Các hãng bán lẻ trực tuyến "bội thu" trong mùa dịch Covid-19
Trái với bức tranh ảm đạm của các trung tâm thương mại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu của các hãng bán lẻ trực tuyến lại bật tăng mạnh.
- 24-04-2020Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong: Hậu Covid-19, Việt Nam sẽ thực sự "lột xác" nếu biết tận dụng lợi thế
- 23-04-2020Điều kiện nào để người mất việc do dịch COVID-19 được hỗ trợ tiền?
- 23-04-2020Hình ảnh trực quan cho thấy ô nhiễm không khí giảm mạnh nhờ giãn cách xã hội, song hình ảnh ở Trung Quốc lại thể hiện một hiểm họa tiềm tàng "hậu COVID-19"
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát buộc nhiều quốc gia phải phong tỏa hoạt động đi lại và thực hiện giãn cách xã hội, mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các hãng bán lẻ trực tuyến trên thế giới có bước tăng trưởng ngoạn mục, doanh thu cao vút, không ngừng tuyển thêm nhân viên để phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của người tiêu dùng.
Các nhà bán lẻ đình đám như Amazon, Walmart, Alibaba đang phát huy tốt sự hiện diện của mình trên mảng trực tuyến cũng như các cửa hàng tiện lợi nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao khi người tiêu dùng đang phải hạn chế ra ngoài để phòng dịch bệnh.
Công nhân phân loại và đóng gói hàng hóa tại kho hàng của Amazon. (Ảnh: AFP)
Các đây ít hôm, Amazon đưa ra thông báo sẽ thuê thêm 100.000 nhân viên nhằm đáp ứng với nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân. "Gã khổng lồ" này cũng cho biết sẽ tuyển dụng những người có công việc bị ảnh hưởng hoặc xáo trộn bởi dịch bệnh, như trong các ngành khách sạn, nhà hàng, du lịch...Tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới - Amazon phải tạm ngừng nhận các đơn đặt hàng nhu yếu phẩm mới nhằm ưu tiên xử lý các đơn hàng sẵn có khi lượng mua hàng trực tuyến tăng đột biến trong mùa dịch Covid-19.
Ông chủ Amazon - Jeff Bezos đã thu về thêm 24 tỷ USD trong mùa dịch Covid-19, làm gia tăng 20% tài sản của tỷ phú này trong 4 tháng gần đây.
Theo thống kê của tạp chí uy tín Forbes, tỷ phú Jeff Bezos hiện vẫn giữ vững vị trí giàu nhất hành tinh trong 3 năm liên tiếp, với khối tài sản ước tính trị giá 113 tỷ USD.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm và đồ gia dụng thiết yếu tăng vọt trong mùa dịch Covid-19, hãng bán lẻ Walmart cũng vừa thông báo sẽ tuyển dụng thêm 50.000 nhân viên làm việc tại các cửa hàng, câu lạc bộ và trung tâm phân phối.
Trước đó, nhà bán lẻ này đã nhanh chóng tuyển được 150.000 nhân viên sớm hơn kế hoạch đến 6 tuần. Trung bình mỗi ngày Walmart tiếp nhận thêm 5.000 người, trong đó 85% số nhân viên này được giao việc bán thời gian hoặc làm thời vụ.
Tại Việt Nam, các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo, SpeedLotte,… ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng gấp mấy lần so với trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Các đơn vị vận chuyển cũng nhanh chóng ra mắt dịch vụ đi siêu thị giúp người tiêu dùng. Đây là những động thái thích ứng rất nhanh với thị trường từ phía các đơn vị bán lẻ.
Giới chuyên gia cho rằng, sau khi tình hình dịch Covid-19 ổn định, các nhà bán lẻ ở Việt Nam sẽ tập trung phát triển mô hình bán lẻ đa kênh linh hoạt và vững chắc hơn so với trước khi có dịch bệnh. Bởi lẽ, trong môi trường mới kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra, xu hướng mua sắm có nhiều thay đổi và việc bán hàng đa kênh cho thấy sức tăng trưởng tốt.
Mặc dù vậy, việc đầu tư vào bán lẻ đa kênh được cho là "cuộc chơi" khá tốn kém không phải nhà bán lẻ nào cũng tham gia phát triển tốt, nhất là với những doanh nghiệp nội địa quy mô vừa và nhỏ./.
VOV