Các chính phủ trên thế giới điều tiết tiền ảo như thế nào?
Bitcoin và các tiền ảo khác là kênh đầu tư có độ rủi ro cao do có mức động biến động giá cực lớn
Mặc dù đang có những bước tiến lớn để gia nhập danh sách những kênh đầu tư dòng chính (mainstream), nhưng tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin, vẫn còn thiếu một yếu tố mang tính sống còn là khung pháp lý hoàn thiện...
- 06-03-2021Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ là "quả bom" khiến Bitcoin và thị trường tiền số rung chuyển?
- 02-03-2021Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương nói gì về việc đầu tư tiền ảo nở rộ?
- 02-03-2021Bộ Tài chính cảnh báo về các sàn giao dịch tiền ảo trái phép
- 26-02-2021Trung Quốc tham gia dự án tiền ảo xuyên biên giới
Cuộc tranh luận về Bitcoin trở nên "nóng" hơn bao giờ hết trong những tháng gần đây, khi giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới lần đầu tiên vượt qua mốc 20.000 USD vào tháng 12/2020 rồi không ngừng "leo thang" lên gần 60.000 USD trong tháng 2/2021. Trong vòng 1 năm qua, giá Bitcoin đã tăng gấp hơn 11 lần, từ mức gần 4.500 USD vào thời điểm tháng 3/2020 lên mức khoảng 50.000 USD hiện nay.
BONG BÓNG THẾ KỶ HAY "VÀNG KỸ THUẬT SỐ"?
Được tạo ra vào năm 2009 bởi một nhân vật bí ẩn có tên Satoshi Nakamoto, Bitcoin lúc đầu có giá chỉ vài cent (1 cent = 0,01 USD). Dựa trên một công nghệ có tên gọi là "chuỗi khối" (blockchain), Bitcoin không sẵn có mà được "đào" thông qua việc giải những thuật toán phức tạp bằng những hệ thống máy tính công suất cao và tiêu thụ nhiều điện năng. Một số đặc trưng phải kể tới của Bitcoin là không được quản lý bởi một ngân hàng hay chính phủ nào, mà hoàn toàn phi tập trung; các giao dịch được thực hiện nặc danh, không thông qua trung gian hay môi giới như các tài sản đầu tư truyền thống.
Để mua bán Bitcoin, nhà đầu tư tìm đến các sàn giao dịch như Coinbase, Coinmama, CEX.IO, hay Gemini. Họ trữ Bitcoin trong ví kỹ thuật số trên kho lưu trữ "đám mây" hoặc máy tính cá nhân. Những ví này giống như một tài khoản ngân hàng ảo, chỉ có một điểm khác biệt quan trọng là không được bảo đảm bởi bất kỳ một cơ quan hay tổ chức nào.
Do mức độ biến động giá cực lớn, giá Bitcoin có thể tăng, giảm đến vài chục phần trăm ở một thời điểm nhất định, nên Bitcoin và các tiền ảo khác là kênh đầu tư có độ rủi ro cao. Chẳng hạn, mới đây, giá Bitcoin đã trượt từ đỉnh cao mọi thời đại gần 60.000 USD xuống còn hơn 40.000 USD chỉ trong vài ngày, rồi hồi phục về vùng 50.000 USD.
Ngoài biến động giá, nhà đầu tư còn đối mặt hàng loạt nguy cơ khác khi chơi Bitcoin: những vụ tấn công mạng, xóa nhầm dữ liệu, hay mất mật khẩu đều đồng nghĩa với việc số Bitcoin mà họ đang nắm giữ có thể không bao giờ được khôi phục.
Những người có quan điểm hoài nghi cho rằng tiền ảo chẳng qua chỉ là một kênh đầu cơ và đà tăng giá chóng mặt của Bitcoin đã tạo nên một bong bóng tài chính vào hàng lớn nhất trong lịch sử, ngang tầm với bong bóng hoa tulip hồi thế kỷ 17 hay bong bóng dotcom hồi đầu những năm 2000. Trái lại, những người ủng hộ dành cho Bitcoin những mỹ từ như "vàng kỹ thuật số" hay "đồng tiền dự trữ của tương lai", cho rằng Bitcoin có khả năng chống lại sự mất giá của tiền giấy và lạm phát, và sẽ đến lúc trở thành phương tiện thanh toán toàn cầu.
Nhiều doanh nhân lớn của thế giới như tỷ phú công nghệ Bill Gates hay nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có quan điểm rằng Bitcoin thực chất chẳng có giá trị gì. Nhưng mặt khác, cũng có nhiều nhân vật "sừng sỏ" như nhà sáng lập Elon Musk của hãng xe điện Tesla không ngại bày tỏ sự tin tưởng vào Bitcoin. Tesla gần đây thậm chí đã chi 1,5 tỷ USD mua Bitcoin và cho biết sẽ tiến tới chấp nhận Bitcoin như phương tiện thanh toán khi khách hàng mua xe của hãng.
Trong lúc tranh luận về Bitcoin diễn ra gay gắt, ngày càng có nhiều nhà đầu tư tổ chức và công ty lớn chào đón Bitcoin, theo đó đưa tiền ảo này tiến gần hơn tới vị thế một kênh đầu tư dòng chính. Bitcoin đến nay đã được chấp nhận trên nhiều nền tảng như PaylPal, Visa hay Overstock.com. Uber và Mastercard mới đây cho biết có kế hoạch chấp nhận Bitcoin; BNY Mellon - ngân hàng lâu đời nhất của Mỹ, thành lập năm 1784 - tuyên bố đã thành lập một bộ phận "tài sản kỹ thuật số"; Goldman Sachs đang xem xét mở quỹ ETF Bitcoin; Fidelity Investments bắt đầu mở những quỹ cho phép nhà đầu tư bổ sung tiền ảo vào danh mục...
NHIỀU CHÍNH PHỦ MUỐN CÓ TIỀN ẢO RIÊNG
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhà chức trách nhận thấy ở tiền kỹ thuật số nhiều ưu điểm như giúp làm tinh giản, rút ngắn thời gian và chi phí của các giao dịch tài chính xuyên biên giới; tính an toàn và bảo mật cao, lại không thể bị làm giả như tiền giấy truyền thống. Tuy nhiên, với những rủi ro lớn mà Bitcoin và các tiền ảo khác đặt ra cho nhà đầu tư, hầu hết các nước đều thể hiện quan điểm thận trọng với những đồng tiền ảo khu vực tư nhân, và thay vào đó nghiên cứu phát hành một đồng tiền ảo nhà nước. Đến nay, chưa có một quốc gia nào đưa ra được quy chế cụ thể và có hệ thống để quản lý tiền ảo, mà các quy định đưa ra đều mới chỉ ở mức chắp vá, tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện.
Chính phủ Trung Quốc chủ trương ủng hộ công nghệ blocchain, nhưng đồng thời cũng mạnh tay với các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Năm 2017, Bắc Kinh cấm phát huy động vốn thông qua phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) - một phương thức huy động vốn tương tự như phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Ngoài ra, Trung Quốc còn hạn chế việc doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động liên quan đến tiền ảo như vận hành sàn giao dịch tiền ảo. Vùng Nội Mông của Trung Quốc đang có kế hoạch cấm hoạt động đào tiền ảo vì mức tiêu thụ điện năng quá lớn.
Song song với đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã phát hành thí điểm một đồng tiền ảo riêng, đang được thử nghiệm ở nhiều thành phố như Thành Đô, Thẩm Quyến và Tô Châu. Đồng Nhân dân tệ điện tử do PBOC phát hành, kiểm soát và đóng vai trò là phiên bản kỹ thuật số của đồng Nhân dân tệ. Điểm này khác hoàn toàn so những tiền ảo như Bitcoin với hoạt động dựa trên nguyên tắc phi tập trung và không được kiểm soát bởi thực thể nào.
Thái Lan sắp tới sẽ đưa ra quy định mới để hạn chế việc nhà đầu tư cá nhân giao dịch tiền ảo, trong bối cảnh giới thanh thiếu niên ở nước này đổ xô chơi tiền ảo. Tờ Bangkok Post cho biết, quy định mới có thể yêu cầu nhà đầu tư cá nhân chứng minh thu nhập và tài sản trước khi mở tài khoản tại 6 sàn giao dịch tiền ảo được cấp phép của nước này.
Ở Ấn Độ, Tòa án Tối cao vào năm 2020 đưa ra lệnh cấm giao dịch tiền ảo. New Delhi hiện đang nghiên cứu một dự luật nhằm điều tiết, thay vì cấm tiền ảo, đồng thời trao quyền cho Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) thẩm quyền phát hành một đồng tiền kỹ thuật số chính thức. Lệnh cấm giao dịch tiền ảo như Ấn Độ hiện chỉ có ở một số ít quốc gia khác, trong đó có Marốc.
Tại những nền phát triển, như Anh, Australia và Mỹ, tiền ảo không bị cấm nhưng được điều tiết ở nhiều cấp độ khác nhau. Chính phủ Anh đang tiến hành tham vấn để xây dựng quy chế điều tiết tiền ảo sao cho vừa bảo vệ được người tiêu dùng, đảm bảo ổn định tài chính và sự toàn vẹn của thị trường mà không cản trở sáng tạo. Tiền ảo được nhà chức trách Anh xem như một tài sản, và nhà đầu tư hưởng lợi từ sự gia tăng giá trị tài sản này phải đóng thuế.
Chính phủ Australia điều tiết tất cả các bên liên quan đến vòng đời của tài sản số, từ nhà phát hành, nhà trung gian, người đào, sàn giao dịch, cho tới các nền tảng giao dịch. Australia cũng coi tiền ảo là tài sản và đánh thuế tài sản gia tăng như ở Anh.
Mỹ đến nay đang là quốc gia đi đầu thế giới về tiền ảo, nhưng sự điều tiết của Chính phủ nước này đối với tiền ảo mới chỉ ở mức độ rất hạn chế, dù nước này cũng đánh thuế tài sản gia tăng đối với tiền ảo như ở Australia và Anh. Đến nay, nhiệm vụ giám sát tiền ảo chưa được giao cho một cơ quan cụ thể nào của Mỹ, Chính phủ Mỹ chưa xác định được sẽ dùng luật nào để điều tiết tiền ảo, và mỗi bang của nước này lại có những quy định khác nhau về giám sát tiền ảo. Các ngân hàng ở Mỹ được giám sát bởi Cục Dự trữ Liên bang (Fed); các công ty môi giới tài chính nằm dưới sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán và giao dịch (SEC); các công ty quản lý tài sản và giao dịch hàng hóa được điều tiết bởi Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC). Hiện chưa có cơ quan nào trong số này được giao là đầu mối giám sát tiền ảo, dù Fed cũng đang nghiên cứu để phát hành một đồng tiền ảo riêng.
Giới phân tích cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden - người lên cầm quyền vào tháng 1 - có thể sẽ có quan điểm cởi mở hơn với tiền ảo so với chính quyền tiền nhiệm. Bộ trưởng Bộ Tài chính trong nội các của ông Biden, bà Janet Yellen, tin vào tiềm năng của công nghệ tiền ảo. Tuy nhiên, trao đổi với hãng tin CNBC, bà cho rằng Bitcoin "thường được dùng cho các hoạt động tài chính phi pháp. Bitcoin là cách cực kỳ thiếu hiệu quả để thực hiện các giao dịch, và mức năng lượng tiêu tốn cho việc xử lý những giao dịch đó là quá lớn".
Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ vào đầu tháng 3, ông Gary Gensler - người được ông Biden đề cử cho cương vị Chủ tịch SEC - phát tín hiệu rằng SEC có thể sớm đưa ra một bộ quy chế giám sát tiền ảo. Ông Gensler nói, nếu được Thượng viện phê chuẩn cho cương vị này, ông sẽ lãnh đạo SEC đưa ra "định hướng và minh bạch" cho thị trường tiền ảo, để vừa bảo vệ nhà đầu tư vừa thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mới.
Vneconomy