MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các Công điện của Thủ tướng - Trợ lực giúp ổn định thị trường

Sau các Công điện của Thủ tướng mới đây, nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực.

Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 4 công điện rất quyết liệt về các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; ổn định, phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống người lao động.

Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, tại phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng đây là những chỉ đạo rất kịp thời và quyết liệt của Thủ tướng, hướng tới phát triển các lĩnh vực này phát triển theo hướng "minh bạch, thị trường và chuyên nghiệp".

Trong ngắn hạn, ông Lực đề nghị cần tiếp tục củng cố niềm tin cho thị trường và các nhà đầu tư, với các thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mọi chủ thể, xử lý dứt điểm các sai phạm vừa qua.

Thời báo Tài chính đưa tin, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu khẳng định 4 công điện của Thủ tướng đã giúp tăng thêm niềm tin và kỳ vọng vào sự thay đổi tích cực của các doanh nghiệp. Tuy nhiên ông cho rằng, bên cạnh những chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp phải thấy trách nhiệm của mình trước những khó khăn của thị trường và thời gian qua, các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực.

Trợ lực thị trường bất động sản phát triển bền vững

Với Công điện của Thủ tướng giữa tháng này về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở và trước đó, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ cho phép các trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn với thời gian tối đa 2 năm nhằm giúp phân tán khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh trong năm 2023 - 2024, báo Sài Gòn Giải phóng đánh giá, các động thái này cũng có thể xem như một trong những "phao cứu sinh" các doanh nghiệp bất động sản trước áp lực phải trả lãi cũng như vốn cho các nhà đầu tư.

Các Công điện của Thủ tướng - Trợ lực giúp ổn định thị trường - Ảnh 1.

Chính phủ đã nhanh chóng phát tín hiệu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

Thông điệp nêu trên từ người đứng đầu Chính phủ tới những động thái cụ thể của các bộ ngành như Tài chính đang có tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Tuy chưa có nhiều động thái chuyển biến cụ thể trên thị trường, nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chia sẻ "đang cảm thấy bình tâm trở lại".

Tờ Đầu tư nêu ý kiến của Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Chính phủ đã nhanh chóng phát tín hiệu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nhìn lại năm 2013, khi các chính sách hỗ trợ rõ nét hơn, thị trường ngay lập tức đảo chiều. Do đó, chúng ta có thể kỳ vọng tín hiệu đảo chiều sẽ diễn ra vào năm 2023.

Tiếp tục ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Không chỉ thị trường bất động sản, tại cuộc họp của Bộ Tài chính với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây về ổn định thị trường tiền tệ, vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các đơn vị tham dự đề nghị hoãn thực hiện quy định về yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và thời gian phân phối trái phiếu. Sau khi trao đổi với các bên liên quan, Bộ Tài chính đã trình dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65 theo hướng giãn thời gian thực hiện đối với một số quy định cơ bản.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới trong khi lại có áp lực trả nợ đối với các trái phiếu đáo hạn năm 2023 - 2024.

Theo báo Nhân dân, để hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn; thời gian gia hạn nhiều nhất là 2 năm.

Trong các cuộc họp hay hội nghị gần đây để tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tục đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp "tất cả đều phải vào cuộc".

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, các bộ ngành, cơ quan cần nắm chắc tình hình, lựa chọn công việc ưu tiên vấn đề phù hợp, phản ứng chính sách kịp thời và phải xem công việc của người dân, doanh nghiệp như của mình.

Để chính sách được thực thi

Quyết tâm của Chính phủ và Người đứng đầu Chính phủ để tháo gỡ các điểm nghẽn kể trên là rất rõ ràng. Tuy nhiên, điều quan trọng bây giờ là phải làm sao để các chính sách quyết liệt và kịp thời này được thực thi hiệu quả.

Nhắc lại câu chuyện về vốn đầu tư công, được xác định là dòng vốn chủ lực để tạo động lực phục hồi kinh tế sau đại dịch đã rơi vào tình trạng giải ngân chậm khiến hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia trễ tiến độ vì khát tiền, báo Thanh niên bình luận: "Chính sách hỗ trợ, cơ chế đặc biệt, không chỉ nhằm tiếp sức doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn khó khăn mà còn thể hiện sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của nhà nước, nên đừng để chính sách thành bánh vẽ chỉ vì nút thắt thủ tục hay tâm lý sợ trách nhiệm của những người thực thi".

Để du lịch quốc tế Việt Nam không còn đi trước, về sau

Trong tuần qua, câu chuyện về các điểm nghẽn trong thu hút khách du lịch quốc tế cũng là một đề tài được nhiều tờ báo dành sự quan tâm. Số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy: lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Đáng chú ý, Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19.

Rõ ràng Việt Nam mở cửa sớm so các nước khác khi vẫn còn đang dịch COVID-19 và cũng đã tổ chức thành công SEA Games 31. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời. Tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra, du lịch quốc tế vẫn phục hồi chậm, tức Việt Nam đang "đi trước, về sau" so với nhiều nước trong khu vực.

Trên tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng có nhiều nguyên nhân chính gây "nghẽn". Câu chuyện visa là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ đầu tiên, bởi hiện nay "độ mở" của Việt Nam chưa bằng các nước trong khu vực. Có lẽ thời hạn miễn thị thực 15 ngày là ngắn, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của du khách quốc tế…

Trên báo Lao động, nhà báo Lê Thanh Phong thẳng thắn: "Thời hạn miễn thị thực của nhiều nước ASEAN kéo dài từ 30 đến 45 ngày, thậm chí 90 ngày. Trong khi đó, thời hạn miễn thị thực của Việt Nam là 15 ngày. Đã miễn thị thực thì tại sao không hào phóng về thời gian, du khách đến Việt Nam, lưu trú lâu ngày hơn sẽ tiêu xài nhiều hơn. Các nước tính toán được việc quản lý người nước ngoài, Việt Nam cũng làm được, thậm chí tự tin là sẽ quản lý rất tốt. Rõ ràng, để cạnh tranh du lịch quốc tế không chỉ là thắng cảnh và ẩm thực".

Báo Tuổi trẻ lại phân tích: "Thủ tục thông thoáng và sự tiện lợi cho du khách là vấn đề quan trọng, song với du lịch, vấn đề then chốt vẫn là cái hay, cái đẹp, cái độc đáo để thu hút du khách. Việt Nam không thiếu di sản, nhưng khai thác nét đẹp và độc đáo của di sản là vấn đề quyết định để du khách lựa chọn là điểm đến hay không".

Các điểm nghẽn đã được nhiều tờ báo phân tích. Chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải cố gắng, quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa, linh hoạt và sáng tạo hơn nữa, thay đổi cách tư duy, tiếp cận, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và cạnh tranh bình đẳng, bám sát tình hình Việt Nam và thế giới để tạo đột phá trong phát triển du lịch xanh, bền vững.

Đáng chú ý, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh yêu cầu cần phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng; cung cấp những dịch vụ mà du khách cần chứ không phải thứ chúng ta có.

Bên cạnh đó, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về hạ tầng, cơ sở vật chất, chi phí logistics, chất lượng nguồn nhân lực, giá cả, chất lượng, cách thức tổ chức tour, tuyến; tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đa dạng, độc đáo gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, cùng với phải tăng cường truyền thông, xúc tiến du lịch tới bạn bè quốc tế.

Theo Ban Thời sự

VTV News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên