MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cả thế giới oằn mình đối chọi với Covid-19, Trung Quốc vẫn tự tin nền kinh tế sẽ sớm phục hồi theo hình chữ "V"

23-03-2020 - 15:40 PM | Tài chính quốc tế

Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Lý Khắc Cường và một quan chức cấp cao của NHTW chỉ ra rằng quốc gia này đã kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh và việc tái khởi động các hoạt động của nền kinh tế là lý do họ lạc quan về triển vọng của Trung Quốc.

Sự tự tin của các nhà hoạch định chính sách và những dấu hiệu tích cực ở Trung Quốc

Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu đang chứng kiến tình trạng phong toả trên diện rộng và ngày càng gắt gao nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thì chính phủ Trung Quốc đang tự tin khi nói về triển vọng về sự phục hồi nhanh chóng sau khoảng thời gian trì trệ vì Covid-19 bùng phát. 

Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Lý Khắc Cường và một quan chức cấp cao của NHTW chỉ ra rằng quốc gia này đã kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh và việc tái khởi động các hoạt động của nền kinh tế là lý do họ lạc quan về triển vọng của Trung Quốc.

Cũng ở thời điểm này, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối mặt với nguy cơ số lượng việc làm bị mất tăng lên và nhu cầu bên ngoài sụt giảm khi Mỹ, Anh và châu Âu đều thắt chặt quy định di chuyển đối với người dân. Các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi kết thúc giai đoạn lãnh đạo của cựu chủ tịch Mao Trạch Đông vào năm nay.

Phó Thống đống PBOC – Trần Vũ Lộ, phát biểu tại Bắc Kinh hôm 22/3: "Các chỉ báo kinh tế có thể sẽ cho thấy sự cải thiện đáng kể trong quý II và nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục trở lại với mức sản lượng như dự đoán một cách nhanh chóng."

Ông Trần Vũ Lộ cũng phát tín hiệu rằng chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích với quy mô vừa phải ở thời điểm hiện tại. Cho đến nay, về việc thực hiện điều chỉnh chính sách thuế, hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện đi vay và bơm thanh khoản, các biện pháp của Trung Quốc lại trái ngược hoàn toàn với hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ tài chính và hạ lãi suất mạnh ở Mỹ và châu Âu.

Hôm thứ Sáu, ông Lý Khắc Cường cho biết chính phủ nước này sẽ "tối ưu hoá" các chính sách để giúp nền kinh tế hồi phục và đảm bảo việc làm ổn định. Trước đó, ông cũng nói rằng hầu hết các địa phương ở Trung Quốc đều đang được coi là "rủi ro thấp" đối với virus và sẽ trở lại với cuộc sống, công việc bình thường.

Cả thế giới oằn mình đối chọi với Covid-19, Trung Quốc vẫn tự tin nền kinh tế sẽ sớm phục hồi theo hình chữ V - Ảnh 1.

Hiện tại, đã có một số dấu hiệu cho thấy ngày càng nhiều nhà máy, nơi làm việc của Trung Quốc đã hoạt động bình thường trở lại. Bloomberg Economics ước tính rằng 85% hoạt động sản xuất đã tái khởi động, ngoại trừ ổ dịch lớn nhất Trung Quốc là tỉnh Hồ Bắc.

David Qu – nhà phân tích của Bloomberg Economics viết, người dân Trung Quốc sẽ quay trở lại làm việc nhưng với tốc độ chậm hơn, khi lượng công việc của ngành công nghiệp đang ở gần mức "bình thường". Ông cho hay: "Hiện tại, trọng tâm là ngành giáo dục và các công ty sản xuất nhỏ hơn. Tuy nhiên, phía cầu có thể là một hạn chế, đặc biệt là đối với các ngành dịch vụ."

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, gần 70% công ty xuất nhập khẩu chính của nước này đã mở cửa trở lại, với công suất làm việc trên 70%. Tuy nhiên, công nhân có thể trở lại làm việc vào đúng thời điểm nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển sụt giảm mạnh. Tỷ lệ các ngành dịch vụ tái khởi động trở lại, ví dụ như các nhà hàng và khách sạn, hiện đang ở mức 60%, thấp hơn so với các công ty công nghiệp.

Cả thế giới oằn mình đối chọi với Covid-19, Trung Quốc vẫn tự tin nền kinh tế sẽ sớm phục hồi theo hình chữ V - Ảnh 2.

Những khó khăn sau khi dịch đạt đỉnh

Tuy nhiên, hiện tại, gần một nửa các công ty tiêu dùng niêm yết ở Trung Quốc hiện không có đủ tiền mặt để duy trì hoạt động thêm 6 tháng tới, khi các nhà hàng đang ở trong tình thế tồi tệ nhất, do dịch bệnh là nguyên nhân khiến người tiêu dùng ở nhà.

Ông Lý Khắc Cường cho biết trong bài phát biểu hôm 20/3, hiện tại vẫn cần theo dõi xem liệu Bắc Kinh đã có những biện pháp đủ để "giải cứu" các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc – nơi tạo ra phần lớn việc làm, chính phủ sẽ đưa ra "mọi nỗ" lực để đảm bảo các công ty này có thể duy trì hoạt động.

Trong số các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ được công bố, NHTW Trung Quốc cho biết sẽ cung cấp tổng cộng 500 tỷ CNY (70 tỷ USD) cho các ngân hàng để họ nới lỏng điều hiện cho vay và mở rộng thời gian đáo hạn đối với các khoản vay. Ngoài ra, thuế, bảo hiểm xã hội và thanh toán bảo hiểm thất nghiệp có thể được giảm bớt và gói hỗ trợ trả tiền thuê mặt bằng cũng được đưa ra.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện vẫn cảnh giác đối với việc áp dụng chính sách kích thích tiền tệ và tài khoá lớn như trong khủng hoảng tài chính, khi nước này phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ đến nay vẫn chật vật để phục hồi. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng từ mức 6,2% trong tháng 2, thì có thể chính phủ nước này sẽ mạnh tay hơn đối với động thái kích thích. 

Cho đến nay, mối quan tâm chính vẫn là mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể thực hiện được trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hay không. Mục tiêu dự kiến trước khi dịch bệnh diễn ra là khoảng 6%. Hiện tại, các nhà kinh tế đều hạ dự báo tăng trưởng đối với quốc gia này khi số liệu được công bố vào tuần trước – cho thấy hoạt động kinh tế sụt giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm. Mức dự báo trung bình đối với tốc độ tăng trưởng hiện là 3% - thấp nhất kể từ năm 1976.

Wang Tao – kinh tế gia trưởng Trung Quốc tại UBS, cho biết, Trung Quốc sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ được triển khai trong những tuần và tháng tới, bao gồm tăng chi tiêu cho đầu tư cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khoẻ.

Bà viết: "Sau đó, nhiều biện pháp chính sách có thể sẽ được đưa ra hơn khi triển vọng tăng trưởng toàn cầu ngày càng xấu đi. Dẫu vậy, chúng tôi cho rằng dù chính sách kích thích có mạnh đến đâu thì cũng không thể đưa Trung Quốc tiến tới mức tăng trưởng hơn 5%. Trên thực tế, họ khó có thể đạt được mức 3% trong năm nay." 

Tham khảo Bloomberg

    
        Cả thế giới oằn mình đối chọi với Covid-19, Trung Quốc vẫn tự tin nền kinh tế sẽ sớm phục hồi theo hình chữ V - Ảnh 5.     
    

Giang Ng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên