Các đại gia Việt đầu tư ngành gì ở nước ngoài?
Trong quý I năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhiều nhất vào Lào, chiếm trên 53% tổng vốn đầu tư.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), trong quý I-2018, cả nước có 23 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 123,62 triệu USD, có 5 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm đạt gần 26 triệu USD.
Tính chung trong quý I-2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm 149,5 triệu USD.
Trong quý I-2018, lĩnh vực tài chính, ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105 triệu USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 19,9 triệu USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư.
Các dự án còn lại chủ yếu thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với 7 dự án, tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 8,5 triệu USD, chiếm 8% tổng vốn đầu tư. Một số ít dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ lưu trú và hoạt động chuyên mônkhoa học công nghệ, thông tin truyền thông, xây dựng và vận tải kho bãi.
Có 16 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong quý I năm 2018, trong đó dẫn đầu là các nước Lào (chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư), Campuchia (chiếm 17,3%), Cuba (chiếm 13,3%), Úc (chiếm 8%).
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam những năm qua cũng rất tích cực. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài hàng trăm triệu đến hơn tỉ USD như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai, Ngân hàng BIDV, Vietinbank...
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh