Các hãng đã làm như thế nào để giao hàng hỏa tốc trong ngày Black Friday?
Cầm trên tay sản phẩm chỉ sau 2 tiếng kể từ khi đặt hàng. Thời gian còn có thể ngắn hơn nếu đó là đồ ăn, thức uống. Đây là những trải nghiệm thú vị mà nhiều đơn vị thương mại điện tử cung cấp tới khách hàng. Dù trong ngày người người đổ đi mua sắm như Black Friday, hàng hóa vẫn được chuyển tận tay đúng thời gian cam kết, ít khi trễ hẹn.
- 24-11-2017CEO WeFit: Học tập hình mẫu đã thành công ở nước ngoài và áp dụng một cách khéo léo là có thể startup ở Việt Nam
- 23-11-2017Câu chuyện bó đũa và giấc mơ của một startup Việt muốn liên kết các hãng taxi đối đầu với Uber, Grab
- 19-11-2017Chuyên gia khởi nghiệp Israel: Startup không thành công, chúng tôi cấp tiền để họ thử lại lần nữa, đến khi thành công mới thôi
Không phải mọi đơn hàng đều được vận chuyển bằng lực lượng của công ty thương mại điện tử. Thuê dịch vụ của bên thứ ba như Viettel Post, VNPost, Giaohangnhanh là cách các hãng thương mại điện tử đang làm. Những người bán hàng nhỏ lẻ trên facebook có thể còn sử dụng dịch vụ GrabExpress và UberDELIVER để sản phẩm của họ được nhanh chóng chuyển đến khách hàng.
Nguyễn Trường, CEO AhaMove (công ty con của Scommerce – đơn vị cũng sở hữu Giao Hàng Nhanh) cho biết, việc giao hàng hỏa tốc trong 2 tiếng là kết quả của quy trình vận hành hệ thống “mượt mà”, ít ai thấy được. Trong đó, hãng vận chuyển là một phần trong hệ sinh thái.
Trước khi tới tay khách hàng, hàng hóa được đưa đến trung tâm lưu trữ lớn của công ty vận chuyển. Tại đây, các nhân viên sẽ phân loại và chuyển hàng hóa đến kho địa phương. Từ kho nhỏ này, hàng hóa được giao tới khách hàng. Đây là mô hình truyền thống và thường cần tới hơn 1 ngày mới có thể đến tay người tiêu dùng.
Để giao hàng trong 2 tiếng, mô hình trên được thay đổi thành “point to point”. Theo đó, đơn vị vận chuyển sẽ nhận hàng tại nơi gần khách hàng nhất và giao ngay tới họ. Thời gian giao hàng được rút ngắn hơn nhờ giảm được các bước trung gian và quãng đường vận chuyển.
Về phía những hãng thương mại điện tử, dự báo và quản lý tồn kho tốt là chìa khóa bảo đảm hàng hóa luôn sẵn có để phục vụ nhu cầu khách hàng. Dựa trên lịch sử giao dịch và dự báo cho mùa mua sắm, đơn vị thương mại phải chuẩn bị trước một lượng hàng tại các kho để công ty vận chuyển tới nhận. Chính năng lực dự trữ hàng hóa đã khiến việc giao hàng trong 2 tiếng chỉ có thể áp dụng với lượng sản phẩm giới hạn. Các website thương mại điện tử cũng thường gắn ký hiệu riêng đối với những sản phẩm họ đã chuẩn bị trước và có thể giao hàng trong 2 tiếng.
Một kho hàng của Tiki
CEO AhaMove cho rằng, mô hình giao hàng trong 2 tiếng được một số đơn vị triển khai tại Việt Nam có nhiều nét tương đồng với dịch vụ Amazon Prime Now tại Hoa Kỳ. Những sản phẩm có thể giao nhanh được Amazon tổng hợp trong một website riêng để người tiêu dùng tiện đặt hàng.
“Hồi là sinh viên bên Mỹ, đa phần tôi phải nhận hàng sau 2 ngày. Nhưng đến giờ (năm 2017), việc giao hàng chủ yếu diễn ra trong 2 tiếng. Đằng sau đó là rất nhiều sự thay đổi về mặt công nghệ. Họ cũng xây dựng khu trung tâm phân phối đơn hàng ở những nơi có dụng lượng thị trường đủ lớn, kết hợp với các thương hiệu bán lẻ và xây dựng một mô hình mới mang tên “Amazon Flex” nhằm tận dụng nguồn lao động tự do để giao hàng ở khắp mọi nơi tại địa phương” – Nguyễn Trường nói.
Nguyễn Trường khẳng định, AhaMove là kết quả của quá trình học tập mô hình Amazon Flex. Những lái xe nhàn rỗi sẽ di chuyển đến kho khi được ứng dụng di động thông báo. Từ đây, họ nhận hàng và trao tận tay khách hàng. Việc sử dụng nguồn lực bị lãng phí cũng giúp giảm chi phí vận chuyển.
Tất nhiên, Amazon còn có cách khiến thời gian vận chuyển được rút ngắn hơn nữa, khi hãng kết hợp với các thương hiệu bán lẻ. Chỉ sau chục phút đi bộ, nhân viên giao hàng đã có thể chuyển tới khách món đồ họ vừa đặt. Trước đó, hàng hóa nằm tại các cửa hàng tiện lợi, thuộc mạng lưới của Amazon. Vô số những cửa hàng trong mạng lưới của Amazon đã trở thành “kho địa phương” của hãng, giúp việc giao hàng trở nên nhanh chóng.
Chính sự liên kết chặt sẽ giữa mô hình offline và online đã khiến trải nghiệm khách hàng trở nên tốt hơn bao giờ hết. Hệ thống phân phối rộng lớn trở thành lợi thế cạnh tranh của những hãng bán lẻ khi so sánh với Amazon. Họ cũng ra mắt website, ứng dụng di động để khách hàng chọn mua đồ và giao chúng đến trong tích tắc.
Lái xe nhàn rỗi chuyển hàng cho Amazon
Tại Việt Nam, Tiki là đơn vị thương mại điện tử đầu tiên cung cấp dịch vụ giao hàng trong 2 tiếng, có tên gọi Tiki Now. Hệ thống siêu thị Vinmart đã nhận đặt hàng trên sàn thương mại điện tử Adayroi (thuộc Tập đoàn VinGroup). Với mạng lưới siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện ích Vinmart+ trên cả nước, Adayroi có nhiều lợi thế trong việc triển khai dịch vụ giao hàng hỏa tốc trong tương lai. Thị trường vận chuyển cũng đã có GrabExpress, UberDELIVER hay AhaMove.
Cuộc cạnh tranh giữa những nhà bán lẻ với doanh nghiệp thương mại điện tử chắc hẳn sẽ tiếp tục tăng nhiệt. Và, giao hàng hỏa tốc trong ngày Black Friday chỉ mới là sự khởi đầu.