MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá tra hụt sản lượng nặng nhất trong vòng 20 năm

30-12-2016 - 16:45 PM | Thị trường

Cuối tháng 12/2016, do hụt nguyên liệu nên nhiều nhà máy chế biến cá tra giảm công suất tới 40% và nghỉ nhiều ngày trong tuần.

Năm 2017, dự báo là năm ngành cá tra đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nặng nhất, tình trạng này sẽ kéo dài cả năm và đây là lần đầu tiên sau 20 năm, cá tra mới hụt sản lượng nặng nề như vậy.

Đặc biệt, từ tháng 1 đến tháng 4/2017, lượng cá nuôi của người dân được dự báo chỉ có thể đáp ứng tối đa 10% cho nhu cầu sản xuất của các nhà máy. Trong khi lượng cá có size từ 900 gram đến 1,5 kg cung ứng cho thị trường xuất khẩu cũng sẽ hụt trên 80%.

Tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu thậm chí sẽ kéo dài trong suốt cả năm 2017, nguyên nhân là do cá giống bị thất mùa từ tháng 12/2016, sớm nhất phải đến cuối tháng 2/2017 mới có cho vụ mới. Như vậy, cá tra nguyên liệu có lại nhanh nhất cũng phải từ tháng 11/2017, và điều này cho thấy, doanh nghiệp đang phải đối mặt với một năm thiếu nguyên liệu trầm trọng chưa từng xảy ra trong ngành suốt 20 năm nay.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, tình trạng khan hiếm cá tra hiện nay là hậu quả của việc xuất khẩu giá thấp trong ba năm liền, từ năm 2014 đến năm 2016. Điều này đưa đến hậu quả người dân thua lỗ, giảm đầu tư trong năm 2016 và các nhà máy cũng giảm nuôi trồng trong khi xuất khẩu năm 2016 lại tăng hơn 7% so với 2015.

Trái ngược với nguồn nguyên liệu đang cạn kiệt, dự báo năm 2017, nhiều doanh nghiệp cho rằng thị trường xuất khẩu cá tra có thể tăng tối thiểu 7% sản lượng do nhu cầu nhập khẩu gia tăng từ thị trường châu Á. Giá xuất khẩu năm 2017 cũng dự báo tăng hơn từ 5-10% so với năm 2016 do tình trạng thiếu nguyên liệu để cung ứng ra thị trường.

Trở lại tình hình xuất khẩu cá tra trong 2016, theo đánh giá của các hiệp hội như Vasep và Hiệp hội cá tra, các doanh nghiệp đã chủ động trên 70% sản lượng nuôi trồng, tuy nhiên, đến nay, thì đánh giá này cần phải xem lại. Bởi tại thời điểm cuối tháng 12 này, hầu hết các doanh nghiệp lớn đã giảm công suất chế biến và nghỉ nhiều ngày trong tuần do nguồn cung nguyên liệu ngoài thị trường không còn.

Có đến 60% doanh nghiệp, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn trong ngành phải ra ngoài thị trường mua cá của dân để chế biến nhưng vẫn không có cá để cung ứng mặc dù doanh nghiệp phải trả tiền mặt ngay cho dân. Việc doanh nghiệp thanh toán tiền mặt ngay khi mua cá là chưa có tiền lệ kể từ 2014, vì trước đó, người nuôi thường bị doanh nghiệp nợ tiền mua cá từ 1 tháng đến 3 tháng. Ngoại trừ số ít doanh nghiệp lâu nay có uy tiến thì thời gian từ lúc bắt cá đến khi thanh toán cho dân cũng phải 15 ngày.

Phương Thảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên