MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các dự án 'cắt cỏ, tỉa cây' trăm tỷ đồng: Tiền ngân sách vào túi ai?

23-08-2016 - 08:13 AM | Bất động sản

Chỉ với việc dừng chi phí cắt cỏ, tỉa và trồng cây hoa cảnh, mỗi năm Hà Nội tiết kiệm được 700 tỷ đồng. Thực tế cho thấy việc kéo dài cơ chế “đặt hàng”, “xin-cho” đối với các doanh nghiệp Nhà nước cung cấp dịch vụ công ích, bộc lộ nhiều bất hợp lý.

Nhiều người trong cuộc cũng cho rằng, cần sớm chấm dứt tình trạng này để ngăn chặn thất thoát, lãng phí.

Chia 4.000 tỷ đồng cho “chiếc bánh” công ích

Mỗi năm Hà Nội dành khoảng 4.000 tỷ đồng ngân sách chi cho “chiếc bánh” công ích với việc thu gom vận chuyển rác thải, duy trì công viên, cây xanh, thoát nước và xử lý nước thải đô thị... Trong đó 2.000 tỷ đồng thuộc ngân sách thành phố, phần còn lại do ngân sách quận, huyện chi theo phân cấp. Điều đáng nói, phần lớn khoản chi này đều theo phương thức đặt hàng mà không qua đấu thầu, chào giá cạnh tranh nên bộc lộ nhiều bất hợp lý.

Đơn cử, việc thực hiện công tác duy tu cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa lâu nay đều thực hiện theo đơn giá, định mức thành phố quy định. Cụ thể, theo Quyết định 510 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt đơn giá thanh toán sản phẩm dịch vụ công ích đô thị năm 2015 (được ban hành ngày 30/1/2015), là cơ sở để lập, phê duyệt dự toán, thanh quyết toán các gói thầu, đặt hàng dịch vụ công ích đô thị trên địa bàn thì chỉ riêng lĩnh vực duy trì công viên, cây xanh đã có 431 mã đơn giá.

Trong đó, chỉ với việc trồng, xén và duy trì thảm cỏ có 32 mục khác nhau được kê khai để thanh toán như: phí duy trì thảm cỏ công viên, máy bơm xăng, phí xén cỏ mùa khô, mùa mưa, phí trồng cỏ, phun thuốc phòng sâu bệnh, vệ sinh thảm cỏ... Hay chỉ việc xén lề cỏ (chặn cỏ vỉa) cũng đã có tới 4 mục khác nhau.

Trong báo cáo mới đây gửi HĐND thành phố, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, qua rà soát theo hướng tăng cường cơ giới hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, mã đơn giá cho công việc duy trì công viên cây xanh giảm được 386 mã, chỉ còn 63 mã. Thành phố cũng giảm 40% kinh phí đặt hàng thường xuyên lĩnh vực duy trì công viên, cây xanh. “Hà Nội sẽ hoàn chỉnh hệ thống quy trình, định mức đơn giá để đặt hàng, đấu thầu duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn thành phố từ 1/1/2017”, Báo cáo về giải pháp hạn chế bất cập trong quản lý cây xanh cho biết.

Một cán bộ Sở giám sát 600 công nhân

Nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội ông Lê Văn Hoạt cho rằng, công tác quản lý dịch vụ công ích lâu nay còn nhiều bất cập, đặc biệt cơ chế xin-cho, đặt hàng thay vì đấu thầu công khai. Theo ông Hoạt, chủ trương là khuyến khích đấu thầu, chào giá cạnh tranh và chỉ đặt hàng ở những nơi không thể thực hiện đấu thầu được.

Tuy nhiên, phương thức đặt hàng vẫn là chủ yếu, hầu hết kinh phí ngân sách hàng năm đều đang thực hiện theo phương thức đặt hàng. “Doanh nghiệp công ích không phải là cơ quan quản lý nhưng hàng năm họ được thành phố đặt hàng trên cơ sở kê khai số lượng của họ, thậm chí có doanh nghiệp công ích vừa làm chủ đầu tư vừa thực hiện dự án.

Những bất cập này, trước đây HĐND thành phố đã đề nghị sớm đổi mới phương thức quản lý theo hướng thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch để hạn chế những bất cập, thậm chí chuyện thỏa thuận ăn chia, khai khống số lượng. Ngay cả đặt hàng, đấu thầu thì cũng cần xác định rõ đơn giá”, ông Hoạt nói.

Ông Hoạt dẫn chứng, kết quả giám sát của HĐND thành phố tháng 6/2014 cho thấy, việc đấu thầu duy trì vệ sinh môi trường 2 đoạn thuộc tuyến đường vành đai 3 trên cao đã khiến nhiều người giật mình khi giảm được tới 31,8% chi phí so với đơn giá định mức của thành phố. Hay cùng thực hiện xử lý nước thải nhưng mỗi trạm xử lý có chi phí xử lý đối với 1 đơn vị nước thải khác nhau rất lớn.

Điều đáng nói, việc đặt hàng, ký hợp đồng, kiểm soát, nghiệm thu, thanh toán theo quy trình, định mức, đơn giá của thành phố thực chất mới chỉ kiểm soát được khối lượng, chất lượng các sản phẩm trung gian mà chưa quan tâm đến khối lượng, chất lượng sản phẩm thực tế cuối cùng. “Kết quả giám sát cho thấy việc giám sát, nghiệm thu đối với doanh nghiệp trong thực hiện quy trình, định mức của thành phố mang tính hình thức, do khối lượng công việc quá lớn, rất dễ phát sinh tiêu cực.

Điển hình như Sở Xây dựng phân công 1 cán bộ giám sát, nghiệm thu công việc của 600 công nhân quét, rửa đường và thu gom rác trên địa bàn 1 quận. Điều này cho thấy có quá nhiều bất cập khi tiền ngân sách chi rất lớn nhưng hiệu quả công việc không cao, thành phố vẫn lem nhem”, ông Hoạt phân tích.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội cho biết, tới đây Hà Nội đưa ra giải pháp khắc phục ngay trong giai đoạn 2016-2020, trong đó giải pháp đầu tiên là phân cấp quản lý. Chẳng hạn, thành phố sẽ quản lý, trồng mới, duy tu, chăm sóc toàn bộ cây xanh trên toàn bộ các tuyến đường cao tốc, các đường xuyên tâm, các trục lộ chính đi qua địa bàn hai quận huyện trở lên. Hay việc thành phố sẽ quản lý, trồng mới, duy tu toàn bộ vườn hoa, công viên lớn theo danh mục quản lý. Còn các huyện sẽ quản lý, duy tu cây xanh ở những tuyến đường có danh mục cụ thể mà thành phố giao.

Cần thanh tra toàn diện chi phí “khủng” cho dịch vụ công ích

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị An đại biểu Quốc hội khoá XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, thông tin số tiền “khủng” bỏ ra hàng năm cho việc cắt cỏ trên Đại lộ Thăng Long vừa qua được lãnh đạo thành phố Hà Nội tiết lộ đã làm cho nhiều người sửng sốt. “Chỉ 24 km đã chi tới 53 tỷ đồng, nghĩa là 1 km chi phí hơn 2 tỷ đồng mỗi năm. Tôi không thể tưởng tượng được, con số này đúng là rất kỳ lạ. Thành phố nào cũng cần có thẩm mỹ, nhưng phải làm thế nào để vừa sạch đẹp nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm”, bà An nói.

Theo bà An, Hà Nội cần xem cách thức quản lý của các thành phố khác như thế nào để quản lý tốt hơn. Cụ thể, bà An đề nghị xem lại toàn bộ, nếu có sự chênh lệch phải thanh, kiểm tra cho rõ ràng, bởi đây cũng là tiền thu từ thuế của nhân dân. Cần phải thanh tra làm rõ để tiền ngân sách không bị rơi vào túi ai đó.

Theo bà An, với một tỉnh nghèo, tổng thu ngân sách mỗi năm chỉ khoảng 800 tỷ đồng, trong khi Hà Nội chi phí mỗi năm tới 4.000 tỷ đồng cho các dịch vụ công ích như cắt cỏ, tỉa cây, thoát nước, vệ sinh môi trường đô thị… là quá lớn.

Theo Tú-Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên