MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cả thế giới lo lạm phát, riêng Trung Quốc theo xu hướng trái ngược: Lặp lại tình trạng của Mỹ và Nhật nhiều năm trước?

15-05-2023 - 19:46 PM | Tài chính quốc tế

Trong khi phần lớn thế giới đang nỗ lực một cách tuyệt vọng để kìm xu hướng giá cả tăng cao, Trung Quốc đang cố gắng làm điều ngược lại.

Cả thế giới lo lạm phát, riêng Trung Quốc theo xu hướng trái ngược: Lặp lại tình trạng của Mỹ và Nhật nhiều năm trước? - Ảnh 1.

Xu thế trái ngược

Hiện tại, ở Mỹ, lạm phát giá tiêu dùng tháng qua vẫn ở mức 5% dù đã giảm mạnh; ở Liên minh châu Âu là 8,3% và ở Vương quốc Anh là 10,1%.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,1% trong tháng 4 so với một năm trước, mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2021, theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS) đưa ra hồi đầu tháng. Trong tháng 3 và tháng 2, chỉ số này lần lượt tăng 0,7% và 1%.

Điều này cho thấy dấu hiệu áp lực giảm phát ở Trung Quốc đang trở nên nghiêm trọng hơn khi giá tiêu dùng tăng với tốc độ chậm nhất trong 2 năm, thể hiện việc nhu cầu trong nước yếu đi và đặt ra câu hỏi về sự phục hồi của nền kinh tế.

Chỉ số giá sản xuất cũng giảm 3,6% - đánh dấu mức giảm lớn nhất trong 3 năm. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp con số này giảm.

Giá cả đang "đóng băng" hoặc giảm ở Trung Quốc bất chấp việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất và bơm tiền vào hệ thống tài chính để thúc đẩy nền kinh tế, cùng với việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt về COVID vào cuối năm ngoái.

Cả thế giới lo lạm phát, riêng Trung Quốc theo xu hướng trái ngược: Lặp lại tình trạng của Mỹ và Nhật nhiều năm trước? - Ảnh 2.

Theo CNN, đã có một số dấu hiệu phục hồi nhu cầu sau khi kết thúc các biện pháp hạn chế do đại dịch vào cuối năm ngoái, nhưng người tiêu dùng vẫn cảnh giác khi chi tiêu cho các mặt hàng đắt tiền, chẳng hạn như bất động sản.

Các nhà phân tích của công ty nghiên cứu tài chính Nomura cho biết, các chỉ số lạm phát yếu cho thấy đà phục hồi sau COVID tiếp tục suy yếu trong tháng 4.

Họ nói thêm rằng sự phục hồi chậm chạp của lĩnh vực bất động sản có thể đã gây ra áp lực giảm giá “dai dẳng”.

Bất động sản đóng góp tới 30% vào GDP của Trung Quốc và lĩnh vực vẫn đang ở trong thời kỳ suy thoái lịch sử, với giá nhà mới tăng chưa đến 0,5% trong cả tháng 3 và tháng 2, sau khi giảm hơn một năm.

Sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các nguyên liệu thô chính như thép và xi măng, là những thành phần chính của chỉ số giá sản xuất.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu của cơ quan hải quan, nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 7,9% trong tháng 4, cho thấy nhu cầu trong nước yếu.

Điều này có nghĩa là các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục gửi tiền tiết kiệm thay vì đi ra ngoài để chi tiêu, và các công ty vẫn thận trọng trong việc triển khai các khoản đầu tư mới.

Điều đó làm dấy lên nỗi ám ảnh về một vòng xoáy của giá cả và tiền lương giảm, điều có thể khiến nền kinh tế sẽ mất khá nhiều thời gian để phục hồi.

“Quan điểm của chúng tôi là nền kinh tế Trung Quốc đang giảm phát", Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng tại ANZ Research, nhận định vào tuần trước, ngay sau khi Trung Quốc công bố số liệu tăng trưởng GDP quý đầu tiên.

Yeung cho biết thêm, mặc dù GDP tăng 4,5% trong quý đầu tiên, nhưng mức tăng trưởng đó phần lớn phản ánh tác động của nhu cầu bị dồn nén của người mua sắm sau 3 năm hạn chế vì đại dịch. Nếu loại bỏ điều đó, tăng trưởng GDP sẽ chỉ là 2,6%.

PBOC đã cố gắng khuyến khích người dân chi tiêu bằng cách tăng thanh khoản ngân hàng thông qua nhiều công cụ chính sách, chẳng hạn như nghiệp vụ thị trường mở và hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Nhưng người tiêu dùng hầu như không phản ứng tích cực. Thay vì tiêu tiền, mọi người đang tích trữ tiền mặt. Theo các nhà phân tích, phần lớn các khoản cho vay mới của ngân hàng đến từ chính quyền địa phương.

Lặp lại tình trạng của Mỹ và Nhật?

Về mặt kinh tế, giảm phát được định nghĩa là sự suy giảm kéo dài một cách bền vững của mức giá chung đối với hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian.

Điều đó có hại cho nền kinh tế bởi vì trong một môi trường như vậy, người tiêu dùng và các công ty có thể ngừng chi tiêu với dự đoán giá sẽ giảm hơn nữa, điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế.

Vấn đề này là một trong những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng trì trệ trong hai thập kỷ qua, và chỉ gần đây, các quan chức của nước này mới thành công trong việc bắt đầu đảo ngược xu hướng này.

Liu Yuhui, giáo sư thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), trong một bài phát biểu gần đây được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu có dấu hiệu suy thoái khi giảm pháp xuất hiện.

“Nhịp đập của nền kinh tế thực vẫn còn “yếu” vì giá bất động sản và tài sản tài chính “không tăng”, ông nói thêm.

Ông cho biết các hộ gia đình Trung Quốc đang nợ nần chồng chất và không có khả năng hoặc không sẵn sàng chi tiêu. Các chính quyền địa phương, nơi tài chính bị suy giảm do sự kết hợp của tình hình khó khăn trên thị trường bất động sản và đại dịch, cũng đang vật lộn với những khoản nợ của họ.

“Trung Quốc hiện tại đang lặp lại tình trạng của Mỹ 15 năm trước và Nhật Bản 30 năm trước", ông nói thêm.

Quan chức Trung Quốc nói gì?

Yu Yongding, cựu giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới tại CASS, bày tỏ quan điểm thận trọng hơn. Nhưng ông thừa nhận rằng nền kinh tế đang phải đối mặt với áp lực giảm phát.

“Theo tôi, mặc dù nhận định 'giảm phát đã bắt đầu' chưa hẳn chính xác, nhưng đó cũng không sai. Kêu gọi sự chú ý đến giảm phát là hoàn toàn đúng đắn", ông viết trong một bài báo được đăng vào tuần trước trên trang tin tức Netease của Trung Quốc.

Li Daokui, giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, người từng phục vụ trong ủy ban cố vấn của PBOC, đã kêu gọi Bắc Kinh tung ra 500 tỷ nhân dân tệ (72,5 tỷ USD) dưới dạng phiếu tiêu dùng để thúc đẩy chi tiêu trong thời gian còn lại của năm nay.

Về phần mình, PBOC đã bác bỏ những lời bàn tán về giảm phát và bảo vệ các chính sách hiện tại của mình.

Zou Lan, một quan chức của PBOC, cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào thứ Năm tuần trước rằng không có cơ sở nào cho thấy tình trạng giảm phát hoặc lạm phát trong dài hạn.

"Khi các chính sách hỗ trợ tài chính có hiệu lực, nhu cầu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tăng lên và giá cả có thể sẽ quay trở lại mức trung bình của các năm trước trong nửa cuối năm nay", ông nói.

Theo Minh Khôi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên