Cả trăm tỉ đồng “vỡ tan” cùng đường ống
Dự án xây dựng hệ thống cấp nước thô Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn giai đoạn 1, công suất 30.000m3/ngày đêm được UBND tỉnh Thanh Hoá quyết định đầu tư từ năm 2007.
- 20-05-2016Những siêu dự án nghìn tỷ và cuộc đua tiến độ tại Phú Quốc
- 19-05-2016Siêu dự án 'phù phép' hàng nghìn mét vuông đất
- 02-12-2015Dự án trăm tỉ và khu đất vàng “đắp chiếu"
Sau nhiều lần điều chỉnh, tổng kinh phí đầu tư lên trên 170 tỉ đồng. Vậy nhưng, vừa chạy thử, ống đã vỡ, cả trăm tỉ đồng tiền ngân sách cũng vỡ theo. Đã nhiều năm trôi qua, chưa có bất kỳ cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về việc thất thoát ngân sách này.
Kỳ 1: Vừa chạy thử là... ngừng chạy
Sau nhiều năm thi công và liên tục đội vốn đầu tư từ ngân sách, đến tháng 2.2011, dự án xây dựng hệ thống cấp nước thô KKT Nghi Sơn giai đoạn 1 cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, vừa tổ chức chạy thử lần 1, các ống cốt sợi thuỷ tinh đã có hiện tượng nứt vỡ.
Liên tục đội vốn
Quyết định nâng tổng mức đầu tư lần 2, từ hơn 80 tỉ lên trên 150 tỉ đồng.
Đơn vị tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư dự án được lựa chọn là Cty nước và môi trường Việt Nam và chủ đầu tư là BQL KKT Nghi Sơn. Mục tiêu đầu tư là đưa nước thô từ hồ Yên Mỹ (Như Thanh) về hồ Đồng Chùa (ngay sát KKT Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia) nhằm đáp ứng nhu cầu bức xúc về nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, dịch vụ phục vụ KKT. Ngày 23.4.2007, UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt đầu tư dự án với tổng mức ban đầu là 85 tỉ đồng cho tuyến cấp nước dài 22,23km. Đến ngày 31.1.2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá thời điểm đó là ông Mai Văn Ninh quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 121,37 tỉ đồng. Đến tháng 7.2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá lại ra quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 150,8 tỉ đồng. Lý do tăng đầu tư cũng tương tự như lần trước là do thay đổi về giá vật liệu, do tính toán ban đầu chưa chính xác…
Phương án ống dẫn nước được UBND tỉnh Thanh Hoá ra quyết định lựa chọn là ống nhựa D600 bằng cốt sợi thuỷ tinh với lý do “chịu được ăn mòn, nhẹ nhưng có cường độ cao, lưu lượng dẫn nước lớn, tính năng thuỷ lực tốt… Dự án bắt đầu được khởi công vào tháng 6.2009 và trước đó không lâu vào tháng 5.2009, Cty CP ống sợi thuỷ tinh Nghi Sơn do ông Phí Văn Thịnh làm giám đốc ra đời nhằm cung cấp vật liệu cho dự án.
Vừa chạy thử đã vỡ
Tháng 2.2011, dự án cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, vừa tổ chức chạy thử lần 1, các ống cốt sợi thuỷ tinh đã có hiện tượng nứt vỡ. Khi tăng áp lực lên dù chưa đạt công suất thiết kế nhưng các ống cốt sợi thuỷ tinh từ trạm bơm tăng áp đến QL1A với chiều dài hơn 11km đã vỡ, dịch chuyển trụ đỡ, rò rỉ mối nối. Dự án thất bại, mục tiêu nhanh chóng đưa nước thô phục vụ cho KKT Nghi Sơn đã không thực hiện được. Ngày 7.11.2013, BQL KKT Nghi Sơn ký hợp đồng với Viện Kỹ thuật công trình thuộc Đại học Thuỷ lợi nhằm xác định nguyên nhân sự cố và đề xuất giải pháp khắc phục.
Báo cáo đánh giá của đơn vị này cho thấy, nguyên nhân bắt nguồn từ sự lựa chọn vật liệu làm đường ống dẫn nước không phù hợp. Vật liệu làm ống là cốt sợi thủy tinh PN10 không đáp ứng yêu cầu. Theo nhận xét của Viện Kỹ thuật công trình: “Do đặc tính của ống cốt sợi thủy tinh là tính chịu biến dạng kém nên khi nền bị lún hoặc chuyển dịch dưới tác dụng tải trọng bản thân ống cũng như dưới tác dụng của phương tiện giao thông thì biến dạng và gây ra vỡ ống, đặc biệt trong điều kiện tuyến đường ống chịu áp lực cao. Với đoạn tuyến đường ống trong đoạn này có cột áp tương đối cao H = 70m lại đi qua vùng địa chất yếu, chủ yếu là ruộng trũng nên việc chọn vật liệu là cốt sợi thủy tinh PN10 là không phù hợp”.
Hơn nữa, qua phân tích khả năng chịu lực của mố thì toàn bộ các cút có góc lớn hơn 22,5 độ đều không đảm bảo khả năng chịu lực. Các mố này đều có khả năng bị trượt hoặc lật. Tổng số mố không đảm bảo chịu lực là 7 mố. Kiểm tra hiện trường cho thấy đoạn này cũng thường bị vỡ ống, mố bị dịch chuyển. UBND tỉnh Thanh Hoá đã nhiều lần tổ chức họp giữa các ban ngành liên quan như Sở KHĐT, Sở Tài chính, Sở NNPTNT, Sở GTVT, Sở Xây dựng…
Trong các cuộc họp đó, tất cả lãnh đạo tỉnh và các sở ngành liên quan đều khẳng định dự án cấp nước thô từ hồ Yên Mỹ về hồ Đồng Chùa là không thể vận hành được (biên bản làm việc ngày 31.12.2013 giữa lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan). Không có ý kiến gì khác về nguyên nhân ban đầu dẫn đến sự thất bại của dự án mà Viện Kỹ thuật công trình đưa ra ở trên. Điều đó đồng nghĩa với việc xác nhận nguyên nhân do sự lựa chọn vật liệu là đường ống cốt sợi thuỷ tinh đã mắc sai lầm hoặc chất lượng của những đường ống này không đảm bảo.
Câu hỏi đặt ra là ai là người ra quyết định lựa chọn sai lầm trên? Đơn vị nào tham mưu, đơn vị nào thi công? Trách nhiệm của tư vấn giám sát ở đâu? Dự án thất bại, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ của KKT lớn hàng đầu cả nước. Hàng trăm tỉ đồng ngân sách từ sự đóng góp của nhân dân tan theo đường ống.
Lao động