MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các cường quốc chạy đua trang bị 'robot sát thủ': Trung Quốc nhanh hơn Mỹ 4-5 lần

05-07-2024 - 14:45 PM | Tài chính quốc tế

Các "robot sát thủ" tự động của Trung Quốc dự kiến sẽ phục vụ quân đội nước này trong vòng hai năm tới, mở ra một kỷ nguyên mới của chiến tranh do AI hỗ trợ.

Theo Newsweek, các hình thức chiến tranh từ xa, từ máy bay không người lái đến tấn công mạng, ngày càng đóng vai trò trung tâm trong các chiến trường của thế kỷ này. Kiểm soát bầu trời bằng máy bay không người lái là vấn đề quan trọng trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Và trong tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố khoản đầu tư mới trị giá 1 tỷ USD để nâng cấp phi đội máy bay không người lái của mình.

Một số cường quốc đã đưa sự phát triển này tiến thêm một bước nữa và bắt đầu phát triển các "robot sát thủ" được hỗ trợ bởi AI, tự động hoàn toàn để thay thế binh lính của họ trên chiến trường.

Các cường quốc chạy đua trang bị 'robot sát thủ': Trung Quốc nhanh hơn Mỹ 4-5 lần- Ảnh 1.

Binh sĩ Trung Quốc thử nghiệm chó robot được trang bị súng máy trong cuộc tập trận Rồng Vàng ở tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia. Ảnh: AP

Francis Tusa - nhà phân tích quốc phòng người Anh - nói với tờ National Security News rằng: "Tôi sẽ ngạc nhiên nếu chúng ta không thấy khí tài tự hành xuất hiện ở Trung Quốc trong vòng hai năm tới".

Ông nói thêm rằng, Trung Quốc đang phát triển các loại tàu, tàu ngầm và máy bay mới được hỗ trợ bởi AI với "tốc độ chóng mặt".

"Họ đang tiến về phía trước nhanh hơn Mỹ 4 hoặc 5 lần", Tusa cảnh báo.

Theo Newsweek, Trung Quốc và Nga được cho là đã hợp tác phát triển vũ khí tự động được hỗ trợ bởi AI.

Vào tháng 5/2024, trong cuộc tập trận quân sự chung với Campuchia, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã trình diễn một chú chó robot gắn súng máy do công ty Unitree Robotics của nước này sản xuất.

Trước đó, vào năm 2022, tại một hội chợ vũ khí được tổ chức ở gần Moscow, Nga đã trưng bày một chú chó robot được tùy biến của Unitree Robotics, có tên mã M-81 và được trang bị súng phóng lựu.

Steve Goose - Giám đốc Chiến dịch Vũ khí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York, đồng sáng lập chiến dịch "Ngăn chặn Robot sát thủ" - ủng hộ các khuôn khổ pháp lý quốc tế mới nhằm hạn chế việc sử dụng hệ thống vũ khí tự động.

Goose nói với Newsweek rằng: "Thật không may, Trung Quốc, cũng như các cường quốc quân sự lớn khác, dường như đang nhanh chóng tiến tới việc trang bị robot sát thủ."

Theo Newsweek, Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng máy móc có AI hỗ trợ để phát triển vũ khí mà một số chuyên gia cho rằng nước này có thể tăng gấp ba lần sản lượng bom và đạn pháo vào năm 2028.

Trong khi Tusa nói rằng việc phát triển các hệ thống này ở phương Tây sẽ bị trì hoãn bởi những phản đối về mặt pháp lý và đạo đức, cũng như nhiều yếu tố đang cản trở việc đảm bảo nguồn tài trợ quân sự, thì Goose lại kém lạc quan hơn.

"Chính sách của Mỹ về và theo đuổi robot sát thủ ít quan tâm đến ý nghĩa đạo đức của những loại vũ khí đó. Họ phản đối bất kỳ lệnh cấm hoặc hạn chế quốc tế mới nào đối với vũ khí tự hành, chỉ kêu gọi các quy tắc ứng xử tự nguyện, đồng thời gấp rút triển khai trên chiến trường", Goose nói.

Các cường quốc chạy đua trang bị 'robot sát thủ': Trung Quốc nhanh hơn Mỹ 4-5 lần- Ảnh 2.

Người dân tham gia một chiến dịch phản đối robot sát thủ trước Cổng Brandenburg, Đức. Ảnh: AP

Vào tháng 3/2023, tại Hội nghị của Liên hợp quốc về các hệ thống vũ khí tự hành gây chết người, một đại diện của Mỹ nói rằng, đây "không phải là thời điểm thích hợp" để bắt đầu lập pháp chống lại sự phát triển của chúng.

Theo Newsweek, sự tiến bộ không thể kiềm chế về vũ khí tự hành đã khiến nhiều chuyên gia phải đưa ra cảnh báo rằng vũ khí không do con người điều khiển sẽ không tuân thủ luật chiến tranh và loại bỏ sự miễn cưỡng của các quốc gia khi tham gia vào các cuộc xung đột vì sợ phải hy sinh quân đội.

Cho rằng các thể chế siêu quốc gia được giao nhiệm vụ hạn chế việc sử dụng vũ khí tự hành có xu hướng bị chi phối bởi Nga, Trung Quốc và Mỹ - những quốc gia đi đầu về sức mạnh với robot giết người - Goose nói rằng những nỗ lực của các thể chế như vậy "tạo ra rất ít thực chất".

Goose tin rằng, nếu không được kiểm soát, vũ khí tự hành, cùng với vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu sẽ "gây ra mối nguy hiểm lớn nhất cho sự sống còn của loài người".

Theo Hữu Hiển

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên