Các dự án năng lượng 'khủng' tại Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai ra sao?
Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, vốn đăng ký đầu tư lên đến hơn 1,3 tỷ USD được trao chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2021 nhưng đến nay vẫn chưa xong thủ tục đầu tư. Ảnh PK
Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhiều nhà máy nhiệt điện quy mô lớn đã được đưa vào quy hoạch, triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tuy nhiên điều đáng lo ngại là các dự án này đều chậm tiến độ so với kế hoạch, vì sao?
- 09-10-20225 mặt hàng có tốc độ tăng giá trị xuất khẩu lớn nhất 9 tháng đầu năm 2022
- 07-10-2022Một tỉnh lần đầu tiên lọt top 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước trong 9 tháng đầu năm
- 06-10-2022Xuất khẩu Việt Nam cao hơn Malaysia, Thái Lan, Indonesia
Nhiều dự án chưa hẹn ngày "về đích"
Đầu năm 2011, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã khởi công xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, tại xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, tổng công suất 1.200MW. Long Phú 1 là nhà máy điện đốt than nằm trong Trung tâm Điện lực Long Phú thuộc Qui hoạch điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với quy mô công suất khoảng 4.400MW, bao gồm 3 dự án nhà máy nhiệt điện (Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1; Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2, công suất 1.200 MW; Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 3, công suất 2.000 MW) cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật phụ trợ dùng chung khác.
Theo kế hoạch, nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 sẽ vận hành thương mại tổ máy đầu tiên vào năm 2014 và hoàn thành vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, do dự án chậm triển khai nên được Chính phủ đưa vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) với kế hoạch vận hành thương mại tổ máy 1 năm 2018, tổ máy 2 năm 2019. Nhưng thực tế hiện nay theo báo cáo của Bộ Công thương thì vẫn chưa thể xác định được cụ thể thời gian đưa tổ máy số 1 đi vào vận hành. Lý do là Tổng thầu Power Machines (PM - Nga) đang bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách cấm vận, do vậy công trình đã dừng thi công từ nhiều tháng nay. Hiện tại, các hoạt động trên công trường chỉ là công tác bảo quản, bảo dưỡng vật tư thiết bị đã được vận chuyển về và đã lắp đặt vào vị trí.
Vào đầu năm 2021, UBND TP.Cần Thơ đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, với công suất thiết kế 1.050MW, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,3 tỷ USD. Đây là dự án FDI "khủng" nhất từ trước đến nay của địa phương này, dự án có tổng vốn đăng ký chiếm đến 65% tổng vốn FDI đăng ký tại địa phương.
Trao đổi với Nhadautu.vn về tiến độ thực hiện dự án này, ông Trương Quốc Trạng, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 việc hoàn tất các thủ tục đầu tư bị gián đoạn. Hiện nay đơn vị chủ đầu tư đang xúc tiến hoàn thành các thủ tục đầu tư để tiến đến khởi công dự án này vào năm 2023.
Theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 sẽ hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2024 - 2025, bảo đảm phù hợp với tiến độ chung của Chuỗi dự án khí - điện Lô B. Với việc chậm trễ trong triển khai dự án, nhiều khả năng dự án này không thể hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết.
Cũng vào đầu năm 2021, UBND tỉnh Long An đã trao Giấy Chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy Điện LNG Long An I và II với công suất 3.000 MW, cho Công ty VINACAPITAL GS ENERGY PTE. LTD thực hiện đầu tư tại Khu dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á thuộc Dự án Cảng Quốc tế Long An.
Theo cam kết của nhà đầu tư, Dự án nhà máy điện Long An I sẽ đi vào vận hành vào tháng 12/2025, nhà máy điện Long An II vận hành vào tháng 12/2026. Tuy nhiên, cho đến nay dự án này vẫn chưa thực hiện xong thủ tục về đầu tư.
Tương tự như vậy, Dự án nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu, công suất 3.200 MW được trao giấy chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2020.Theo cam kết của nhà đầu tư dự án này sẽ được khởi công xây dựng trong quý II/2022 để đến năm 2024 đưa tổ máy số 1 đi vào hoạt động, tuy nhiên đến thời điểm này dự án vẫn chưa thể khởi công xây dựng vì còn nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Các dự án nhiệt điện khí LNG Long An và Bạc Liêu được điều chỉnh từ công nghệ đốt than sang đốt bằng khí LNG. 4 dự án nhiệt điện: Ô Môn II, Long Phú, Long An, Bạc Liêu là những dự án có quy mô lớn và đã được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) và dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Khi các nhà máy này đi vào vận hành thì có khả năng cung cấp trên 40 tỷ kWh điện mỗi năm, đóng góp tỷ trọng lớn nguồn phát điện quốc gia. Do đó việc chậm trễ trong triển khai các dự án điện quy mô lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng trong giai đoạn tới.
Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp đa mục tiêu. Ảnh Trọng Nghĩa
Tận dụng của "trời cho" để giải quyết bài toán thiếu năng lượng
Thông báo số 277/TB-VPCP, ngày 6/9/2022 của Thường trực Chính phủ về kết luận tại cuộc họp Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì nêu rõ: sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo về các nội dung chính sách của Quy hoạch điện VIII và các nội dung xin ý kiến Thường trực Chính phủ, ý kiến của các đại biểu tham gia cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã kết luận:
Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phê duyệt và phải bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xuyên suốt về một số nguyên tắc, quan điểm chủ đạo trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, cụ thể: Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; không được vì lợi ích cục bộ của địa phương, vùng, miền hay lợi ích nhóm mà có tác động ảnh hưởng đến tính khách quan, khoa học, hiệu quả và tối ưu của quy hoạch;
Bám sát chủ trương, định hướng theo Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quy hoạch điện VIII phải hướng đến các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết quốc tế của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh COP26.
Để đạt mục tiêu trên, Quy hoạch điện VIII cần xem xét quy hoạch tối ưu tổng thể và cho 5 khâu cụ thể trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm: nguồn điện; truyền tải điện; phân phối điện; sử dụng hiệu quả điện; giá điện. Phải đảm bảo quy hoạch tối ưu nhất, hướng tới cân bằng nội vùng cao nhất, giảm truyền tải điện xa, giảm tổn thất điện năng, nhất là giải pháp góp phần tính giá điện hợp lý nhất, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và theo cơ chế thị trường.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, việc quy hoạch phải có tính khả thi đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống, giá điện phải hợp lý với điều kiện Việt Nam, không cao hơn các nước trong khu vực, nhất là điện gió, điện mặt trời.
Thủ tướng cũng đồng thời yêu cầu Quy hoạch điện VIII phải giải quyết được bất cập trong Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, có tính kế thừa nhưng không hợp thức hóa cái sai.
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu tiếp thu ý kiến đóng góp trong cuộc họp, chủ trì phối hợp với các cơ quan ban ngành hoàn thiện Quy hoạch điện VIII. Trong đó, tập trung thực hiện các nội dung, gồm: Tiếp tục rà soát theo hướng giảm quy hoạch nguồn điện than đến năm 2030. Rà soát tiến độ khả thi các dự án nhiệt điện sử dụng khí trong nước, tính toán giảm quy mô công suất nguồn điện khí LNG nhập khẩu đến năm 2030 và tăng nguồn điện gió với quy mô phù hợp khả thi.
Về quy hoạch điện mặt trời trong giai đoạn đến năm 2030 cần tiếp tục rà soát để đảm bảo hiệu quả kinh tế chung, tránh gây thiệt hại kinh tế, nhất là việc tính giá điện chưa hợp lý, đồng thời không hợp thức hóa cái sai;
Nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động nguồn điện mặt trời áp mái với mục đích tự sử dụng không bán vào hệ thống điện quốc gia.Tính toán thêm về quy mô nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, nhất là từ Lào; nâng quy mô phát triển nguồn điện sinh khối, hydrogen linh hoạt.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu định hướng cơ chế chính sách cần thiết đảm bảo quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi trong quy hoạch; xây dựng quy hoạch phải có tính tổng thể, toàn diện lâu dài để quá trình thực hiện quy hoạch vừa có tính chủ động, vừa có tính linh hoạt, ít phải điều chỉnh;…
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII dự kiến tới năm 2030, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam khoảng 144.000 MW, trong đó, nhiệt điện than chiếm khoảng 31%, nhiệt điện khí (tính cả LNG) chiếm khoảng 22%, thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chiếm khoảng 20%; nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, điện sinh khối…) chiếm 24-26%, nhập khẩu điện chiếm 3 - 4%.
Đến năm 2045 tổng công suất đặt của nguồn phát điện tăng gấp đôi, trong đó, nhiệt điện than chỉ còn chiếm tỷ lệ dưới 20%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) chiếm 20 - 21%; thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chiếm khoảng 10%; nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) chiếm tỷ lệ 26 - 28%; nhập khẩu điện khoảng 3,1%. Như vậy, theo quy hoạch điện VIII thì nhiệt điện than đã bị cắt giảm mạnh từ mức 29% năm 2020 về dưới 20%, năm 2045. Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo được điều chỉnh tăng đều hàng năm. Đây là sự khác biệt giữa Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).
Nhà đầu tư