Các 'điểm nóng' bất động sản đều được kiểm soát chặt chẽ, Đà Nẵng và Khánh Hoà có xu hướng chững lại
Tại cuộc họp báo về giao dịch thị trường bất động sản diễn ra ngày 16/4, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định, hầu hết các khu vực trên cả nước, thị trường bất động sản đều sôi động và chủ đạo là dòng sản phẩm đất nền, giá cả tăng trưởng ổn định.
Mặc dù một số vùng xuất hiện dấu hiệu nóng bất thường, thậm chí có hiện tượng tung tin, đẩy giá tạo "bong bóng" bất động sản như tại khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng, Vân Đồn nhưng đều được kiểm soát chặt chẽ.
Khảo sát chung của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy những tháng đầu năm, thị trường bất động sản Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn có xu hướng tăng mạnh về tỷ lệ hấp thụ và lực cầu tại 2 khu vực này vẫn rất mạnh.
Theo Báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam thì thị trường bất động sản ở các khu vực đang phát triển tiếp tục phát triển ổn định và khá bền vững; xuất hiện một số thị trường bất động sản mới ở một số tỉnh phía Bắc và Miền Trung như: Cao Bằng, Bắc Cạn, Hòa Bình, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Thuận…
Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng dự báo một số địa phương đang có hiện tượng trì trệ trong phát triển thị trường bất động sản có thể ổn định và phát triển trở lại trong quý II. Nguồn cung từ các dự án bất động sản sẽ tăng mạnh so với quý I bởi việc phê duyệt, xử lý hồ sơ, thủ tục các dự án phát triển bất động sản mới từ các cơ quan quản lý nhà nước có dấu hiệu tích cực.
Nguồn cung chủ đạo tiếp tục là dòng sản phẩm căn hộ, trong đó chủ yếu là phân khúc bình dân và trung cấp. Lượng giao dịch cũng sẽ tăng mạnh so với quý I bởi nguồn cung dồi dào, phong phú từ các dự án ra hàng. Đặc biệt, giá bất động sản có thể tăng nhẹ ở mọi phân khúc.
Riêng với Hà Nội, trong quý I/2019, thị trường này đánh dấu sự giảm mạnh cả về nguồn cung và lượng giao dịch của thị trường, trong đó, lượng cung căn hộ chung cư chỉ đạt 31.5% so với quý IV/2018 và bằng 75.7% so với cùng kỳ năm 2018. Lượng giao dịch căn hộ chung cư chỉ đạt 30.4% so với quý IV/2018, và bằng 61.7% so với cùng kỳ năm 2018.
Thêm vào đó, tín dụng bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn do các chính sách mới được áp dụng từ tháng 1/2019, cùng với việc giá căn hộ chung cư ổn định, không tăng làm giảm các hoạt động đầu cơ của các nhà đầu tư thứ phát vào bất động sản căn hộ khiến lượng giao dịch giảm.
Còn tại thị trường TPHCM, từ cuối năm 2018 đến nay, việc đẩy mạnh việc rà soát lại quá trình giao đất, giao dự án đang làm giảm nguồn cung trên thị trường. Nguồn cung thấp dẫn đến lượng giao dịch của thị trường bất động sản giảm mạnh so với quý IV/2018.
Tuy nhiên, tỉ lệ hấp thụ sản phẩm dự án mới tương đối cao, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư trung cấp có tỉ lệ hấp thụ lên tới 89.7%, điều này cho thấy nhu cầu và sức mua của thị trường vẫn đang có lực mạnh.
Trong khi đó, giá bất động sản tại TPHCM tăng nhẹ ở hầu hết các phân khúc do sức cầu lớn. Theo ghi nhận từ các đơn vị phân phối: giá căn hộ chung cư tăng từ 5-7% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 2-3% so với quý IV/2018; giá đất nền tăng tăng từ 4-5% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 1-1.5% so với quý IV/2018.
Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Đính, thị trường Hà Nội và TPHCM mặc dù có sự sụt giảm về số lượng cung và giao dịch, nhưng có xu hướng tăng mạnh về tỉ lệ hấp thụ. Điều này cho thấy lực cầu tại 2 khu vực này vẫn rất mạnh. Giá bất động sản nhà ở tại đây có chiều hướng tăng nhẹ nhưng không sốt, xuất hiện một số điểm nóng về thị trường bất động sản nhà ở nhưng đều được kiểm soát. Vì vậy, thị trường sẽ không xuất hiện bong bóng bất động sản.
Song song đó, 2 thị trường tiềm năng và hấp dẫn là Khánh Hòa và Đà Nẵng lại có xu hướng chững lại do tâm lý e ngại của nhà đầu tư. Lý giải vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, trước đây, nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp phát triển bất động sản trong và ngoài nước nên đã tạo ra hệ thống hạ tầng đô thị chất lượng cao.
Hiện nay, tiềm năng đầu tư vào bất động sản nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng tại 2 địa phương biển này vẫn đang ở mức cao, còn sự chững lại chỉ là do khó khăn trước mắt về cơ chế, chính sách khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang một số tỉnh lân cận. Nếu Đà Nẵng và Khánh Hòa sớm điều chỉnh công tác quản lý và tiếp tục có chính sách thu hút hấp dẫn thì sẽ kéo được các nhà đầu tư quay trở lại.