp ngăn lũ lụt.

Con đường đi làm kéo dài 2 tiếng đồng hồ của Thackley cũng được rút ngắn 1 nửa nhờ ga tàu điện ngầm mới đi vào hoạt động. Anh nói: "Bây giờ tôi có thể về nhà sớm hơn và dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Thật là tuyệt vời."

Tham khảo WSJ

Chi Lan

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên