Cà phê tăng giá, nông dân vui mừng, doanh nghiệp lo lắng
Từ đầu niên vụ cà phê 2023-2024 giá cà phê tăng cao và luôn duy trì ở mức trên 80.000 đồng /kg. Bên cạnh niềm vui được mùa, được giá của người trồng cà phê là những băn khoăn của cả ngành hàng.
- 26-02-2024Cà phê xuất khẩu cán mốc 1 tỷ USD, giá cao nhất trong 30 năm
- 25-02-2024Vì sao cà phê ớt gây "sốt" ở Trung Quốc nhưng khó tạo trend tại Việt Nam?
- 22-02-2024Giá cà phê, hồ tiêu tăng nóng, liên tục lập kỷ lục mới
Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch hiệp Hội cà phê Buôn Ma Thuột về cả lợi ích và rủi ro, thách thức của ngành hàng cà phê trên nền giá mới.
PV: Thưa ông, với giá cà phê tăng cao từ đầu niên vụ tới nay, có thể thấy người trồng cà phê ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung rất phấn khởi. Theo ông cà phê tăng giá đã tác động tích cực như thế nào đến người trồng cà phê?
Ông Trịnh Đức Minh: Việc giá cà phê tăng rõ ràng mặt tích cực làm cho đời sống của người sản xuất cà phê được tăng lên. Người nông dân có của ăn của để, tái đầu tư cho cà phê tốt hơn và không chạy theo những cây trồng khác. Hoặc nếu chạy theo những cây trồng khác thì vẫn giữ cây cà phê.
Đó là một yếu tố rất quan trọng để duy trì tính bền vững của ngành hàng. Nếu người nông dân không mặn mà với cây cà phê thì ngành hàng càng phê ngày càng suy giảm theo hướng xấu đi, đó là cung không đủ cầu.
PV: Vậy việc giá cà phê tăng cao có hoàn toàn đem đến sự tích cực đối với ngành hàng cà phê không, thưa ông?
Ông Trịnh Đức Minh: Đấy là mặt tích cực. Tuy nhiên, mặt ảnh hưởng thì có mấy vấn đề lớn như thế này. Thứ nhất, kích thích nông dân chạy theo những lợi ích ngắn hạn, không đầu tư vào chất lượng mà chạy theo sản lượng. Đây là yếu tố ảnh hưởng tới sản xuất cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản. Và ảnh hưởng đến tâm lý nữa, nghĩa là người ta nhận thấy rằng, không làm cà phê chất lượng cao thì vẫn có giá tốt.
Giá cao còn ảnh hưởng tới thị trường tiêu dùng. Các nhà rang để đưa cà phê rang tới các quán, khách hàng để bán lẻ tới người tiêu dùng... Trước đây với giá 40.000/kg thì họ rang xong bán 80.000- 100.000/kg. Bây giờ giá nguyên liệu tăng gấp đôi, họ có tăng tương ứng gấp đôi không?
Hiện giờ, thấy rằng giá cà phê đến tay người tiêu dùng gần như chưa tăng hoặc tăng không đáng kể. Bởi vì, các nhà rang và các chuỗi quán phải tìm cách thay thế bằng hàng cà phê chất lượng thấp hơn để tồn tại.
PV: Để duy trì được chất lượng, sản lượng và giữ vững tính bền vững của ngành hàng cà phê, theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì và quan tâm đến vấn đề này như thế nào?
Ông Trịnh Đức Minh: Để duy trì được chất lượng, sản lượng và giữ vững tính bền vững của ngành hàng cà phê chúng ta phải có những chính sách, những đầu tư thích đáng để cho mối liên kết giữa người sản xuất - nhà rang - nhà thương mại bền vững, thực chất và giờ ngành cà phê đặc sản đang đi theo hướng đó.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, ngành cà phê thế giới đã qua rồi thời kỳ cà phê giá rẻ. Giờ việc tăng giá như vậy là lẽ công bằng thì người nông dân mới ở lại được với cây cà phê, người ta mới sống thịnh vượng được. Có lẽ sau đợt này chuyện cà phê giá rẻ sẽ không còn nữa. Cũng có thể lên xuống nhưng không thể xuống đáy như những năm vừa rồi. Và giải pháp quan trọng nhất là giải pháp quảng bá, xúc tiến thương mại ở thị trường thật tốt để người tiêu dùng biết đến câu chuyện cà phê của mình.
PV: Vâng, xin cám ơn ông!
VOV