MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các Doanh nghiệp gia đình Việt Nam tăng trưởng bất ngờ trong năm 2022

14-06-2023 - 19:25 PM | Doanh nghiệp

Các Doanh nghiệp gia đình Việt Nam tăng trưởng bất ngờ trong năm 2022

Theo PWC, các DNGĐ Việt Nam có kết quả tăng trưởng kinh doanh tốt trong năm 2022, với 53% doanh nghiệp báo cáo sự tăng trưởng về doanh số, trong đó 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ đạt được mức tăng trưởng hai con số.

PwC Việt Nam vừa công bố Báo cáo Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam năm 2023 về chuyển đổi để xây dựng niềm tin. Theo PwC, doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) không chỉ cần chuyển đổi để xây dựng niềm tin mà còn cần phải thể hiện các giá trị của mình thông qua những nỗ lực cụ thể và truyền đạt một cách rõ ràng với các bên liên quan.

So với kết quả khảo sát năm 2021, thời gian qua các DNGĐ Việt Nam có kết quả tăng trưởng kinh doanh tốt trong năm 2022, với 53% doanh nghiệp báo cáo sự tăng trưởng về doanh số, trong đó 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ đạt được mức tăng trưởng hai con số.

Tuy nhiên, các DNGĐ Việt Nam đang bắt đầu điều chỉnh tham vọng tăng trưởng của mình trong bối cảnh kinh tế có nhiều bất ổn. Chỉ khoảng 14% doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm tới, thấp hơn một nửa so với kết quả 33% trong cuộc khảo sát DNGĐ Việt Nam trước đây của PwC. Các DNGĐ Việt Nam cũng chọn ưu tiên cải thiện năng lực kỹ thuật số và tái tư duy hoạt động kinh doanh, cân nhắc việc thay đổi/điều chỉnh mô hình kinh doanh với ưu tiên hàng đầu là mở rộng sang các thị trường mới trong vòng hai năm tới.

Khảo sát của PwC cho thấy các DNGĐ Việt Nam, cũng giống như các DNGĐ trên toàn cầu và khu vực, đang phải đối mặt với sự thiếu hụt niềm tin. Cụ thể là, các DNGĐ đều đề cao sự tín nhiệm của khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư, nhưng họ cho rằng doanh nghiệp chưa hoàn toàn đạt được niềm tin từ các bên liên quan chủ chốt này. Rõ ràng các DNGĐ cần phải thu hẹp khoảng cách niềm tin giữa doanh nghiệp và các bên liên quan chính.

Khảo sát cho thấy bốn bên liên quan chủ chốt đảm bảo sự phát triển và thành công trong tương lai bao gồm: Khách hàng, nhà đầu tư, nhân viên và thành viên gia đình. Khách hàng (75%), nhân viên (61%) và nhà đầu tư (61%) là những đối tượng quan trọng nhất đối với DNGĐ để xây dựng niềm tin. Trong khi đó, niềm tin của các thành viên trong gia đình đang bị xem là ít quan trọng hơn (28%).

Nhìn nhận tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin từ khách hàng, các DNGĐ đã đặt sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu kinh doanh hàng đầu (86%). Mặc dù hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm được sản xuất bền vững, khảo sát cho thấy các DNGĐ Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và sự đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).

Theo PwC, khi được yêu cầu xếp hạng năm ưu tiên hàng đầu trong hai năm tới, chỉ 17% số người được hỏi chọn tăng cường trách nhiệm xã hội của tổ chức; 6% chọn cải thiện kết quả thực hiện liên quan đến tính đa dạng và hòa nhập; không ai chọn giảm phát thải carbon của tổ chức và hỗ trợ cộng đồng địa phương. Đây là lúc các DNGĐ Việt Nam cần nắm bắt cơ hội và chuyển trọng tâm, nguồn lực vào ESG cũng như cho khách hàng thấy hành động của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn ESG, Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo, PwC Việt Nam cho biết: “ Việc báo cáo các mục tiêu phi tài chính liên quan đến ESG có thể phức tạp. Tuy nhiên, các DNGĐ có thể bắt đầu từng bước nhỏ bằng cách tập trung vào các vấn đề ESG chính có liên quan đến ngành và các bên liên quan. Ví dụ, doanh nghiệp có thể chia sẻ về cách họ bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu, vốn là vấn đề mà người tiêu dùng đang rất quan tâm. Hoặc, DNGĐ có thể chia sẻ về các hoạt động trách nhiệm xã hội/từ thiện mà theo khảo sát của chúng tôi cho thấy, hiện có 72% DNGĐ đang thực hiện những hoạt động này.”

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên