MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các doanh nghiệp phục vụ “cõi âm” trên sàn chứng khoán đang làm ăn ra sao?

Trên sàn chứng khoán, số lượng doanh nghiệp hoạt động phục vụ "cõi âm" là không nhiều nhưng hoạt động kinh doanh đều khá hiệu quả.

Tại các quốc gia Đông Á nói chung, việc thờ cúng tổ tiên, thần linh hay những vấn đề liên quan tới "hậu sự" là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tâm linh mỗi người. Nhận ra nhu cầu lớn từ xã hội, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư vào các ngành nghề phục vụ nhu cầu tâm linh như sản xuất vàng mã hay đầu tư vào bất động sản "cõi âm".

Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm này là không quá nhiều. Trên sàn chứng khoán hiện chỉ lác đác một vài doanh nghiệp đang hoạt động hoặc bắt đầu đầu tư vào các sản phẩm phục vụ "cõi âm".

Phục vụ người "cõi âm", đạt doanh thu kỷ lục trăm tỷ trong năm 2017

Doanh nghiệp "nổi tiếng" trên sàn chứng khoán hoạt động trong lĩnh vực "cõi âm" phải kể tới CTCP Mai táng Hải Phòng (CPH). Theo tìm hiểu, CPH hiện đang quản lý, duy tu, chăm sóc các phần mộ tại 2 nghĩa trang Ninh Hải và nghĩa trang Phi Liệt tại Hải Phòng. Bên cạnh đó, CPH cũng sản xuất, kinh doanh dịch vụ các sản phẩm hàng hóa phục vụ việc tang như quan tài, tiểu quách, bình quách đựng tro cốt gốm sứ, sành, đồ khâm liệm, đồ tùy táng, đồ thờ cúng…

Những năm qua, hoạt động kinh doanh của CPH khá ổn định với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 cho biết CPH đạt doanh thu thuần 102 tỷ đồng – tăng 7% so với năm trước và đây cũng là con số cao nhất đạt được từ trước tới nay. Trung bình mỗi ngày, CPH đạt doanh thu gần 300 triệu đồng.

Lợi nhuận sau thuế CPH chỉ đạt 8,64 tỷ đồng – giảm 6% so với năm trước đó. Tuy nhiên, so với kế hoạch lãi sau thuế vỏn vẹn 3,12 tỷ đồng thì CPH đã hoàn thành vượt xa chỉ tiêu đề ra.

Các doanh nghiệp phục vụ “cõi âm” trên sàn chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh ổn định, CPH còn chi trả cổ tức bằng tiền mặt khá đều đặn. Riêng năm 2017 vừa qua, công ty đã thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới gần 17%.

Hiện tại, CPH có vốn điều lệ 44 tỷ đồng, tương đương 4,4 triệu cổ phiếu lưu hành. Trong đó, UBND Hải Phòng nắm giữ 2,84 triệu cổ phiếu (64,5%), các cổ đông lớn, nội bộ khác nắm giữ gần 900 nghìn cổ phiếu (20%) và lượng cổ phiếu trôi nổi chỉ còn rất ít.

Là một ngành kinh doanh khá "độc" trên sàn chứng khoán, tuy nhiên sau hơn 1 năm lên sàn Upcom, cổ phiếu CPH vẫn chưa có bất kỳ giao dịch nào do không có cổ đông nào bán ra dù từng nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư.

Ngoài CPH, hiện cũng có một số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đang bắt đầu đầu tư vào các dự án công viên nghĩa trang. Trong năm 2017, Vạn Phát Hưng (VPH) – một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bất ngờ mua 58% cổ phần của CTCP Dịch vụ Môi trường Đô thị Hòa Bình với lĩnh vực hoạt động chính là xây dựng công viên nghĩa trang và xử lý chất thải.

Trước đó, trong năm 2016, CTCP Đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam (FID) cũng tuyên bố sẽ đầu tư vào dự án công viên nghĩa trang Tịnh Độ Viên- Hòa Bình, nằm trên trục đường Láng Hòa Lạc, cách Hà Nội 40km.

Thu về gần nửa tỷ đồng mỗi ngày từ bán vàng mã

Bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công viên nghĩa trang, mai táng thì trên sàn chứng khoán còn có doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các loại vàng mã, giấy đế (giấy làm vàng mã), đó là CTCP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP).

Mặc dù tên gọi không có nhiều liên quan tới các sản phẩm vàng mã, tuy nhiên đây lại là mảng kinh doanh chủ lực, mang hơn một nửa doanh thu mỗi năm cho CAP bên cạnh các sản phẩm tinh dầu quế, tinh bột sắn…Trên TTCK Việt Nam, CAP cũng là doanh nghiệp duy nhất kinh doanh loại sản phẩm khá đặc thù này.

Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy doanh thu từ vàng mã, giấy đế (giấy làm vàng mã) thường chiếm trên 40% doanh thu toàn công ty. Riêng trong năm 2017, vàng mã, giấy đế đã mang về cho CAP 168 tỷ đồng doanh thu – tăng 9% so với năm trước đó và chiếm tới 62% doanh thu công ty.

Tính trung bình mỗi ngày, mảng kinh doanh này mang về bình quân cho CAP 460 triệu đồng. Những con số thống kê đã chỉ ra tầm ảnh hưởng của vàng mã tới hoạt động kinh doanh của CAP.

Các doanh nghiệp phục vụ “cõi âm” trên sàn chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Hiện tại, các sản phẩm vàng mã của CAP đều được sản xuất để phục vụ thị trường Đài Loan. Do đặc điểm, mẫu mã chất giấy vàng mã tại Đài Loan rất đặc biệt nên các sản phẩm này không thể tiêu thụ được trong nước. Trong khi đó, các sản phẩm giấy đế vẫn được tiêu thụ ổn định trong nước và đã được xuất khẩu trong khoảng 3 năm trở lại đây.

Trên sàn chứng khoán, CAP là một trong những doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn nhất với tỷ lệ thường từ 30 – 40% mỗi năm. Hiện tại, cổ phiếu CAP đang giao dịch quanh vùng giá 40.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt gần 185 tỷ đồng. 

Các doanh nghiệp phục vụ “cõi âm” trên sàn chứng khoán đang làm ăn ra sao? - Ảnh 3.

Biến động cổ phiếu CAP từ khi niêm yết tới nay

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên