MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các "đại gia" Hàn Quốc đổ bộ vào thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam

14-03-2018 - 14:15 PM | Tài chính - ngân hàng

2 trong 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam xuất xứ từ Hàn Quốc, bên cạnh đó còn hàng loạt các tập đoàn tham gia góp vốn, mua lại công ty tài chính hoặc hợp tác toàn diện với ngân hàng Việt...

Theo số liệu thống kê, hiện có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng số vốn đăng ký (tại thời điểm cuối năm 2017) lên đến 58,1  tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư).

Với nền kinh tế tăng trưởng ổn địn, thị trường còn nhiều lĩnh vực tiềm năng...dòng vốn từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam đang ngày càng nhiều hơn. Giới chuyên gia cho rằng làn sóng đổ bộ của các tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Sức ảnh hưởng của các nhà đầu tư xứ Kim chi đang lan rộng không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, công nghệ, bán lẻ…mà còn dần gia tăng sự hiện diện trên thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam.

Tính đến nay, hệ thống đã có 2 ngân hàng 100% vốn Hàn Quốc (trong 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài) là Shinhan Bank và Woori Bank. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng lớn khác của Hàn Quốc cũng đã thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam như KEB Hana, Industrial Bank of Korea, Kookmin, Busan, Nonghyup, Ngân hàng Nông nghiệp Hàn Quốc...

Và không chỉ thành lập các ngân hàng, văn phòng đại diện, mà các nhà đầu tư Hàn Quốc còn gia tăng sự hiện diện tại thị trường tài chính Việt Nam bằng hình thức góp vốn cổ phần, hợp tác toàn diện, mua lại các công ty tài chính hoặc các mảng kinh doanh, …

Mới nhất là thông tin Tập đoàn tài chính Hana của Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam bằng việc trở thành cổ đông của BIDV. Việc hợp tác, theo như truyền thông Hàn Quốc đưa tin, chỉ còn bước cuối cùng là được sự chấp thuận của NHNN Việt Nam. 

Trước đó, một Tập đoàn tài chính khác của Hàn Quốc là Shinhan cũng đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam khi hoàn tất việc thâu tóm mảng bán lẻ của ANZ. Hay như công ty thẻ tín dụng thuộc top 5 toàn cầu là Shinhan Card đã mua đứt Công ty Tài chính Tiêu dùng Prudential Finance (PVFC) tại Việt Nam với giá trị 151 triệu USD (gấp 5,52 lần mệnh giá).

Bên cạnh Shinhan, sự hiện diện của các tập đoàn tài chính Hàn Quốc còn có Tập đoàn Mirae Asset và Tập đoàn Lotte. Trong đó Mirae Asset đã thành lập Công ty tài chính tại Việt Nam đã được hơn 10 năm nhưng hoạt động chưa thực sự nổi trội. Còn Tập đoàn Lotte cũng thời gian gần đây đã gây sự chú ý khi thông qua Lotte Card mua lại toàn bộ Công ty Tài chính TechcomFinance từ tay Techcombank. 

Cũng trong năm 2017, hàng loạt các vụ thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa ngân hàng Việt và Hàn Quốc đã được ký kết. Chẳng hạn thỏa thuận giữa Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) với BIDV, Ngân hàng Daegu Bank hợp tác với OCB, Agribank bắt tay với Tập đoàn Tài chính Nonghyup…

Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng bán lẻ, thẻ tín dụng và cho vay tiêu dùng đang là những thị trường tiềm năng có tốc độ tăng trưởng nhanh thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn từ Hàn Quốc. Sự tham gia của họ chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn về vốn và công nghệ cũng như các dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, song bên cạnh đó, các ngân hàng Việt cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để cạnh tranh nếu muốn duy trì và phát triển vị thế tại sân nhà.

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên