MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cà phê Robusta, Arabica đồng loạt tăng giá sốc

15-10-2024 - 10:23 AM | Thị trường

Giá các loại cà phê chính như Robusta, Arabica đồng loạt tăng khiến các chuỗi cà phê đau đầu trong việc ứng phó

Rạng sáng 15-10 (giờ Việt Nam), chốt phiên giao dịch đầu tuần trên sàn London - Anh, giá cà phê Robusta tăng mạnh đến 3 con số ở cả 4 kỳ hạn giao hàng.

Trong đó, kỳ hạn giao hàng tháng 11, giá cà phê Robusta tăng 141 USD/tấn, lên 4.969 USD/tấn (khoảng 122 triệu đồng/tấn); kỳ hạn tháng 1-2025 tăng mạnh nhất, đến 165 USD/tấn; tháng 3-2025 tăng 159 USD/tấn và tháng 5-2025 tăng 158 USD/tấn. 

Cà phê Arabica trên sàn New York - Mỹ cũng tăng mạnh ở cả 4 kỳ giao dịch, mức tăng gần 4%. Tăng mạnh nhất là kỳ hạn cà phê giao hàng trong tháng 12, tăng 220 USD/tấn, lên mức 5.780 USD/tấn (hơn 142 triệu đồng/tấn).

Tại Việt Nam, gần 5% diện tích là cà phê Arabica trồng tại Cầu Đất (Đà Lạt - Lâm Đồng), Quảng Trị, Sơn La… Trong đó, Sơn La là tỉnh trồng cà phê Arabica nhiều nhất, chiếm hơn 40%, với diện tích hơn 23.000 ha. 

Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội Cà phê Sơn La, thông tin nông dân Sơn La đang bước vào niên vụ cà phê 2024-2025 và nhận rõ bị mất mùa đến khoảng 30%.

Cà phê Robusta, Arabica đồng loạt tăng giá sốc- Ảnh 1.

Cà phê Arabica trồng tại Sơn La - Ảnh: HY

Vì vậy, năng suất cà phê nhân tại Sơn La năm nay ước tính chỉ khoảng 1-2 tấn/ha trong khi năm ngoái vẫn ở mức 2,2 – 2,5 tấn/ha.

Tuy nhiên, bù lại, giá cà phê năm nay cao, ở mức 15.000 – 20.000 đồng/kg quả tươi trong khi năm ngoái chỉ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Theo công thức quy đổi 6,5 kg cà phê tươi ra 1 kg cà phê nhân thì giá cà phê nhân ở Sơn La đang từ 100.000 – 130.000 đồng/kg.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch F&B Investment & FoodEdu Academy, cho rằng cà phê tăng giá khiến các chuỗi dịch vụ ăn uống (F&B) đau đầu, đặc biệt là các chuỗi có món chính là cà phê. Từ đầu năm đến nay, kinh doanh F&B gặp khó khi các quán mở ra nhiều, sức mua giảm cộng thêm giá nguyên liệu tăng khiến các chủ quán F&B thêm khó khăn.

"Chỉ cần dạo quanh các hội nhóm của các chủ F&B sẽ thấy rõ đây là vấn đề rất lớn của ngành. Điều này khiến các chủ quán phải áp dụng cắt giảm các chi phí khác để giữ giá hoặc tăng giá để bù chi phí. Cả 2 giải pháp đều có nguy cơ mất khách" – ông Tùng lo ngại.

Theo ông Tùng, trên thế giới đã có chuỗi đã mua bảo hiểm giá cà phê để phòng trường hợp cà phê tăng giá thì hãng bảo hiểm sẽ phải chịu chi phí này, giữ giá vốn cà phê không quá cao.

Theo Ngọc Ánh

Người Lao Động

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên