Các doanh nghiệp chia cổ tức khủng làm ăn ra sao?
Một số công ty có tỉ lệ chia cổ tức cao tới 100%, bao gồm chi trả bằng tiền mặt và cổ phiếu.
Theo ghi nhận trên các sở giao dịch chứng khoán, năm 2023, có khoảng 750 doanh nghiệp chốt quyền chi trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu. Trong đó, phần lớn chi trả từ 10%-20% bằng tiền mặt.
Mức chi trả cổ tức 40%-70% là chủ yếu. Đặc biệt, có một số doanh nghiệp có mức chi cổ tức trên 100%.
Công ty CP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (mã chứng khoán CAP) là một trong những doanh nghiệp gây chú ý vì có hoạt động liên quan bán vàng mã. Công ty có doanh thu trung bình 2 tỉ đồng/ngày và giá cổ phiếu liên tục phá đỉnh mới - hiện vượt 100.000 đồng/cổ phiếu.
Công ty này công bố ngày 19-3 sẽ chốt danh sách chi trả cổ tức niên độ 2022 - 2023 với tỉ lệ 100%, trong đó chi trả 50% bằng tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu.
Trong niên độ tài chính 2022 - 2023 (từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), CAP đạt doanh thu 611 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 114 tỉ đồng. Trong các mảng kinh doanh, tinh bột sắn là mặt hàng mang lại doanh thu lớn nhất với 404 tỉ đồng. Mảng giấy đế và vàng mã lần lượt đem về 191 và 68 tỉ đồng.
Ông lớn ngành nhựa là Công ty CP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) năm 2023 công bố chi trả cổ tức 2 đợt với tỉ lệ 118% (gồm cả đợt cũ năm 2022).
Được biết, Công ty CP Nhựa Bình Minh được đại gia Thái Lan đầu tư với tỉ trọng lớn. Năm 2023, công ty đạt lợi nhuận tốt nhất lịch sử với doanh thu 5.156 tỉ đồng, lãi ròng 1.042 tỉ đồng - tăng 50% so với cùng kỳ năm trước đó.
Năm 2022, công ty này đã dành đến 99% lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức tiền mặt, tỉ lệ trả cổ tức lên đến 84%.
Trong ngành dược, Công ty CP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (mã chứng khoán PMC) cũng chia cổ tức khủng với tỉ lệ 156%, chia làm 5 đợt (3 đợt của năm 2023 và 2 đợt của năm 2022). Tuy nhiên, trên sàn HNX, mã chứng khoán PMC có thanh khoản thấp, rất ít giao dịch.
Công ty CP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic do nhà nước nắm giữ trên 43% tỉ lệ cổ phần. Tại Nghị quyết HĐQT năm 2024, công ty này thống nhất doanh thu cả năm chưa tới 500 tỉ đồng, lợi nhuận 91 tỉ đồng.
Một mã cổ phiếu khác cũng gây ngạc nhiên cho nhà đầu tư là FBC của Công ty CP Cơ khí Phổ Yên. Công ty có vốn điều lệ 37 tỉ đồng, hoạt động chủ yếu của công ty là chế tạo máy. Công ty này công bố chia cổ tức tỉ lệ 120% nhưng giá mỗi cổ phiếu chỉ 3.700 đồng.
Một số doanh nghiệp khác có thanh khoản khá cao, tỉ lệ chia cổ tức trên 50%. Ví dụ, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) chi trả cổ tức 70%; Công ty CP Thủy điện A Vương (mã AVC) chi trả 96%, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO (mã ICN) chi trả 95%, CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (mã DP3) chi trả 80%...
Người Lao động