MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các dự án LNG “rục rịch” trở lại: Công suất khủng, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ USD

Chỉ chưa đầy một tháng, Việt Nam ghi nhận loạt động thái mới từ các dự án điện khí LNG quy mô từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD.

Sáng 30/10 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết và triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đối tác từ Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản), Tập đoàn MOECO (Nhật Bản) và Tập đoàn PTTEP (Thái Lan), sau 20 năm đàm phán và chuẩn bị đầu tư.

Hiện tại, đây là chuỗi dự án khí điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư “khủng” gần 12 tỷ USD.

Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW. Đây là dự án trọng điểm của Nhà nước, dự tính mang lại nguồn thu khoảng 30 tỷ USD cho Nhà nước và khoảng 11 tỷ USD cho các đối tác.

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn có tầm quan trọng chiến lược trong cân đối cung cầu năng lượng giai đoạn sau năm 2025 của khu vực miền Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Đây là dự án trọng điểm của Nhà nước, dự tính mang lại nguồn thu khoảng 30 tỷ USD cho Nhà nước và khoảng 11 tỷ USD cho các đối tác.

Trước đó 1 ngày, Kho cảng Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải - kho LNG đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam đã chính thức khánh thành.

Theo đó, dự án quy mô hơn 6.500 tỷ đồng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mở đường đưa sản phẩm khí thiên nhiên hóa lỏng LNG nhập khẩu với quy mô lớn nhất - 1 triệu tấn có mặt tại thị trường Việt Nam. Nhờ đó, kho LNG này đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu, chính thức trở thành quốc gia tham gia vào "Chuỗi giá trị LNG", tham gia vào hoạt động kinh doanh, xuất – nhập khẩu LNG và đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Các dự án LNG “rục rịch” trở lại: Công suất khủng, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ USD - Ảnh 1.

Hệ thống công trình kho cảng LNG lớn nhất Việt Nam. (Ảnh: PV Gas).

Mới đây, ngày 16/10, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định cũng phát đi thông báo rằng Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) vừa có buổi làm việc với lãnh đạo địa phương để tìm hiểu cơ hội đầu tư trung tâm điện khí LNG và kho cảng LNG đầu mối khu vực phía Bắc .

Cụ thể, Gulf đề xuất việc hợp tác hoặc Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) – chủ đầu tư Nhiệt điện Nam Định 1 hiện tại “chuyển nhượng” lại cho Gulf, công năng nhà máy sẽ theo hướng từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí LNG quy mô 100 ha. Ngoài ra, Gulf đề xuất khảo sát, đầu tư thêm một dự án điện khí LNG số 2, thiết lập 1 Trung tâm năng lượng điện khí LNG; đồng thời đầu tư 1 kho cảng LNG đầu mối khu vực phía Bắc.

Cuối buổi họp, tỉnh Nam Định đánh giá rằng việc “hợp tác hay chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí của chắc chắn sẽ thành công”.

Khu vực miền Trung, cuối tháng 10, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đề nghị xem xét, đồng ý cho phép Hà Tĩnh triển khai lập dự án đầu tư đối với nhà máy điện khí LNG Vũng Áng III thay thế Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng III . Công suất trước năm 2030 là 1.500 MW và công suất sau năm 2030 là 3.000 MW.

Đáng chú ý, dự án này từng được nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Hoành Sơn, Điện khí Siemens và Samsung C&T quan tâm, đề xuất khảo sát, nghiên cứu đầu tư.

Trong một diễn biến liên quan, dù không phải là dự án mới, nhưng Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai đã có cập nhật bổ sung về tiến độ. Đây là dự án nhiệt điện sở sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, thuộc nhóm quan trọng quốc gia.

Dự án do Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, trị giá 1,4 tỷ USD với công suất 1.500MW đã được thi công lắp ráp máy phát và tua-bin khí, đảm bảo tiến độ phát điện thương mại Nhơn Trạch 3 vào quý 4/2024 và Nhơn Trạch 4 vào quý 2/2025.

Hay trước đó vào tháng 6, trong cuộc họp với các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng LNG trong Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã đốc thúc tiến độ 13 dự án điện khí LNG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện.

“Tiềm năng là vô tận, nhưng dự án phải cụ thể”

Điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có ưu điểm linh hoạt, có thể thay đổi khi cần, lượng phát thải carbon ít hơn một nửa (50%) so với nhiệt điện than.

Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định đến 2030, nguồn nhiệt điện khí (nhiệt điện LNG chiếm 14,9%) chiếm tỷ trọng khoảng trên 24% tổng công suất toàn hệ thống phát điện và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hồi tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, LNG được coi là một giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đầy tiềm năng, đồng thời giúp huy động và thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nêu trong cuộc họp có sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, xác định Việt Nam sẽ phát triển ngành công nghiệp năng lượng độc lập, tự chủ; hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới; phấn đấu đến năm 2030 hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch.

"Tiềm năng các nguồn năng lượng là vô tận nhưng dự án phải cụ thể. Chúng ta cần có chính sách phù hợp về năng lượng khi các nguồn năng lượng truyền thống đã bắt đầu cạn kiệt, nhiều quốc gia đang tích cực chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý.

Nhật Minh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên