Các hãng đồng hồ lớn của Thụy Sĩ vất vả tìm cách bảo vệ danh tiếng
Chất lượng của đồng hồ Thụy Sĩ là điều không phải bàn song dù chiếc đồng hồ đẳng cấp thế nào thì vẫn cần bảo dưỡng và bảo hành khi hỏng hóc. Nhưng hiện nay, khách hàng sở hữu những chiếc đồng hồ đắt tiền của Thụy Sĩ sẽ gặp khó hơn trong việc bảo hành khi một số hãng đồng hồ lớn của Thụy Sĩ áp đặt chính sách mới nhằm giữ danh tiếng của mình.
- 27-04-2017Đồng 50 Franc của Thụy Sĩ đạt giải đồng tiền của năm
- 28-03-2017Đồng hồ Thụy Sĩ và cuộc chiến chống hàng nhái tinh vi tại Trung Quốc
- 25-03-2017Đằng sau thương hiệu đồng hồ đẳng cấp bậc nhất thế giới của Thụy Sĩ
Một phóng sự của trang Swissinfo cho biết sửa những lỗi nhỏ có thể trở nên rất đắt đỏ hoặc mất thời gian do nhiều chuyên gia sửa chữa đồng hồ không nhận làm dịch vụ này cho các hãng sản xuất nữa.
Lời chỉ trích từ giới chuyên môn
Liên đoàn những người sửa đồng hồ châu Âu vài năm trước đã đệ đơn kiện một số hãng đồng hồ hạng sang của Thụy Sĩ vì không cung cấp những bộ phận sửa chữa dự trữ cho những thợ sửa đồng hồ độc lập. Liên đoàn này phàn nàn các hãng đồng hồ Thụy Sĩ đã lạm dụng vị thế thống trị thị trường để đưa ra chính sách này. Vụ việc đã buộc Ủy ban châu Âu (EC) phải tiến hành một cuộc điều tra kéo dài.
Tuy nhiên, tới năm 2014, EC đã ngừng các cuộc điều tra và cho rằng hệ thống phân phối trong ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ giữa các hãng là rất khác nhau. Do đó, rất khó để chứng minh có sự vi phạm luật chống độc quyền.
Nếu chiếc Mercedes của bạn bị hỏng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, bạn sẽ không cần phải gửi xe về tận nhà máy của hãng ở Suttgart, Đức để bảo hành mà chỉ cần giao nó cho một đại lý ủy quyền ở gần nơi bạn sống nhất. Trước đây, dịch vụ bảo hành của đồng hồ Thụy Sĩ cũng vậy, song có thể điều này sắp thay đổi.
Một số cửa hàng ủy quyền bán thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ tại Thượng Hải, Brussels hay Zurich - nơi bán các loại đồng hồ Breitling, Omega hay Cartier có thể sẽ không còn nhận sửa chữa những mặt hàng này nữa. Nguyên nhân là do sự rạn nứt trong quan hệ hợp tác giữa hãng sản xuất và đại lý.
"Các địa điểm bán lẻ đang từ chối cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo hành," một người chủ cửa hàng bán lẻ đồng hồ tại thủ đô Bern của Thụy Sĩ nói. Lý do mà người chủ giấu tên này tiết lộ là “một số hãng đồng hồ không cung cấp các linh kiện thay thế song vẫn yêu cầu những cửa hàng bán lẻ nhận đồng hồ bảo hành, kể cả sửa chữa những lỗi nhỏ."
Và khách hàng là những nạn nhân đầu tiên. Thay vì chỉ phải đợi vài ngày như trước đây, khách hàng đôi khi sẽ phải chờ vài tháng để sửa chữa những chi tiết đắt tiền cho một chiếc đồng hồ.
Ông chủ cửa hàng đồng hồ tại Bern kể trên không phải là người duy nhất chỉ trích chính sách mới này của một số hãng đồng hồ.
Donato Trivisano, giám đốc điều hành tiệm kim hoàn và đồng hồ Mundwiler ở thành phố Winterthur, gần Zurich cho biết tập đoàn Richemont, sở hữu các thương hiệu lớn như Cartier, Jaeger-LeCoultre, IWC và Baume & Mercier cũng đang muốn áp dụng một chính sách tương tự. Ngay cả những cửa hàng ủy quyền, nơi có những thợ sửa đồng hồ lành nghề, được huấn luyện thường xuyên qua các khóa đào tạo dài ngày cũng sẽ không còn được đảm nhiệm thêm mảng sửa chữa, bảo hành.
Ví dụ mới nhất là về hãng Breitling. Công ty này đã ôm gọn toàn bộ hoạt động sửa chữa, và tại Thụy Sĩ, Mundwiler là trung tâm dịch vụ duy nhất được Breitling công nhận có thẩm quyền sửa chữa đồng hồ.
Ông Trivisano cho biết ông có biết những khách hàng đã phải trả tới 1.000 CHF (khoảng gần 1.100 USD) cho những sửa chữa đơn giản và phải đợi hàng tháng để nhận lại đồng hồ. Lý do là dù không có sự đồng ý của khách hàng, hãng sản xuất vẫn tự tiến hành kiểm tra lại toàn bộ chiếc đồng hồ, đẩy giá thành bảo dưỡng lên cao.
Ông cho biết ông đã nghe một số khách hàng phàn nàn và cho biết sẽ không muốn mua những chi tiết đắt tiền của Breitling nữa.
Breitling, vừa mới được tập đoàn tài chính Anh CVC Capital Partners mua lại hồi tháng 4/2017, không đưa ra bình luận nào về những cáo buộc này và từ chối trả lời câu hỏi mà phóng viên của Swissinfo đưa ra.
Thông tin đăng trên website của hãng này giải thích chính sách mới là để đảm bảo việc bảo dưỡng trong quá trình sử dụng đồng hồ được tiến hành theo đúng như tiêu chuẩn của Breitling và để đảm bảo rằng dịch vụ do một trung tâm được ủy quyền thực hiện, qua đó, khách hàng sẽ kéo dài được thời gian sử dụng của đồng hồ. Breitling là một thương hiệu đồng hồ hạng sang của Thụy Sĩ, với giá của một chiếc đồng hồ dao đồng từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn CHF.
Jean-Daniel Pasche, thành viên Liên đoàn công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ cho biết các hãng đồng hồ danh tiếng hiện nay chỉ cung cấp phụ kiện đồng hồ thay thế cho những đại lý bán lẻ trong mạng lưới chính thức của họ.
(Nguồn: Playbuzz)
Ông cho hay cũng có một số khách hàng phàn nàn về chi phí và thời gian sửa chữa, bảo hành đồng hồ, song đó chỉ là một số trường hợp đơn lẻ, chưa thể kết luận thành một vấn đề lớn hơn.
Thực tế là các thợ sửa đồng hồ được ủy quyền có thể cung cấp những dịch vụ nhanh và rẻ hơn cho khách hàng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thợ kim hoàn và thợ đồng hồ Thụy Sĩ André Hirschi, chính sách mới của một số hãng đồng hồ có thể hủy hoại danh tiếng lâu nay của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ.
"Không có lý do để khách hàng phải chi trả một khoản tiền lớn cho một chi tiết nhỏ trên đồng hồ. Và khi sự hứng thú đối với thú chơi thời gian biến thành một sự khó chịu, khách hàng có thể sẽ không còn tình yêu đối với khối tài sản mà họ sở hữu trên tay," ông André Hirschi nói.
Biện pháp chống lại công nghiệp hàng giả của Trung Quốc
Ông Perrin-Văn Phúc, thợ sửa đồng hồ người Việt từng làm việc hơn 40 năm trong ngành sửa chữa đồng hồ tại Thụy Sĩ cho hay thực ra đây là biện pháp mà các hãng đồng hồ lớn của Thụy Sĩ buộc phải triển khai để bảo vệ danh tiếng của mình trước ngành công nghiệp hàng nhái tinh vi, chủ yếu xuất phát từ Trung Quốc.
Ông tiết lộ trước đây những người thợ sửa đồng hồ chuyên nghiệp như ông đều được nhận những linh kiện thay thế do các hãng đồng hồ lớn cung cấp để thực hiện viện bảo hành, sửa chữa đồng hồ cho khách hàng tại chính những cửa hiệu bán đồng hồ ủy quyền. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số trường hợp các linh kiện này được gửi sang nơi khác, đặc biệt là Trung Quốc, để lắp ráp vào tạo thành hàng nhái đồng hồ “Swiss made" đưa ra thị trường.
Thống kê của Liên đoàn đồng hồ Thụy Sĩ cho biết mỗi năm Trung Quốc bán ra thị trường thế giới 30 triệu đồng hồ nhái mang hiệu “Swiss made," nhiều hơn con số 25 triệu đồng hồ thật của các hãng đồng hồ Thụy Sĩ. Ngành công nghiệp đồ nhái của Trung Quốc đã tăng trưởng rất nhanh, từ 250 tỷ USD năm 2007 lên 461 tỷ USD năm 2013./.
Vietnam+