MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cà phê Việt Nam – Đẳng cấp đã được khẳng định

04-03-2017 - 08:35 AM | Thị trường

Theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, thắng lợi của cà phê Việt Nam năm 2016 không chỉ ở sản lượng và giá trị mà còn ở đẳng cấp.

Xuất khẩu cà phê cả nước năm 2016 đạt 1,8 triệu tấn, giá trị gần 3,4 tỉ USD, tăng 34% về khối lượng và tăng 26% về giá trị so với năm 2015. Nhiều tín hiệu cho thấy cà phê Việt Nam đang đang khẳng định được vị thế của mình.

Nụ cười sau gian khó

Đã rất nhiều năm, cà phê Việt Nam nói riêng, Tây Nguyên nói chung, mới có chuỗi ngày giá cao và ổn định như thời gian này. Trước khi bắt đầu niên vụ 2016-2017, cà phê robusta nhân đã đạt hơn 43 triệu đồng/tấn và giữ ở mức trên dưới 45 triệu đồng/tấn suốt 4 tháng nay, cao hơn cả chục triệu đồng/tấn so với trung bình của niên vụ trước.

Cà phê Tây Nguyên đang nâng cao vị thế của mình.

Anh Nguyễn Trường Tộ, một nông dân cà phê ở thôn Trung Hoà, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk tính toán, năm 2016 phải đến tháng 8 mới có mưa, cà phê rụng trái non rất nhiều nên cả vườn giảm gần 1/3 năng suất. Năm nay, đúng thời điểm giá cao nên dù gia đình chỉ thu được 3 tấn cà phê nhân, nhưng thu nhập vẫn hơn năm ngoái dù chưa bán hết sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Sen, ở buôn Tăng Sinh, xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk cho biết, đã mua được 9 sào cà phê với giá 150 triệu đồng vào năm 2015. Sang niên vụ 2016 – 2017 đã thu được 2,5 tấn cà phê, sau khi bán gần 1/2 đã thu được 58 triệu đồng.

“Để mua được đất làm cà phê gia đình phải gom toàn bộ tiền nên lúc đó rất lo lắng. Giờ thì yên tâm hơn vì số tiền bán cà phê vụ này đã đủ cho gia đình chi tiêu trong năm nay và trồng xen thêm một số trụ tiêu và bơ để có thêm thu nhập. Số cà phê còn lại gia đình sẽ bán khi nào giá cao hơn hoặc khi thực sự cần tiền”, chị Sen tâm sự.

Theo Bộ NN&PTNT, mặc dù các vùng cà phê của nước ta chịu hạn hán nghiêm trọng trong năm 2016, nhưng xuất khẩu cà phê cả nước vẫn đạt 1,8 triệu tấn, giá trị gần 3,4 tỉ USD, tăng 34% về khối lượng và tăng 26% về giá trị so với năm 2015. Còn theo các doanh nghiệp, thắng lợi của cà phê Việt Nam năm 2016 không chỉ ở sản lượng và giá trị mà còn ở đẳng cấp.

Ông Phan Hùng Anh, Phó giám đốc Công ty Cà phê Anh Minh, tỉnh Đăk Lăk, doanh nghiệp xuất khẩu 60.000 tấn cà phê nhân trong niên vụ vừa rồi cho biết, các doanh nghiệp cà phê hiện tại đã tiến một bước dài về công nghệ sản xuất, nên sản phẩm đã rất đa dạng.

“Các doanh nghiệp hiện nay đã có nhiều mối quan hệ liên minh, liên kết với nông dân cũng như các Hội nông dân. Quy trình sản xuất cà phê có chứng nhận bây giờ đã rất phổ biến cũng như việc thu hái cà phê chín đã đạt tỷ lệ theo yêu cầu nên chỉ còn tùy thuộc vào nhu cầu của thế giới. Các doanh nghiệp cà phê Việt Nam đã có thể đáp ứng được bất kỳ nhu cầu nào của thị trường thế giới, dù là khắt khe nhất”, ông Phan Hùng Anh khẳng định.

Phát triển chiều sâu để nâng cao vị thế

Nhìn vào bức tranh xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2016 có thể thấy điểm nổi bật là lượng xuất khẩu các sản phẩm cà phê chế biến ngày càng nhiều. Cà phê chế biến của Việt Nam được bạn hàng và thị trường thế giới ưa chuộng như G7 của Trung Nguyên đã đáp ứng được yêu cầu của đế chế bán lẻ toàn cầu Walmart và đang được bán trong hệ thống Siêu thị Walmart tại Chile, Brazil, Mexico và Trung Quốc.

Vinacafe xuất khẩu trên 2.000 tấn cà phê hòa tan, đến 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Công ty cà phê An Thái, tỉnh Đắk Lắk cũng xuất khẩu hơn 2.000 tấn cà phê tinh chế.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng giám đốc Công ty cà phê An Thái cho biết, ngoài những sản phẩm đơn giản như cà phê rang xay và cà phê hoà tan đã có thêm cà phê phin giấy theo công nghệ Mỹ, cà phê viên nén. Bên cạnh sản phẩm cà phê, các doanh nghiệp còn đưa ra thị trường cà phê hạt rang nguyên chất theo từng giống riêng biệt, như Arabica, Moka, Robusta. Cà phê Culi trước đây được rất ít người biết đến, giờ cũng xuất hiện nhiều trên thị trường.

“Dù chưa thể hài lòng với kết quả chế biến sâu của ngành cà phê, nhưng rõ ràng việc này đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm một cách nghiêm túc. Nếu có thêm một thời gian sàng lọc và phát triển, cà phê Việt Nam sẽ có thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn”, ông Lợi nhận định.

Phát triển mạnh công nghệ chế biến thô, sản xuất những loại cà phê nguyên liệu đẳng cấp, đáp ứng yêu cầu của những khách hàng khó tính nhất - đó là điều cà phê Việt Nam đã làm được.

Cũng đánh giá tích cực những diễn biến mới của ngành cà phê, ông Dương Thanh Tương, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đăk Lăk cho rằng, chính quyền các tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn đều rất quyết tâm cho sự trẻ hoá cây cà phê.

“Các địa phương đều có kế hoạch dành hàng nghìn tỷ đồng để tái canh cây cà phê. Riêng Đăk Lăk đã dành tới 12.000 tỷ đồng cho phát triển cà phê bền vững. Bởi vậy, hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, cà phê Tây Nguyên có thể giữ và nâng cao hơn nữa vị thế của mình”, ông Tương cho biết./.

Theo Dương Đình Tuấn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên